Tôi 31 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 2010. Sau đó tôi về nhà chờ xin việc thì gặp trận sốt phát ban, rồi phát bệnh tâm phân liệt thể hoang tưởng. Lúc đó tôi như người trên mây, cứ tưởng mình có khả năng đặc biệt, có thể thay đổi thế giới. Đã mấy lần tôi bị tái phát lại do tự ý bỏ thuốc. 3 năm vừa rồi tôi uống thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ, tình trạng ổn định. Tôi chăm chỉ tập thể dục: chạy bộ, tập xà đơn, bóng chuyền, ăn uống điều độ, đầy đủ, ngủ đủ giấc... Nhà có cửa hàng tạp hóa, tôi phụ bán hàng. Mỗi tháng hai lần tôi tự đi lấy hàng cách nhà 10km, mỗi lần cỡ 3 triệu. Ngoài thời gian bán hàng, tôi tích cực làm từng việc nhà, dọn dẹp, làm mọi việc với sự thoải mái, vui vẻ. Tôi đã lấy vợ được 3 năm và sắp có bé thứ 2. Trải qua căn bệnh này tôi có vài điều chia sẻ:
Tâm thần không phải bệnh do ma làm, đó là một biến đổi phức tạp trong não người bệnh. Cầu cúng không có tác dụng, cần phải thăm khám tại bệnh viện tâm thần uy tín, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc chỉ có thể hỗ trợ cỡ 70%, 30% còn lại là sự tích cực của người bệnh và gia đình. Khi nào người bệnh tự nhận ra mình đã có hành vi, tư duy không bình thường, lúc đó quá trình trở lại cuộc sống mới bắt đầu được khởi động. Phải luôn giữ được các hoạt động thường ngày, đừng co cụm, rút khỏi xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ giúp người bệnh ổn định, hạn chế tái phát.
Thuốc tâm thần có tác dụng phụ, nhưng với người bệnh thì phải chấp nhận. Tác dụng của thuốc mang lại sự ổn định hơn rất nhiều nếu bỏ thuốc. Kiên quyết bỏ những thói quen có hại: rượu, thuốc lá, nước chè, nói chung là những thứ gây nghiện, gây kích thích. Đa phần thuốc tâm thần gây hại cho gan, cần uống nhiều nước. Đừng mặc cảm, hãy dũng cảm vì số người mắc bệnh này cỡ 0,7 % dân số. Còn như trầm cảm thì lên tới 15 %.
Đến nay nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được tìm ra nhưng ngày càng có những loại thuốc mới tích cực và bớt tác dụng phụ. 3 năm nay tôi uống đều vào buổi tối, không thấy khó chịu gì cả, vẫn có thể đi xe máy 100 km.
Vài chia sẻ đến các bạn.
Khoa