- "Khi thể hiện một ca khúc, điều đầu tiên tôi quan tâm là ca từ. Đó là những ca khúc có chất thơ và hơi góc cạnh". Anh bắt đầu quan tâm đến ca từ từ khi nào?
- Bạn bè tôi nhiều nhà văn, nhà thơ. Tôi chơi với Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư... Họ như chị gái của tôi, quan tâm, hỗ trợ tôi nhiều. Thơ ca nhạc họa có mối giao thoa. Đối với tôi, nhạc sĩ lấy thơ của người khác để phổ, hay tự sáng tác lời đều không quan trọng, quan trọng là cảm xúc viết ra bài hát đó.
Thí dụ Nguyễn Trọng Tạo với những vần thơ về tình yêu, tôi thấy rất mãnh liệt, tứ rất hay, lãng mạn, bay bổng. Tôi thích thơ của Vi Thùy Linh khát khao, cuồng dại, mạnh mẽ như những bài trong tập Khát của chị ấy.
- Anh thường đọc thơ vào lúc nào?
- Tôi không có nhiều thời gian nhưng vẫn tranh thủ đọc. Vì một bài hát thành công phụ thuộc không nhỏ vào ca từ, vì thế mình không thể không để ý đến thơ ca. Ở Việt Nam có quá nhiều người làm thơ hay, như Ý Nhi, Nguyễn Vĩnh Tiến... Nói chung tôi yêu thích thể thơ tự do vì nó nói được nỗi niềm cảm xúc của mỗi người, lại không bị đóng khung, bó gọn. Cái mình yêu thích thể hiện con người mình.
Vi Thùy Linh đã viết tặng tôi một bài thơ trong tập Đồng tử khi chị ấy nghe tôi hát tại chương trình Nhật thực của Ngọc Đại. Không phải vì Linh viết thơ tặng tôi mà tôi thích đâu, vấn đề là tôi cảm được thơ Linh. Linh là cô gái mạnh mẽ, cá tính, giấu kín nỗi niềm trong lòng nhưng nó luôn bùng cháy, tuôn trào qua những vần thơ.
- Khi anh tiết lộ chuyện tình cảm riêng với một cô gái du học bên Pháp, nhiều người liên tưởng tới một nhà thơ trẻ có giọng thơ cá tính, Trương Quế Chi. Trong truyện ngắn của cô ấy cũng viết về nhân vật chính mang tên Dương. Sự thật là thế nào?
- Có rất nhiều nhà thơ, nhưng tôi mà được yêu Trương Quế Chi thì vinh dự quá.
![]() |
Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
Lâu rồi tôi không khóc
- Người ta bảo anh đanh đá hơn cả phụ nữ. Anh tự nhận về mình thế nào?
- Đanh đá là cảm nhận của người đối diện với mình. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, quan trọng là nội tâm. Như lúc này tôi có đanh đá không, chắc là không (cười lớn). Đanh đá cũng tùy lúc. Nhưng tôi đã nói rồi, tính từ ấy chỉ dành cho phụ nữ thôi. Còn phái nam không dùng từ ấy được.
- Vậy theo anh, phải dùng từ gì khắc họa đúng anh nhất?
- Tôi nói nhiều. Nhưng nói cái gì thì nói cuối cùng vẫn quay về âm nhạc. Âm nhạc là người tình của tôi. Nếu không đứng trên sân khấu nữa, tôi thích được đứng trên bục giảng, truyền thụ những kiến thức âm nhạc. Mà tôi rất có duyên làm thày giáo được.
- Anh hay ăn vặt?
- Không hẳn. Tôi không thuốc lá, rượu chè, chỉ ăn ô mai, trái cây.
- Anh cũng rất đa cảm?
- Tôi sống thật với cảm xúc của mình, chẳng bao giờ vay mượn cả.
- Chiều được anh phải mất bao nhiêu công sức?
- Chiều được tôi rất mệt, nhưng yên tâm tôi là người đa cảm nên không hời hợt, trong chuyện yêu đương lại càng không. Tôi sợ làm tổn thương người khác, đó là điểm yếu của tôi. Bạn bè hay bảo: "Sao mày cứ thanh minh thế? Tao hiểu rồi, sao cứ phải thanh minh?". Tôi sợ người khác hiểu lầm. Ai đó đau do lỗi của tôi gây ra thì tôi rất sợ.
- Đa cảm thường đi kèm với nước mắt, anh thì sao?
- Ai chẳng khó ít nhất một lần trong đời. Nhưng lâu lắm rồi tôi không khóc.
- Anh hay khóc trong trường hợp nào?
- Tôi cũng như mọi người thôi. Buồn quá, vui quá cũng khóc nhưng tôi không khóc trong trường hợp tiến thoái lưỡng nan.
- Có người bảo cô đơn có vẻ đẹp riêng. Anh sợ hay thích cô đơn?
- Tôi không sợ cô đơn. Cô đơn còn chút hy vọng. Nhưng tôi sợ cô độc, cô độc khổ tâm hơn cô đơn. Đó là cảm giác không còn ai nữa, không còn hy vọng nào nữa. Cho nên cuộc sống tôi luôn cố gắng tìm những người tâm giao, nhất là trong âm nhạc.
(Theo Tiền Phong)