Tối 1/8, chương trình Hòa nhạc Toyota lần thứ 17 diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội trong tiết trời mát mẻ của lập thu. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ cello ưu tú Trần Thị Mơ và ca sĩ Tùng Dương đem đến một đêm diễn gần gũi với khán giả.
Xuất hiện ở phần sau của chương trình nhưng Tùng Dương lại mang tới khúc cao trào nhất và thực sự là “vedette” của đêm hòa nhạc. Theo kịch bản, anh trình bày ba bài là “Trường ca sông Lô”, “Người lái đò trên sông Pô Kô” và “Chiếc khăn Piêu”. Nhưng trước sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, Tùng Dương đã cao hứng hát thêm hai bài nữa là “Nơi đảo xa” và “Bài ca hy vọng”. Vẫn phiêu, vẫn say mê như thường lệ, Tùng Dương gây ấn tượng với khán giả về một người thực sự thấy hạnh phúc khi hát.
Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của Tùng Dương với nhạc trưởng người Nhật Bản - Honna Tetsuji - cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thực sự đem tới những màn trình diễn thăng hoa. Kết thúc mỗi màn biểu diễn, khán giả có mặt trong khán phòng Nhà hát Lớn không ngừng vỗ tay tán thưởng trước những bản nhạc quen thuộc được phối theo phong cách cổ điển.
Trước đó, đêm hòa nhạc được mở đầu với tác phẩm overture (nhạc dạo đầu) từ vở Opera “Russlan and Ludmilla” của nhà soạn nhạc Nga - Mikhail Glinka. Ngay sau đó là màn độc tấu Cello ấn tượng từ nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Mơ. Với giai điệu sâu lắng, trầm mặc, bản concerto giọng Mi thứ Op.85 đã chinh phục được khán giả thủ đô. Điệu nhạc kết thúc trong tiếng vỗ tay kéo dài. Nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ phải liên tục quay trở lại sân khấu để đáp lại phản ứng nồng nhiệt từ khán giả.
Không khí trong nhà hát bỗng nhiên trở nên mơ màng, thần tiên hơn với trích đoạn từ vở ballet “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky. Những giai điệu trong sáng lãng mạn khiến người nghe như đắm chìm vào thế giới của những câu chuyện cổ tích lung linh phép màu. Đây là một vở diễn rất nổi tiếng và được nhiều khán giả biết tới. Chính vì vậy, khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên, không khí trong khán phòng trở nên hưng phấn, rộ ràng lạ thường.
“Góc chỉ huy” là một nỗ lực của chương trình đem nhạc giao hưởng đến gần hơn với khán giả và là nét độc đáo của năm nay. Ở phần này, nhạc trưởng Honna Tetsuji trình bày mẫu một đoạn nhạc. Khán giả trong nhà hát được trải nghiệm cảm giác lần đầu tiên thử làm nhạc trưởng. Trong khi nhiều khán giả trẻ ở lứa tuổi teen hoặc lớn hơn vừa điều khiển vừa run thì nhiều em bé lớp ba, lớp bốn lại rất xông xáo, bạo dạn trên sân khấu.
So với những chương trình trước, đêm nhạc có nhiều đổi mới để kéo gần khoảng cách giữa công chúng và âm nhạc cổ điển. Với những sự thay đổi tích cực, những người tổ chức kỳ vọng tương lai không xa, khán giả Việt Nam quen hơn và yêu thích thể loại âm nhạc vốn được coi là “bác học” này.
Sau hai đêm diễn mở màn tại Hà Nội vào tối 1/8 và 2/8, Hòa nhạc Toyota sẽ tiếp tục tới Tây Nguyên vào 8/8 và TP HCM vào tối 11/8. Toàn bộ tiền bán vé của 4 đêm nhạc tại ba thành phố được sử dụng cho chương trình Học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam.
Anh Trâm