Kim Dung viết 15 tác phẩm kiếm hiệp. Khoảng nửa thế kỷ qua, hơn 100 bộ phim điện ảnh, truyền hình được chuyển thể từ truyện của ông. Tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh, Hàn, Nhật, Thái, Pháp, Indonesia, Việt Nam. Ở Việt Nam, nhiều thế hệ độc giả là fan của cố tác giả.
Truyện, phim kiếm hiệp Kim Dung trở thành dấu ấn khó phai trong tâm trí nhiều thế hệ, là một phần của tuổi thơ, thanh xuân, mang đến cho họ những rung cảm đầu đời. Đông đảo khán giả cho biết hồi nhỏ họ thường để dành tiền thuê mướn truyện, băng đĩa với giá 500 đồng một lần và phải cố xem nhanh để trả, có khi phải thắp đèn dầu để đọc. Đối với thế hệ khán giả thập niên 2000, họ đọc truyện Kim Dung online hoặc tải file về máy tính đọc dần.
Thập niên 1980-1990 ở nông thôn Việt Nam, tivi còn là thứ xa xỉ, vì thế nhiều người xem phim ké nhà hàng xóm hoặc phải bỏ tiền đi xem. Năm tháng đó để lại trong họ niềm vui lẫn nước mắt, ngọt ngào lẫn xót xa. "Ngày xưa không có tiền, lén xem phim thông qua lỗ vách và chỉ xem bằng một con mắt. Muỗi cắn nát chân vẫn không bỏ tập nào. Thấy hình ảnh phim này là tôi lại thấy ký ức tràn về, cổ họng nghẹn ngào, khóe mắt cay cay", một khán giả viết về kỷ niệm thời xem Thần điêu đại hiệp thập niên 1990.
* 10 đại cao thủ trên trang sách Kim Dung
"Nhớ lại hồi đó quá. Vui lắm, đi coi phim buổi tối, khoảng 9h về mạnh ai nấy xách dép chạy vì sợ ma". "Khoảng mười mấy năm trước, tôi lên Sài Gòn chơi mà phải về quê gấp để coi mấy tập còn lại của bộ Anh hùng xạ điêu do Chu Nhân và Trương Trí Lâm đóng", các khán giả bình luận trên VnExpress. Vì mê đọc truyện, xem phim, nhiều người từng bỏ việc nhà, trốn học, thức thâu đêm quên cả học bài. "Một thời đi xem chui, nhảy rào rách cả quần áo, một thời chuyên trốn học để xem rồi đêm ngủ mơ bay như trong phim. Nhớ hồi xưa thức trắng đêm xem Cô gái Đồ Long, sáng đi học cô kêu trả bài không thuộc nên giờ nhớ hoài", độc giả Thefuong2006 chia sẻ.
Phim chuyển thể từ truyện Kim Dung còn gắn với những kỷ niệm gia đình. "Ngày xưa lúc mẹ bị gãy chân, nằm một chỗ, suốt ngày cứ kêu con trả đi trả lại mấy cuộn băng để coi hết cuốn này tới cuốn khác....Giờ thấy lại những bức hình này mà mắt cứ cay cay", độc giả Vo Hien bình luận. "Năm tôi thi đỗ vào Lê Hồng Phong, bố hứa mua cho Thiên Long Bát Bộ. Tôi háo hức đến mất ngủ", độc giả Ân Nguyễn viết.
Còn có những khán giả bắt chước nhân vật trong truyện, vót tre làm kiếm, bay nhảy tung tăng, ngồi học vẫn mơ làm hiệp nữ, kiếm khách giang hồ. Không ít thiếu niên còn lần đầu biết rung động vì ánh mắt, nụ cười của Lý Nhược Đồng, Chu Nhân, Lê Tư, Hứa Tình, Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung... Những cô bé chàng trai năm ấy, giờ trưởng thành, bận bịu với công việc, nhưng mỗi khi nhắc về truyện, phim chưởng Kim Dung vẫn bàn tán không hồi kết chuyện Độc Cô Cầu Bại, Lệnh Hồ Xung... ai giỏi võ hơn, kiếm pháp nào mạnh nhất. Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược... ai xinh đẹp hơn ai rồi đến Chu Nhân, Châu Tấn... ai đóng Hoàng Dung đạt hơn, phiên bản Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp nào hay nhất...
* 10 đại mỹ nhân trong thế giới võ hiệp Kim Dung
Kỷ niệm được nhiều người chia sẻ là hồi nhỏ, họ tưởng Kim Dung là phụ nữ, luôn thắc mắc "sao phụ nữ mà viết truyện đánh nhau tài tình thế?". Khi Internet phát triển, họ mới biết Kim Dung là đàn ông và vẫn còn sống ở thế kỷ 21 chứ không phải người của thời cổ đại.
Khi nhà văn qua đời, nhiều người bày tỏ truyện và phim ảnh chuyển thể của ông ảnh hưởng đến tính cách, cuộc đời họ. "Quách Tĩnh dạy tôi thiện lương, chính trực. Dương Quá dạy tôi kiên nhẫn dũng cảm. Vi Tiểu Bảo dạy tôi lạc quan, tích cực. Còn Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung... họ mang những phẩm chất tốt đẹp của con người, ảnh hưởng tới tôi từ nhỏ đến giờ. Có những người ra đi, song họ còn mãi trong lòng người", tài khoản Bu viết trên một diễn đàn.
"Vĩnh biệt ông, tuổi thiếu niên của tôi. Mối tình đầu, cũng là ông an ủi. Bệnh tật, cũng là ông vực dậy phần nào. Đa tạ", tài khoản Video Tâm Đắc viết trên VnExpress.
Tài khoản Dustin Pham cho biết hồi nhỏ bao đêm mất ngủ đọc truyện Kim Dung. "Sang đến Mỹ năm 1994, tôi cũng vào thư viện lục truyện của ông đọc. May mà thư viện Mỹ có đầy đủ văn học thế giới. Đến giờ vẫn mê đọc sách hằng ngày vì thói quen đọc kiếm hiệp ngày xưa. Vĩnh biệt ông. Những quyển sách của ông gắn với tuổi thơ, lúc bắt đầu trưởng thành, chập chững bước chân ra đời, xa gia đình. Và sẽ vẫn sẽ tiếp tục song hành cùng tôi sau này. Nhiều người nói gần 50 rồi mà vẫn cứ ngây thơ. Tôi hiểu, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục sống, làm việc với tinh thần, cảm hứng được truyền từ những quyển sách của Đại hiệp Kim Dung", Dustin Pham chia sẻ.
Có những người vì mê Kim Dung mà theo ngành Văn. "Hai chữ Kim Dung có ý nghĩa gì với tôi? Đó là người tôi say mê suốt thời trung học. Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc, tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên, và cả truyện Việt nữ kiếm. Thanh xuân của tôi biết bao lần đọc những cuốn này. Đó cũng là lý do tôi học ngành văn thời đại học, luận văn đầu tiên của tôi cũng là về truyện Kim Dung. Vô số đêm ngày, tôi và em họ nói về Kim Dung, mơ về thế giới võ hiệp. Chỉ cần trở về thế giới võ hiệp của ông, tôi được trở về thời niên thiếu dữ dội", tài khoản Mixiu viết trên Weibo.
"Làm thế nào để đánh giá một cuốn tiểu thuyết hay dở? Nếu mà nhiều năm sau bạn còn có thể kể rõ tên nhân vật chính trong truyện, chứng tỏ tiểu thuyết thành công. Nhờ Kim Dung, thế giới của tôi có anh hùng, có lãng mạn. Nhờ Kim Dung, tâm hồn tôi có thêm lý tưởng, thêm sự ngây thơ", khán giả Yuxia bày tỏ.