Đầu tháng 9, căn nhà vốn vắng lặng của vợ chồng nghệ sĩ Nam Hùng vang lên tiếng cười rộn rã khi có nghệ sĩ Kim Cương đến thăm. Một tay chống gối gượng dậy vì chứng thấp khớp, tay kia vịn vai vợ ra đón khách quý, ông cười tươi chào hỏi đồng nghiệp một thời. Chỉ một ngày trước, ông đột ngột lên cơn khó thở vì bệnh phổi, người thân định đưa đi cấp cứu. Sau khi nghỉ ngơi, ông đỡ dần.
Ở tuổi 83, Nam Hùng ra vào viện "như cơm bữa", mắc hơn 10 bệnh lý nền. Hồi đầu tháng 7, sau khi dự đám giỗ mẹ nuôi - nghệ sĩ Phùng Há, ông bỗng khó thở, đi tiêu ra máu. Gia đình đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5). Ông vốn mắc chứng hen phế quản mãn tính, phình động mạch chủ đã lâu. Được chỉ định giải phẫu tim năm ngoái, song ông quá yếu, lại huyết áp cao nên chưa được điều trị. "Lần đó, tôi nằm viện mất hai tuần. Các bác sĩ lắc đầu, tưởng phải đưa về nhà, may trời thương nên vẫn còn ở lại", ông kể. Trong một năm, từ một người phương phi, hồng hào, Nam Hùng giảm hơn 12 kg, chỉ còn 48 kg.
Nhiều năm nay, vợ chồng ông vẫn ở nhà thuê. Một khán giả - vốn mến một tài ca diễn của Nam Hùng - thương hoàn cảnh ông, cho thuê một phần căn nhà với giá ba triệu đồng mỗi tháng. Thời gian dài, nghệ sĩ mở quán phở do chính tay ông nấu, kiếm đồng ra đồng vào. Sau này, vì nhiều lần nhập viện, thấy vợ vừa chăm bệnh cho ông, vừa quần quật nấu phở, Nam Hùng đóng quán. Từ đó, vợ chồng ông chắt chiu sống với khoản lương hưu.
Kinh tế không dư dả song hiếm khi ông tâm sự với các đồng nghiệp để kêu gọi giúp đỡ. Có lần trị bệnh, phải xoay xở khoản viện phí, ông vẫn bảo vợ đừng kể với ai vì cho rằng còn nhiều nghệ sĩ khác hoàn cảnh đáng thương hơn. Con gái ông - nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm - đã sang Mỹ định cư gần 10 năm. Ông thường dặn con, có gửi quà về cho cha chỉ gửi thuốc men, đừng gửi tiền bạc vì biết con còn chật vật xứ người.
Nhắc đến Tô Kim Hồng, mắt Nam Hùng ánh lên nét ấm áp. Ông thường gọi vui bà là "đệ nhất nuôi bệnh". Hồi tháng 6, giỗ nghệ sĩ Phùng Há, ông vì bệnh tật không thể đứng ra tổ chức, bà một tay lo liệu. Sinh thời, Phùng Há thường hết mực khen ngợi con dâu. Trên sân khấu, Tô Kim Hồng chuyên trị các vai đào độc, đào lẳng. Ngoài đời, bà hiền hậu, có phần kiệm lời. Kém chồng hơn 10 tuổi, ngoài đỡ đần chân tay, bà còn giúp ông ghi nhớ những điều lặt vặt khi tâm trí ông dần kém minh mẫn.
Hơn 40 năm gắn bó, Nam Hùng, Tô Kim Hồng sẻ chia từng sở thích đơn giản. Có dạo, vợ chồng ông thích uống cà phê, vậy là ngày nào ông cũng dậy sớm pha một ly để cả hai uống chung. Sau này, bà kiêng ngọt nên pha hai ly riêng, song vẫn giữ thói quen mỗi sáng nhâm nhi cùng ông bàn chuyện đời, chuyện nghề. Trên sân thượng, họ trồng vài chậu hoa, người thích hồng, người yêu lan. Lần nọ ông quay sang, trách bà sao để mồng tơi leo lên giàn mướp của ông. Bà mới thủng thẳng đáp: "Biết anh thích ăn canh mồng tơi nấu mướp nên em mới trồng thêm mấy nhánh".
Những ngày ở nhà dưỡng bệnh, Nam Hùng thường ôn lại ký ức một thời vàng son của cải lương. Nghiệp ca diễn đến với ông như định mệnh. Lúc nhỏ, cậu bé Xúy (tên thật của Nam Hùng) cùng cha theo phụ việc ở các đoàn cải lương. Sau này, cha ông về quê Hà Nam tìm mẹ và các con, mình ông ở lại miền Nam lang bạt. Thương ông côi cút, nghệ sĩ Phùng Há nhận làm con nuôi, cho ăn học. Niềm đam mê ca cổ ngấm vào máu ông từ đó. Ông đảm nhận đủ vai, từ chân chạy cờ, quân lính rồi kép con trên sân khấu đoàn Phụng Hảo của Phùng Há. 16 tuổi, ông xin mẹ nuôi theo đoàn Hương Hoa học nghề.
Giọng trầm ấm, ngoại hình sáng, lại là con nuôi Phùng Há - một trong những vị tổ của cải lương miền Nam, ông hội đủ mọi yếu tố để trở thành kép chánh, kép mùi. Tuy vậy, ông chọn con đường khó hơn - trở thành kép độc, chuyên đóng vai phản diện. Mỗi lần nhận vai mới, ông luôn cố gắng khắc họa nhân vật sao cho người xem ghét cay ghét đắng. Có lần, ông đóng vai Hốt Tất Liệt, khi nhân vật thét lên, giậm chân, một cậu bé trong rạp òa khóc nức nở vì sợ. Giao vở mới, ông thường nghiên cứu kỹ cách diễn ác sao cho không trùng lặp.
Với ông, đóng vai phản diện không chỉ la hét, trừng mắt. Đôi khi, chỉ một cái nghiến răng, nụ cười nhếch mép cũng làm toát lên vẻ gian xảo của nhân vật. Nhờ vậy, những vai phụ của ông như Chu Phác Viên (vở Lôi vũ), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình)... tỏa sáng không kém kép chánh. Ông nói: "Tôi không sợ bị ghét lây từ vai diễn vì luôn tin khán giả biết cách phân biệt rạch ròi giữa đời và kịch. Đôi khi, tôi nghĩ nhờ đóng vai ác nhiều, tôi được trung hòa để biết cách sống tốt".
Nghệ sĩ Ưu tú Nam Hùng thuộc "giai đoạn vàng" của sân khấu cải lương, cùng thế hệ với Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang, Thanh Nga, Hùng Minh... Gần 70 năm vào nghề, ông diễn cho các đoàn hát lớn như Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, 284... Ông nổi tiếng với hàng chục vai: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi vũ), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến)...
Mai Nhật