Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành dự thảo lần hai Luật Lao động sửa đổi, lấy ý kiến chuyên gia, người dân từ ngày 21/4 đến 21/6.
Trong đó, tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo hai phương án. Một là giữ nguyên như hiện hành nam 60, nữ 55 tuổi. Phương án hai là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hơn. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Trong dự thảo lần đầu, Bộ cũng đề xuất hai phương án tuổi hưu là giữ nguyên như hiện hành (nam 60 và nữ 55 tuổi) hoặc tăng tuổi của nam lên 62, nữ 60 theo lộ trình mỗi năm 3 tháng để không gây xáo trộn mạnh đến bố trí và sử dụng lao động.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên các cơ sở như đối phó tình trạng dân số già và đảm bảo quỹ hưu trí. Quỹ này đang mất cân đối, cơ quan quản lý cho rằng do mức đóng - hưởng BHXH chưa hợp lý, tuổi thọ bình quân tăng (73 tuổi), thời gian hưởng lương hưu kéo dài (20 năm) và tỷ lệ hưởng cao (tối đa 75%).
Tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành, không tăng tuổi nghỉ hưu thì dự báo năm 2020, mức thu Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bằng mức chi và đến 2037, cán cân thu chi cân bằng, bao gồm cả kết dư quỹ, phải lấy ngân sách bù vào. Tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051. |
Hoàng Phương