Lần đầu tôi vượt rào là khi học cấp ba. Hồi đó, tôi và bạn trai người Pháp có sử dụng biện pháp an toàn. Nói thêm, chúng tôi được giáo dục về giới tính, về cách bảo vệ bản thân khỏi các căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục. Khi quen anh, tôi được anh giới thiệu với ba mẹ. Họ biết chúng tôi là người đầu tiên của nhau, còn chia sẻ về lần đầu vượt rào của họ và dạy chúng tôi rất nhiều về chuyện quan hệ an toàn. Trong khi đó, tôi không chia sẻ gì với gia đình mình vì điều này không được nhắc tới ở nhà. Nhờ gia đình anh, tôi nhận ra văn hoá Pháp rất thoáng về chuyện này.
Năm 18 tuổi, tôi quen một anh người Việt, từng là du học sinh Mỹ, lúc đó anh 26 tuổi. Chúng tôi chia sẻ quan điểm về chuyện tình dục, quan điểm của anh giống tôi. Suốt cuộc tình đó, chúng tôi có gần gũi và lần nào cũng sử dụng bao cao su. Khác với anh người Pháp, anh này không chịu dùng bao cao su vì ngại phải đi mua và thanh toán trước mặt nhân viên bán hàng. Tôi đi mua giúp anh, vẫn giữ quan điểm phải luôn sử dụng nó. Trong một số việc khác, tôi bị ép buộc phải nghe theo quan điểm của anh dù anh không thấy quan điểm của tôi sai. Chịu đựng không nổi, tôi chia tay anh trong êm đềm.
Vài tháng sau, tôi nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ anh mong chúng tôi quay lại. Tôi nhiều lần từ chối (từ khéo cho tới thẳng) mà vẫn không được, vậy là tôi block anh khỏi mạng xã hội và chặn số điện thoại. Nào ngờ, một hôm mẹ anh đến nhà gặp mẹ tôi, la mắng mẹ tôi thậm tệ, chỉ trích sự "không còn trong trắng" của tôi. Từ đó mối quan hệ giữa mẹ con tôi rạn nứt. Mẹ nói thẳng với tôi: "Con gái dễ dãi là nỗi nhục lớn nhất". Sau sự việc đó gia đình xa lánh tôi.
Năm 19 tuổi, tôi tìm đến Australia, nơi không có bạn bè hay người thân để bắt đầu lại từ đầu. Tôi vừa học cử nhân rồi thạc sĩ và vừa đi làm. Suốt thời gian đó, tôi không yêu ai, một phần vì ám ảnh năm xưa ở Việt Nam, phần còn lại vì tập trung học để kiếm được việc tốt, lương cao. Ba mẹ vẫn lạnh nhạt với tôi, mỗi tuần điện thoại hỏi thăm 1-2 lần. Nói thêm, vì tôi được học bổng nên không cần đóng học phí. Ba mẹ thường cho tôi tiền sinh hoạt đủ mua thức ăn mỗi tuần, còn những khoản khác như nhà, điện, nước... tôi tự trả bằng lương. Năng lực và nỗ lực của bản thân khiến tôi được ở lại đây.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và đi làm ở một công ty lớn, tôi gặp anh, là người Ireland. Chúng tôi có nhiều tương đồng trong quan điểm, đều tôn trọng những khác biệt của nhau. Anh rất thẳng thắn và cho tôi nhiều lời khuyên (không ép buộc). Nhờ quen anh tôi mới có cảm giác một gia đình thật sự. Chúng tôi chưa kết hôn, cũng chưa đề cập tới vấn đề này, thế nhưng ba mẹ anh rất thương yêu và tôn trọng tôi. Họ thường lắng nghe, chia sẻ và chấp nhận mọi khuyết điểm của tôi. Đặc biệt là cả nhà anh không ai coi sự "không còn trong trắng" của tôi trước khi quen anh là vấn đề. Đồng thời, tôi cũng chia sẻ chuyện này với bạn tôi, đa số là người Australia gốc Âu và Á. Đối với họ, sự "không còn trong trắng" không phải là vấn đề; gần như không ai nghĩ: "Con gái dễ dãi là nỗi nhục lớn nhất" như mẹ từng nói với tôi năm xưa. Với tôi, nơi đây là ngôi nhà thật sự, ở đây tôi được xã hội chấp nhận.
Hiện tại, tôi cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc sống; có nhiều quyền lợi của một công dân nơi đây, vừa có thu nhập ổn định 350 AUD mỗi giờ làm việc thời dịch (thu nhập trước dịch cao hơn), sở hữu một căn nhà riêng ở khu rất tốt, quen được anh - người cho tôi sự tin cậy và tôn trọng. Sắp tới, tôi tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ em và những người kém may mắn, đặc biệt là phụ nữ bị lạm dụng tình dục nơi đây.
Qua câu chuyện của mình, tôi hy vọng các bạn (nhất là nữ) hiểu rằng thế giới ngoài kia rất rộng lớn, chắc chắn các bạn sẽ gặp được người tôn trọng, yêu quý mình. Ngoài ra, các bạn nữ cũng nên tôn trọng bản thân, sự tôn trọng đó sẽ là nguồn lực lớn nhất giúp mình phát huy bản thân, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Cảm ơn các bạn đã đọc câu chuyện của tôi.
Hằng
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc