Tại họp báo sáng nay, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, cơ quan quản lý đang chuẩn bị các bước để thực hiện đấu thầu vàng miếng.
"Chiều nay Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đến doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện và chuẩn bị để tiến hành đấu thầu vàng vào thứ Hai tới", Vụ trưởng Quản lý ngoại hối cho biết.
Giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh, kéo theo đà tăng trong nước. Mỗi lượng vàng miếng SJC giao dịch quanh ngưỡng 84-85 triệu đồng, tăng gần 15% so với đầu năm. Trong khi đó, nhẫn trơn neo ở mức 71-72 triệu đồng mỗi lượng, tăng hơn 20%. So với thế giới, vàng miếng hiện cao hơn 12-13 triệu đồng, nhẫn 24K khoảng 7-8 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.
Việc đấu thầu vàng miếng trở lại sau hơn 10 năm được kỳ vọng đưa giá kim loại quý về sát hơn với thế giới.
Đấu thầu này là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán. Cơ quan điều hành gửi thông báo trước 1 ngày cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp để đặt cọc. Sau khi nhà điều hành công bố giá sàn, các đơn vị có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Như vậy, có thể hiểu cơ quan điều hành dự kiến đấu thầu vàng miếng thông qua hình thức đấu giá.
Liên quan việc nhập khẩu vàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết các doanh nghiệp có hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài vẫn đang thực hiện nhập khẩu này. Còn với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nói chung, sản xuất trong nước, cơ quan này yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương nắm bắt nhu cầu thực tế về nguyên liệu vàng, để tổng hợp xem xét.
Về chính sách cho thị trường vàng, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối cho biết cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng việc thực hiện hơn 10 năm Nghị định 24 về quản lý kinh doanh mặt hàng này. Nhà điều hành đánh giá nghị định này có nhiều mặt tích cực, phát huy hiệu quả quản lý, nhưng "đến lúc cần xem lại để phù hợp hoàn cảnh".
Hơn chục năm qua, cơ quan quản lý tiền tệ độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu. Nguồn cung kim loại quý không tăng thêm suốt thời gian dài khiến giá bị đẩy lên cao khi cầu tăng, chênh lệch cao với thế giới.
Giới phân tích cho rằng đã tới lúc cơ quan quản lý cần xem xét để bỏ độc quyền vàng miếng. Trước đó, tại cuộc họp vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bỏ độc quyền với loại vàng này.
Minh Sơn