Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi được coi là trường ca bất hủ về con người thủ đô. Ca khúc đòi hỏi người trình bày phải có trình độ thanh nhạc lẫn nhạc cảm. Trước đây, một số ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc như Lê Dung, Cao Minh, Ánh Tuyết, Trọng Tấn.
Người Hà Nội được chọn làm chủ đề chương trình "Giai điệu tự hào" số tháng 10 phát sóng tối 31/10. Tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, với sự thể hiện của các ca sĩ được đánh giá cao về chuyên môn như Quang Lý, Thanh Lam, Hà Trần và Tùng Dương.
Bốn ca sĩ với những thế mạnh, đặc điểm riêng của giọng hát đã bổ sung, hòa quyện với nhau. Giọng hát Hà Trần mang lại sự trong trẻo của buổi sớm thu, Tùng Dương thể hiện một Hà Nội hào sảng. Trong khi Thanh Lam mang tới một Hà Nội sang trọng, quý phái thì Quang Lý lại thể hiện sự thanh lịch, nhẹ nhàng của thủ đô (xem video). Tuy được thể hiện bởi 4 tên tuổi lớn, tiết mục lại không nhận được sự đồng thuận trong đánh giá của hội đồng bình luận.
Vẫn có ý kiến chê dành cho tiết mục này. MC, biên tập viên âm nhạc Nguyễn Hữu Chiến Thắng cho rằng, ca khúc Người Hà Nội như một chiếc bình quý được đặt trang trọng trên một chiếc giá quý. Nhưng tiết mục biểu diễn của nhóm tứ ca này lại không tạo thiện cảm cho anh, không đúng với những gì anh nghĩ về tác phẩm. “Trong tiết mục này, tôi thấy Người Hà Nội mang phong thái của nhạc kịch Broadway. Nó có thể là sự tìm tòi công phu, một sự sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Nhưng tôi muốn được nghe Người Hà Nội nguyên vẹn tinh thần Hà Nội, chứ không phải mang một lớp hóa trang và phục trang của nhạc kịch phương Tây. Ở đây, Người Hà Nội đã không còn vẻ cổ điển mà tôi từng quen”, MC nói.
Biên đạo múa Trần Ly Ly - một người con xa Hà Nội - cũng chê màn biểu diễn bởi không làm toát lên cảm xúc của tác giả. Theo chị, các ca sĩ chưa làm toát lên được vẻ đẹp của ca khúc - sự hội tụ tinh túy của một nhà thơ, một nhạc sĩ trong con người Nguyễn Đình Thi.
Ca sĩ Tùng Dương - một trong bốn người thể hiện ca khúc - lập tức phản pháo: “Broadway cũng chỉ là một cách mà chúng tôi muốn khai thác để tô thêm vẻ đẹp của bài hát. Tôi lại nói thêm một chi tiết nữa, tại sao các bạn trẻ ngày nay hát Rock, RnB, Hiphop? Đó là một văn hóa du nhập, Broadway cũng như thế. Chúng ta không Broadway hóa âm nhạc Việt Nam, mà chúng ta xem đó là phương tiện, cách thức thể hiện để làm sao chúng ta có thể mang cảm xúc tới khán giả. Còn chúng tôi vẫn là người Việt Nam, vẫn hát trong thể xác, tâm hồn của người Việt”.
Trái ngược với MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, đạo diễn Lê Hoàng và Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái lại hết lời ca ngợi tiết mục. Vị đạo diễn nổi tiếng khó tính trong cảm thụ nghệ thuật dành lời khen ngợi đặc biệt cho Tùng Dương khi anh cất lên những lời hát đầu tiên. Theo Lê Hoàng, Tùng Dương đã có sự vào bài khỏe khoắn, chắc chắn, tạo nền cảm xúc cho cả tiết mục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái trong suốt chương trình “Giai điệu tự hào” luôn đưa ra những nhận xét khắt khe. Nhưng bà dành những lời khen ngợi cho ca khúc Người Hà Nội của bốn ca sĩ: “Bài này rất hay, rất Hà Nội. Tôi đặc biệt thích Tùng Dương và Trần Thu Hà trong phần biểu diễn này”.
Dù nhận những ý kiến khen chê trái chiều, Người Hà Nội vẫn nhận 87,9% bình chọn của khán giả trong trường quay để tham gia gala chung kết. Đây là ca khúc có tỷ lệ bình chọn cao nhất từ trước tới nay của chương trình.
Trước Tùng Dương, ca sĩ Văn Mai Hương cũng phản biện trước những lời khen, chê khi cô thể hiện ca khúc Nhớ về Hà Nội. PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng Văn Mai Hương xử lý bài hát không ra khỏi cái bóng của Hồng Nhung. Á quân Vietnam Idol đã trả lời: “Những giá trị lịch sử không chỉ quý giá với thế hệ lớn tuổi, mà cháu thiết nghĩ thông qua chương trình như thế này, những người trẻ như chúng cháu được lắng nghe câu chuyện lịch sử từ các cô, các bác”.
Bên cạnh Người Hà Nội và Nhớ về Hà Nội, chương trình "Giai điệu tự hào" số tháng 10 còn có ba ca khúc: Sẽ về thủ đô (NSƯT Quang Lý), Hướng về Hà Nội ( NSƯT Thanh Lam), Gửi người em gái miền Nam (Tùng Dương).
Lam Thu