Ca sĩ nói: "Từng câu chữ trong nhạc phẩm chứa đựng khao khát hòa bình, truyền tải sức mạnh đoàn kết. Tôi nghĩ đó là liều thuốc tinh thần mọi người cần trong thời điểm dịch bệnh. Tôi muốn lời ca tiếng hát có thể hướng mọi người đến suy nghĩ tích cực".
Theo anh, việc nghệ sĩ quốc tế làm mới khi trình diễn quốc ca của họ khá phổ biến. Anh cho biết: "Tôi mong tác phẩm có sự tươi mới, phù hợp với xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ chất hào sảng, tinh thần yêu nước". Tùng Dương cộng tác với nhà sản xuất Nguyễn Hữu Vượng trong MV.
Thời phổ thông, anh luôn được vinh hạnh hát Tiến quân ca trong buổi lễ chào cờ của trường. Ca sĩ được chọn biểu diễn quốc ca tại lễ khai mạc giải đua xe F1 năm nay nhưng sự kiện bị hủy do Covid-19. Thời gian qua, anh là một trong những nghệ sĩ tích cực kêu gọi ủng hộ chống dịch, đồng thời truyền tải thông điệp lạc quan qua các MV, buổi ca hát tại nhà.
Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi tác giả Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. 75 năm qua, nhạc phẩm đã đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.
Tùng Dương được yêu thích từ Sao Mai Điểm hẹn 2004. Sau chương trình, anh cộng tác với nhiều nghệ sĩ như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Ngọc Đại, Lưu Hà An, Sa Huỳnh... Anh thử sức với nhiều dòng nhạc, từ Jazz, Blues, dân gian đương đại (Chạy trốn- 2004) đến New age (Những ô màu khối lập phương- 2007), Electro (Li ti- 2010), World Music (Độc đạo- 2013)... Anh tổ chức các liveshow Thập kỷ hoan ca (2015), Giao thoa (2016), Trời và đất (2017), Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng (2018), Human (2020).
Hà Thu