Năm 1986, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của tổng thống Mỹ Ronald Reagan, bình luận viên chính trị kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng Dennis Miller đã chúc mừng ông trên sóng truyền hình bằng một cách khá hài hước.
"Tôi muốn gửi lời chúc mừng sinh nhật muộn tới ngài tổng thống, người vừa bước sang tuổi 75. Có đúng là 75 tuổi không nhỉ?", Miller đặt câu hỏi. "Các bạn biết đấy, ông tôi cũng 75 tuổi rồi. Và chúng tôi thậm chí còn không cho ông dùng điều khiển để chỉnh TV nữa".
Bằng lối nói dí dỏm, Miller dường như muốn ca ngợi sự minh mẫn của vị tổng tư lệnh nước Mỹ. Ronald Reagan đến nay vẫn giữ ngôi vị là người già nhất đắc cử tổng thống Mỹ. Ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng khi chuẩn bị bước sang tuổi 70.
Kỷ lục mới
Theo CNN, kỷ lục trên có thể bị xô đổ sau cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay nếu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bernie Sanders, 75 tuổi, được bầu làm tổng thống Mỹ.
Ở tuổi 70, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump, cũng sẽ già hơn ông Reagan năm xưa vào thời điểm diễn ra ngày bầu cử. Bà Hillary Clinton, 69 tuổi 3 tháng, ứng viên khác của đảng Dân chủ, thì chỉ trẻ hơn một vài tháng.
Ngoài ra, ứng viên của đảng Cộng hòa John Kasich cũng đã ở tuổi ngoài 60.
Đi kèm với tuổi cao là những vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ riêng của Sanders cho biết ông mắc chứng đau lưng, viêm thanh quản do trào ngược dạ dày và bệnh gout, nhưng tình trạng tim ổn định. Bà Clinton bị dị ứng theo mùa. Bác sĩ tiêu hóa của ông Trump trong khi đó mạnh miệng tuyên bố ông là ứng viên tổng thống Mỹ "khỏe mạnh nhất" từng chạy đua vào Nhà Trắng từ trước đến nay.
Nhưng điều quan trọng hơn cả nằm ở khối óc của họ, thứ mà các bác sĩ không hề đề cập đến, quan sát viên Michael Tortorello từ tờ Politico, bình luận. "Chúng ta tìm hiểu về bệnh viêm ruột thừa mắc khi mới 10 tuổi của ứng viên tổng thống nhưng lại không biết gì về việc liệu ông hay bà ấy có đủ tỉnh táo, sáng suốt cho công việc hay không", Tortorello nhận xét.
Vậy thực sự thì yếu tố tuổi tác ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của một tổng thống ra sao và liệu nó có thể mang đến những thay đổi bất ngờ cho kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra rất quyết liệt hay không?
Video: Hillary Clinton và Bernie Sanders tranh luận về giải pháp cứu trợ ngành công nghiệp
Chỉ là con số
"Xét về mặt chính trị, tuổi tác là một vấn đề quan trọng nhưng không nên quá đặt nặng vào nó", Julian Zelizer, giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, Mỹ, cho biết. "Một người trẻ vẫn có thể ốm yếu và một người già vẫn có thể sở hữu một sức khỏe dẻo dai và tư duy sắc bén".
Thay vào đó, theo Zelizer, tuổi tác ứng viên và sự ủng hộ dành cho họ chỉ là tham số cho thấy cử tri đang mong muốn một tiếng nói mới mẻ hay một lãnh đạo già dặn.
"Tuổi tác ứng viên ảnh hưởng tới cử tri một cách có ý thức và cả vô thức", Zelizer nói. "Ông Obama từng được hưởng lợi từ mong muốn một thứ gì đó mới mẻ của người dân. Cử tri nghĩ rằng nếu bạn trẻ, bạn sẽ không bị mắc kẹt trong các vấn đề 'xưa cũ', bạn sẽ vượt xa khỏi những tiêu chuẩn thông thường. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng nhưng nó thuộc về ý thức con người".
Tuy nhiên, ông Sanders, ứng viên nhiều tuổi hơn cả, lại là người đang thu hút sự chú ý bởi quan điểm mới mẻ và tiếng nói tràn đầy năng lượng.
"Ông ấy là người nhiều tuổi nhất nhưng lại có sức chịu đựng cao nhất, cả về thể chất lẫn tinh thần", Zelizer nói.
Elizabeth Siyuan Lee, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Middlebury, Mỹ, cũng cho rằng "tuổi tác sẽ chẳng mang ý nghĩa gì nếu các ứng viên tổng thống tập trung vào những nguyên tắc đúng đắn".
"Giới học sinh, sinh viên ủng hộ nhiệt tình vì ông ấy biết khai thác các vấn đề mà người trẻ thật sự quan tâm", bà Lee viết về ông Sanders.
Về mặt y học, trở nên già cả và cảm thấy già cả là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học College London, Anh, thực hiện chỉ ra rằng những người cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thường sống lâu hơn những người luôn thấy mình già so với tuổi.
"Cái mà chúng ta gọi là 'tuổi sinh lý' còn quan trọng hơn cả tuổi sinh học", bác sĩ Sanjay Gupta, người phụ trách ban sức khỏe, y tế của kênh CNN, cho hay.
Video: Donald Trump yêu cầu người biểu tình 'về nhà với mẹ'
Sức khỏe hay tuổi tác?
Sau khi kiểm tra hồ sơ y tế của các tổng thống Mỹ từ những năm 1920 tới nay, bác sĩ Michael Roizen thuộc Bệnh viện Cleveland đưa ra giả thuyết cứ một năm giữ chức, tổng thống Mỹ lại già đi hai tuổi. Đây là kết quả của những áp lực mà họ phải gánh vác khi ngồi trên chiếc ghế uy quyền nhất thế giới.
Song một số nhà nghiên cứu cũng lưu ý, dù phải đối mặt với nhiều căng thẳng nhưng tổng thống Mỹ mặt khác lại được hưởng lợi khi là người có quyền đưa ra quyết định. Họ không phải chịu những ràng buộc hay sức ép của người làm công việc cấp thấp.
Một nghiên cứu thực hiện hồi tháng 12/2011 kết luận các tổng thống Mỹ thực chất chỉ trông giống như họ đang già nhanh hơn đại bộ phận dân số nói chung về bề ngoài.
Điều này "không có nghĩa các tổng thống sẽ chết sớm hơn người bình thường", tác giả S. Jay Olshansky, nhấn mạnh. "Trái lại, 23 trong 34 tổng thống Mỹ qua đời vì những nguyên nhân tự nhiên còn sống lâu hơn cả tuổi thọ trung bình của nam giới".
Chính vì thế, chuyên gia khuyên rằng thay vì tập trung vào vấn đề ứng viên tổng thống trẻ hay già, cử tri nên quan tâm đến việc liệu các ứng viên có phù hợp với chức vụ hay không, xét trên cả khía cạnh thể chất lẫn tinh thần.
"Công chúng muốn đảm bảo họ phải sẵn sàng cho công việc", giáo sư lịch sử Douglas Brinkley tại Đại học Rice, Mỹ, bình luận. "Những năm trước đây, các tổng thống thường cố che giấu bệnh tật. Nhưng nay, họ phải cởi mở hơn về tình trạng sức khỏe của mình".
Theo ông Brinkley, lịch sử nước Mỹ sẽ rất khác nếu hồ sơ y tế của các tổng thống trước đây được công khai. Cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, được cho là mắc chứng trầm cảm, cố tổng thống Woodrow Wilson, từng bị đột quỵ, trong khi đó, cố tổng thống Franklin Roosevelt bị bại liệt từ thắt lưng trở xuống vào năm 1921.
Tháng 1/2011, Ron Reagan, con trai tổng thống Ronald Reagan, tiết lộ ông từng rất lo lắng khi cha mình tham gia cuộc tranh luận với đối thủ đảng Dân chủ Walter Mondale vào năm 1984.
"Tim tôi như thắt lại khi thấy cha loạng choạng trước những lời đáp trả của đối thủ, dò dẫm với các ghi chú và lơ đãng một cách kỳ lạ", ông Ron Reagan viết trong cuốn hồi ký của mình.
Tổng thống Ronald Reagan năm 1994 bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, một hội chứng về não gây ra tình trạng suy giảm dần trí nhớ, khả năng tư duy và kỹ năng suy luận.
Nhưng các thành viên trong gia đình cho hay ông Ronald Reagan không cho thấy bất kỳ biểu hiện nào của bệnh Alzheimer khi còn làm tổng thống.
"Không có bằng chứng nào cho thấy cha tôi biết về tình trạng sức khỏe của mình lúc ông làm việc tại Nhà Trắng", Ron Reagan viết. "Nếu bệnh được chẩn đoán sớm hơn, vào năm 1987 chẳng hạn, ông ấy có lùi về hậu trường không ư? Tôi nghĩ là có".
Vũ Hoàng