John W. Hetrick, một kỹ sư người Mỹ đã nghỉ hưu, nhận bằng sáng chế vào năm 1953 cho công nghệ mà ông gọi là "đệm an toàn cho xe hơi". Sáng chế của ông là nguyên mẫu đầu tiên cho túi khí hiện đại ngày nay. Hệ thống của Hetrick giúp giảm chấn thương trong quá trình phanh khẩn cấp và va chạm trực diện.
Nguồn cảm hứng được Hetrick kể lại với tạp chí American Heritage: "Mùa xuân năm 1952, vợ chồng tôi và con gái bảy tuổi Joan đi chơi vào ngày chủ nhật trên chiếc Chrysler Windsor đời 1948. Cách Newport khoảng 5 km, chúng tôi đang ngắm nhìn những con nai băng qua đường. Đột nhiên một tảng đá lớn xuất hiện giữa đường khi tôi vừa lái xe qua đỉnh đồi. Tôi nhớ mình đã đạp phanh và bẻ lái sang phải. Xe lao vào mương nước, đâm phải cây và hàng rào gỗ".
"Khi tôi đạp phanh, cả vợ tôi và tôi đều giơ tay để giữ con gái không va vào bảng điều khiển. Trên đường về, tôi không thể ngừng suy nghĩ về vụ tai nạn. Tôi tự hỏi: 'Tại sao khi gặp tai nạn, không có một thứ gì đó ngăn cản mọi người lao về phía trước?'".
Hetrick bắt đầu phác thảo các thiết kế cho "chiếc đệm an toàn". Ngày 5/8/1952, ông nộp đơn và chờ hơn một năm để lấy bằng sáng chế. Quá trình này tiêu tốn khoảng 250 USD.
Cùng khoảng thời gian đó, nhà phát minh người Đức Walter Linderer cũng nhận bằng sáng chế cho phát minh "đệm bơm hơi" để bảo vệ người lái trong các vụ tai nạn.
Thiết kế túi khí ban đầu của họ đã truyền cảm hứng cho những người khác trong ngành công nghiệp ôtô để phát triển thêm tính năng an toàn này. Hãng Ford và General Motors (GM) bắt đầu thử nghiệm bằng cách bơm hơi vào một chiếc túi, vào cuối những năm 1950. Tuy nhiên, các hãng xe nhanh chóng phát hiện một số vấn đề liên quan: túi khí phải có khả năng cảm biến nhanh chóng và chính xác trong một vụ va chạm, đồng thời thời gian phản ứng phải tăng lên trong 40 mili giây hoặc ít hơn. Ngoài ra, tính năng này cũng có thể gây thương tích khi hành khách tiếp xúc với chúng.
Năm 1964, kỹ sư ôtô Nhật Bản Yasuzaburou Kobori phát triển một hệ thống "lưới an toàn", sử dụng một thiết bị nổ để kích hoạt túi khí, và hệ thống được trao bằng sáng chế ở 14 quốc gia. Nhưng Kobori qua đời vào năm 1975 trước khi ông thấy những ý tưởng của mình được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thực tế.
Năm 1967, Mercedes bắt đầu phát triển túi khí cho các phương tiện của mình. Sự phát triển được thúc đẩy trong bối cảnh các vụ tai nạn gia tăng nhanh chóng trong những năm 1960 và một luật liên bang mới quy định "hệ thống tự động bảo vệ con người" cho mọi chiếc xe ở Mỹ bắt đầu từ năm 1969. Tại thời điểm đó, Tổng thống Lyndon B. Johnson nói "Chúng tôi không thể chịu đựng được những chiếc ôtô không an toàn".
Vào cuối những năm 1960, một kỹ sư cơ khí ở New Jersey (Mỹ) tên là Allen K. Breed đã phát minh ra một thiết bị mà nhiều người nói đã sinh ra ngành công nghiệp túi khí. Breed sáng chế ra một cảm biến va chạm đáng tin cậy và công nghệ cảm biến va chạm của ông được coi là hệ thống túi khí ôtô sử dụng điện đầu tiên trên thế giới.
Ông đã giúp thiết kế hơn hai mươi phát minh an toàn cho xe hơi khác, bao gồm một túi khí thông hơi khi nó phồng lên. Phát minh này được cấp bằng sáng chế năm 1991, nhằm "giảm nguy cơ chấn thương bằng cách giảm độ cứng của túi bị phồng".
Breed sau đó đã thành lập công ty riêng của mình, công ty trở thành nhà sản xuất vật tư cảm biến va chạm và mô-đun bơm hơi hàng đầu thế giới. Hiện nay, công ty của ông mang tên Key Safety Systems chuyên thiết kế và sản xuất túi khí, dây an toàn, vô-lăng và các hệ thống an toàn khác. Từ đó, ở Mỹ, công nghệ túi khí đã trở thành một yếu tố an toàn bắt buộc trong tất cả xe hơi kể từ năm 1998.
Minh Quân (theo ConsumerAffairs)