Trong ba ngày 15 – 17/11, chương trình tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và hội làng Việt cổ diễn ra trên bãi nổi vùng ven sông Đà, thuộc địa phận huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Với tên gọi "Cội nguồn và khát vọng", sự kiện có năm phần gồm hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu, hội làng Việt cổ, biểu diễn âm nhạc cổ truyền và trình diễn văn hoá dân gian đường phố.
Khu trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ giới thiệu nét văn hoá này của Việt Nam, trong đó có các tục thờ Mẫu Âu Cơ, Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Đệ Tam, Đệ Tứ và các nghề liên quan tới phong tục.
![Khu vực trung tâm của sự kiện Cội nguồn và khát vọng. Các hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu dự kiến diễn ra trong các nhà bát giác tại đây. Ảnh: Kiều Dương.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2019/11/05/KIE-4320-1362-1572958056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hphOsq2lPYiiU9hphNR7mQ)
Khu vực trung tâm của sự kiện "Cội nguồn và khát vọng". Các hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu dự kiến diễn ra trong các nhà bát giác tại đây. Ảnh: Kiều Dương.
Với hội làng Việt cổ, địa phương sẽ trưng này hàng nông sản, sản phẩm làng nghề tỉnh Phú Thọ như bưởi, chè, thịt chua, đồ thủ công mỹ nghệ... Trong suốt thời gian sự kiện, các màn biểu diễn hát văn, hát xoan, ca trù, xẩm sẽ được tổ chức hàng ngày, thể hiện bởi nhiều nhóm nghệ nhân dân gian Phú Thọ và những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước.
Vào 16h ngày thứ bảy (16/11), hơn 600 người dân địa phương cùng các diễn viên tổ chức trình diễn văn hoá dân gian đường phố trên các tuyến phố chính của thị trấn Thanh Thủy. Việc đưa người dân tham gia vào đoàn biểu diễn được cho là sẽ kích thích lòng tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc từ mỗi cá nhân, làng xóm và cộng đồng, hướng tới bảo tồn các di sản văn hoá truyền thống phù hợp với xã hội hiện đại. Việc sử dụng lực lượng không chuyên tại địa phương cũng được ban tổ chức hi vọng có thể giới thiệu và tôn vinh những bản sắc quê hương một cách sống động nhất.
Một số ý kiến lo ngại việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trên đường phố có thể vi phạm quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấm tổ chức hầu đồng ở khu vực công cộng. Bà Nguyễn Thị Xuân Ngàn, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết chính quyền đã cân nhắc nội dung này, khẳng định buổi biểu diễn đường phố "chỉ giới thiệu các làn điệu trong đó có hát văn" và "không phải một buổi hầu đồng".
![Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Quang Minh.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2019/11/05/coi-nguon-va-khat-vong-vnexpre-7305-8134-1572958056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6iTZhzJWkkWWGTdsSwKT2A)
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Quang Minh.
Theo thống kê của ngành văn hoá tỉnh Phú Thọ, địa phương này có 260 lễ hội các loại, một số đã trở thành biểu tượng tâm linh như hội đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan, rước voi Đào Xá. Sự kiện sắp diễn ra được đánh giá là cách độc đáo để phát huy vốn văn hoá cổ truyền, đánh thức các tiềm năng du lịch trên địa bàn và giới thiệu đặc sản địa phương tới du khách.
Về thời gian tổ chức sự kiện, ông Nguyễn Duy Hiền, thành viên ban tổ chức cho biết, lễ hội diễn ra vào tháng 11 bởi thời gian này gần với ngày Di sản Việt Nam (23/11) và ngày giỗ của Mẫu Đen thờ tại đền Lăng Sương (25/10 âm lịch), người được cho là mẹ của Đức Thánh Tản, một trong tứ bất tử theo tín ngưỡng Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 11 cũng là mùa bưởi Đoan Hùng, loại quả đặc sản của địa phương.
Chương trình bán vé cho khách tham quan với giá 50.000 đồng một người lớn và 30.000 đồng với trẻ em vào buổi tối. Ngoài các sự kiện chính, khu du lịch vẫn hoạt động và bán vé bình thường vào ban ngày phục vụ nhu cầu vui chơi của khách.
Kiều Dương