Gia đình tôi là một gia đình công chức như bao gia đình thời đó. Bố mẹ mải mê đi làm cũng chỉ đủ nuôi chúng tôi ăn học chứ đừng mơ những thứ xa xỉ như đồ chơi hay quần áo đẹp.
Nhà có 3 anh chị em, tôi là con út nên phần nào cũng được ưu tiên hơn. Nhưng tôi cũng hiểu và thương bố mẹ tranh thủ giờ nghỉ hoặc tan làm phải xếp hàng mua chút thịt cải thiện cho bữa ăn gia đình, xếp hàng mua mớ rau, phần ngọn người ăn, còn phần già băm cho lợn, thương anh trai khi anh phải dậy thật sớm để ra máy nước công cộng xếp hàng lấy từng xô nước rồi sau giờ học lại tất tả xếp hàng mua dầu hỏa, nước mắm, chị gái dậy từ 3 giờ sáng để ra cửa hàng gạo xếp hàng mua gạo, trong khi giờ đó tôi còn ngon giấc. Từ “ xếp hàng” là từ xuất hiện nhiều nhất trong từ điển thông dụng, hoặc nếu thời đó có Google, chắc nó sẽ có đứng đầu trong cái công cụ tìm kiếm.
Chỉ đôi ba lần tôi phải đi mua thực phẩm bằng bìa C của bố. Nơi bán cho cán bộ có bìa C là chùa Kim Sơn ở góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh bây giờ. Cửa hàng thực phẩm đó dành cho tiêu chuẩn ưu tiên, không cần phải xếp hàng nên tôi có thể đi bất kỳ lúc nào. Ra đó rồi chìa cái giấy mà bố mẹ đã cẩn thận gói trong túi ni lông cho tôi, đưa cho cô mậu dịch viên rồi cầm thịt về. Đơn giản vậy thôi nhưng với tôi lúc đó như là một chiến tích vậy. Còn những loại tem phiếu khác, với tôi, chúng là một bảng màu đủ sắc hồng, vàng, xanh, đỏ. Mẹ thường nói vui với tôi rằng bảng màu đó là sự sống của cả gia đình. Đấy thực sự mới là cuộc sống muôn màu.
Nhà nuôi lợn, đó là nỗi vất vả của cả nhà nhưng lại là niềm vui của tôi. Anh chị phải sang hồ Hào Nam vớt bèo cho lợn ăn, bố mẹ tranh thủ giờ nghỉ trưa đi mua cám, còn tôi, tôi chăm sóc lợn bằng cách lấy nước dội chuồng, tắm cho nó và lấy lược chải lông. Con lợn vì thế rất thích tôi, mỗi khi thấy tôi là nó lại nằm uỵch ra sàn để chờ tôi chải lông cho nó. Nó là bạn mỗi khi cả nhà đi làm và đi học.
Buổi sáng, bố mẹ đi làm, anh chị đi học nên tôi thường xuyên ở nhà một mình, với cái khóa cửa to lù và chìa khóa treo lủng lẳng ở cổ.
Đến giờ vẫn không hiểu tại sao phải khóa cửa khi mà trong nhà chả có vật gì gọi là đáng giá. Nhà chỉ có giường tủ, bàn ghế, 1 cái đài được treo trên tường giữa 2 phòng của căn nhà và tài sản lưu động là con lợn. Ờ, hay là sợ bị trộm bắt lợn ???
Đến trưa anh chị đi học về, nấu cơm cho tôi ăn, cho tôi ngủ rồi đến chiều, tôi tự đi học. Thời đó, kể cả là lớp 1 thì cũng tự đi bộ đi học chứ đâu có xe đón xe đưa như giờ.
Phương tiện thông tin giải trí duy nhất của cả nhà lúc đó là cái đài phát thanh to bằng quyển từ điển Anh Việt loại dày. Vì thế nên đến giờ tôi vẫn nhớ như in giờ các chương trình như 6h30 sáng thứ Bảy và Chủ nhật là có chương trình Chuyện kể ở đại đội, 7h tối thứ 7 là chương trình kể chuyện cảnh giác, 4h30 chiều hàng ngày là chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, 10h tối là kể chuyện đêm khuya hoặc tiếng thơ…
Đến năm 79, bố đi công tác Sài Gòn, mua được cái tivi cũ đen trắng Sanyo 14”. Trời, quả là chuyện kinh thiên động địa. Lúc đó đã có mấy nhà trong xóm có tivi đâu. Ăn cơm chiều xong, tự ngồi vào học bài thật nhanh để 7h được ngồi trước tivi thưởng thức chương trình Những bông hoa nhỏ. Từ 7h đến 9 – 10h tối, nhà tôi lúc nào cũng chật ních người, trong căn phòng 12m2 có cái tivi để ở vị trí thật là trang trọng. Hàng xóm từ lớn đến bé, ngồi trật tự, chăm chú như nuốt từng lời của phát thanh viên truyền hình hoặc lời thoại của nhân vật trong bộ phim hay vở kịch được trình chiếu. Cả xóm lúc đó hình như có 3 cái tivi, mà ngồi trước nó, bao giờ cũng là đám đông ngưỡng mộ như vậy. Thật lạ là chủ của mấy cái phương tiện truyền thông đó không bao giờ cảm thấy phiền hà gì khi nhà mình tối nào cũng chật ních như vậy. Tình người thời đó thật đáng ngưỡng mộ gấp nghìn lần cái máy phát hình.
Xóm tôi ngày xưa bé tí và ngắn, không dài miên man như bây giờ. Mọi người trong xóm biết hết nhau, tên của nhau cũng thuộc kể cả đứa trẻ bé tí. Nhà nhà cách nhau cái giậu dâm bụt, cổng tự chế bằng những thanh tre được buộc vào nhau bằng những sợi dây thép. Cây cỏ hoa lá vô kể. Ngày đó buổi tối hay mất điện. Bọn trẻ chúng tôi chỉ chờ ánh điện tắt phụt là xông ra đường với bao trò chơi thú vị: ném ống bơ, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… Hôm nào đúng tuần rằm có trăng thì đúng là thiên đường với chúng tôi.
Rằm Trung Thu, mẹ thường làm cho tôi bông hoa sen bằng quả bưởi để đi góp cỗ cùng các bạn trong xóm, để rồi thật tự hào với bọn bạn khi bọn chúng khen mẹ mình khéo tay quá. Đèn ông sao chơi hết năm này qua năm khác, hết Trung thu, bố lại lấy ni lông bọc vào rồi cất lên gác xép cho tôi. Trung thu năm sau lại mang ra chơi tiếp, vẫn mới như thường.
Tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm. Bố mẹ luôn chắt chiu để các con có bộ quần áo mới. Rục rịch mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh và thịt để chuẩn bị nồi bánh chưng. Mẹ chuẩn bị bột mỳ, đường, trứng để chị mang đến hiệu làm bánh quy gai của nhà bác ở phố Huế. Chiều 30 Tết, nhà lúc nào cũng đông vui vì các bạn của anh trai tập trung ở nhà tôi thành thông lệ. Sáng mùng 1 Tết, thò cổ ra ngoài cửa hít hà cái mùi của bánh pháo mọi nhà vừa đốt và không khí lành lạnh của Năm mới, thấy cuộc sống thật đáng yêu. Được xúng xính quần áo mới và đi chúc Tết nhà các bác, cô chú, nhận chút tiền mừng tuổi rồi cất thật kỹ. Thế mới là Tết chứ.
Cứ thế, tuổi thơ của tôi đồng hành với những câu chuyện nhỏ nhặt như thế, nhưng chẳng bao giờ quên được. Nhưng thực lòng tôi không hề oán trách gì cuộc sống lúc đó. Nhờ có nó mà anh chị em chúng tôi lớn lên và trưởng thành với tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. Ai đó đã nói một câu thật chí lý: có được mọi thứ hiện tại, là nhờ quá khứ.
Nhưng cuộc sống vẫn đơn thuần là cuộc sống. Đến giờ đã là vợ, là mẹ, tôi cũng phải tuân theo cái quy luật và dòng chảy của hiện tại. Đi chệch ra khỏi cái quy luật đấy, mình sẽ trở thành người đến từ Sao Hỏa trong mắt mọi người xung quanh.
Thôi thì đành hoài niệm trong tâm thức vậy. Vâng, tôi là người luôn hoài niệm với quá khứ, dù hạnh phúc hay đau buồn, dù sung túc hay khốn khó, nhưng nó vẫn luôn là một miền ký ức đẹp trong tôi.
Vũng Tàu, 15/9/2010
Vũ Thị Thanh Bình