"23 cúng kẹo, 24 dọn nhà, 25 nghiền đậu...", là bài vè vang lên vào mỗi dịp cuối năm ở Trung Quốc, với ý nghĩa "tiểu niên" (năm mới nhỏ) sắp đến, theo Xinhua.
"Tiểu niên" còn gọi là ngày tạ ơn thần bếp, ngày lau chùi bếp, Tết Táo Vương... Theo phong tục dân gianTrung Quốc, Táo quân là người giám sát mọi động tĩnh trong một gia đình cả năm và sẽ bẩm tấu lên Ngọc Hoàng vào lễ "tiểu niên" là ngày 23 tháng Chạp, để Ngọc Hoàng ban thưởng hoặc định tội cho gia đình đó. Vì vậy, vào ngày này, gia chủ phải lau chùi nhà bếp sạch sẽ và cúng kẹo Táo quân.
Người Trung Quốc tin rằng vì kẹo rất dính nên có tác dụng "dính miệng" Táo quân lại, không để ông bẩm điều xấu lên Ngọc Hoàng. Ở một số vùng phía nam Trung Quốc, người dân lại cho rằng cúng kẹo để ông Táo ăn vào sẽ có tâm trạng vui vẻ, "nói ngọt" và chỉ bẩm tấu điều hay lên Ngọc Hoàng.
Cúng xong, gia chủ sẽ lấy tượng Táo quân xuống mang đi đốt để "tiễn ông lên trời" cho đến tận Giao thừa, mới đón ông về nhà mừng năm mới. Vào ngày 30 tháng Chạp, họ sẽ làm lễ "đón Táo".
Ông Triệu Hưng Lực, một người Bắc Kinh gốc, cho hay theo truyền thống, vào ngày này các gia đình Trung Quốc sẽ đi mua thịt, nước tương... về chuẩn bị ăn Tết, sau đó dọn dẹp nhà cửa và cuối cùng là cúng kẹo ông Táo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa Trung Quốc, những phong tục đón Tết của người dân nước này ngày một đơn giản do sự phát triển của xã hội.
"Cùng với sự phát triển của thời đại, sự tiến bộ của xã hội, bếp lò ngày một vắng mặt trong các gia đình Trung Quốc, nghi thức lau chùi bếp lò vì thế cũng dần mai một. Ngày nay, nhiều người chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán chữ đỏ lên nhà, thế là xong việc cúng bái, dọn dẹp nhà cửa ngày Tết", ông Do Quốc Khánh, chuyên gia văn hóa dân gian Trung Quốc ở thành phố Thiên Tân, nhận xét.
Hồng Hạnh