Người phụ nữ 74 tuổi giải thích, "thí" trong nghĩa bố thí là giúp, cho, san sẻ với người khác. "Thí hòm" là hình thức quyên góp tiền bạc để mua hòm (quan tài) cho gia đình hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện lo hậu sự người mất.
Đây là tục lệ của người Hoa gốc Triều Châu. Mọi người thường kết hợp đến đình để cúng và cầu nguyện thần Thành Hoàng và góp tiền "thí hòm".
Khi đến đình Phong Phú, bà Thảo bước ngay đến bàn làm việc để góp 200.000 đồng. "Số tiền xuất phát từ tâm mình là chính, xem như cách hùn phước trong dịp lễ Tết quan trọng", bà nói.
Ông Lâm Đệ, thư ký Hội đình Phong Phú, nói đình có lịch sử trên 100 năm nhưng tục "thí hòm" chỉ có khoảng 30 năm, do cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến ở địa phương khởi phát và duy trì. Khoảng 10 năm nay, nhiều người Kinh cũng tham gia "thí hòm".
Ông Đệ cho biết mỗi cỗ quan tài có giá 2,1 triệu đồng nhưng người "thí hòm" có thể góp 50.000, 100.000 hoặc 200.000 đồng, tùy theo khả năng. "Họ muốn làm phúc và giúp đỡ người khác. Đó cũng là nét văn hóa của người Hoa", ông nói.
Người đến xin hòm sẽ được hỗ trợ áo quan (trang phục mặc để chôn cất hoặc hỏa táng) và quan tài. Khi đến, họ trình giấy chứng tử và xác nhận hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Trung bình, kho trữ ở đình Phong Phú có khoảng 100 quan tài do người thí hòm đóng góp, giúp đỡ hoàn cảnh ở địa phương lẫn các tỉnh miền Tây.
Ở TP HCM, hình thức thí hòm thường xuất hiện ở các đình, chùa, hội quán người Hoa như chùa Khả Diệu Đàn (quận 8), Hội quán Bình An (quận 6).
Chị Quang Mỹ Thiên, 32 tuổi, tiếp nhận thói quen "thí hòm" từ mẹ và các dì. Họ thường chọn ngày vía Thành Hoàng, Tết Đoan Ngọ và Vu Lan để đến các chùa ở quận 8. Tại đây, họ sẽ cho quyên góp theo phần dao động 350.000 - 400.000 đồng.
Thiên nói gia đình cô từng trải qua tang sự dù đơn giản thế nào vẫn cần chi phí lớn.
"Với những gia đình khó khăn, họ thậm chí bỏ qua đám tang chỉ cần quan tài an táng", Thiên nói. "Do đó, tôi cảm thấy rất ý nghĩa khi góp được phần nhỏ để họ an lòng".
Ngọc Ngân