Kéo dài từ 14 đến 18/10, Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam quy tụ 20 nhà thiết kế và thương hiệu trong và ngoài nước. Năm nay, quy mô quốc tế được nhà sản xuất mở rộng hơn so với năm ngoái. Không chỉ thành viên ê-kíp là những người nắm các vị trí quan trọng ở làng mốt châu Á, số lượng nhà thiết kế nước ngoài tham gia cũng tăng lên.
Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam - chia sẻ: "Việc đáp ứng những yêu cầu của các nhà thiết kế quốc tế khiến chúng tôi gặp áp lực, từ khâu đón đoàn, sắp xếp chỗ ăn ở đến phương tiện đi lại, nhưng mệt nhất là lo thủ tục vận chuyển trang phục và bảo quản nó ngay tại điểm diễn. Do có kinh nghiệm từ mùa trước, năm nay chúng tôi xử lý mọi việc khá trôi chảy".
Phía sau một Tuần lễ thời trang thành công là những câu chuyện hậu trường với không ít khó khăn, thách thức.
Nhà thiết kế chết lặng vì trang phục bị "kiểm duyệt"
Trong đêm thứ hai của Tuần thời trang Quốc tế, nhà thiết kế Alvin Fernandez đã cống hiến cho khán giả Việt những khoảnh khắc đẹp với bộ sưu tập được làm hoàn toàn bằng tay. Trang phục sử dụng kỹ thuật đính lông, thêu hoa, trang trí cầu kỳ, hiệu ứng phủ kim sa, pha lê, ngọc trai trên nền ren xuyên thấu mang đến cho người xem cảm giác choáng ngợp, xa hoa.
Nhấn vào đường cong quyến rũ của phụ nữ, 45 mẫu thiết kế của ông được cắt khoét táo bạo với đầm đuôi cá xẻ tà cao, cut-out, hở lưng chất liệu xuyên thấu. Nhà thiết kế Australia chia sẻ: "Trong bộ sưu tập, tôi muốn tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của người mặc".
Tuy nhiên, trang phục khán giả xem trình diễn trên sàn catwalk chỉ là một nửa bộ sưu tập mà Alvin Fernandez mang đến Việt Nam. Từ trước đến nay, sàn diễn quốc tế cho phép người mẫu thả ngực trần với các thiết kế trong suốt, xuyên thấu nhưng ở Việt Nam, điều này là không thể.
Trước giờ G, vì quá táo bạo, nhiều trang phục xuyên thấu của Alvin không được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM thông qua. Nhà thiết kế rất sốc trước sự khác biệt trong quan niệm về vẻ đẹp thời trang của Việt Nam. Nguy cơ phải hủy show khiến ông chết lặng. Ngay lúc đó, phía Việt Nam tức tốc may nội y, bodysuit cho người mẫu mặc phía trong để cứu các thiết kế của Alvin Fernandez. Song bộ sưu tập cũng chỉ được giữ lại một nửa.
Là người mẫu trình diễn trong bộ sưu tập của Alvin, Minh Tú chia sẻ với VnExpress: "Lúc đứng ở hậu trường, khi chỉ còn vài phút nữa là trình diễn, tôi thấy mắt Alvin Fernandez đỏ hoe. Ông khóc vì nhìn cấu trúc các trang phục đã bị phá hỏng bởi lớp lót phía trong. Thiết kế của Alvin rất đẹp, gợi cảm và chúng nên được mặc theo ý tưởng ban đầu. Việc chỉnh sửa lại theo yêu cầu là nguyên nhân khiến một số người mẫu gặp sự cố trong đêm diễn. Đào Thu bị vấp ngã cũng là do bộ váy đã được chỉnh, gây khó khăn trong khi di chuyển".
Bảo quản trang phục - người mẫu mệt cũng không được ngồi
Hai bộ sưu tập mất nhiều nhân lực vận chuyển nhất là các thiết kế của Julien Fournié và Yumi Katsura. Toàn bộ trang phục couture của Julien Fournié được đích thân trợ lý của ông đóng gói, vận chuyển trong hơn 10 kiện hàng lớn. Nhà thiết kế người Pháp không đồng ý để cộng tác viên phía Việt Nam hỗ trợ hoặc chạm vào đồ của họ. Một tuần trước sự kiện, Julien Fournié yêu cầu 20 nhân viên đưa đồ từ Paris sang Việt Nam và bảo quản nghiêm ngặt.
Tương tự, "bà hoàng áo cưới" Nhật Bản Yumi Katsura cũng sử dụng 10 nhân viên trực tiếp mang đồ từ Nhật đến Tuần thời trang ở Việt Nam. Theo yêu cầu của bà, toàn bộ trang phục phải được treo mắc cẩn thận trước khi bà đến nơi diễn ra sự kiện và được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhóm trợ lý người Nhật. Ngoài ra, Yumi Katsura còn điều thêm 10 người từ Nhật sang Việt Nam để thực hiện kiểu tóc cho người mẫu diễn bộ sưu tập của bà.
Điểm chung trong yêu cầu của các nhà thiết kế quốc tế là một khi đã mặc trên những trang phục có giá hơn 20.000 USD, chúng không được bị nhăn nhúm. Theo đó, người mẫu Việt được hướng dẫn cách ngồi phù hợp, thậm chí trước giờ diễn họ phải đứng để không làm cho thiết kế bị nhăn lúc ra sàn catwalk.
Nhà thiết kế Ezra Santos đến từ Dubai đã yêu cầu hai nhân sự hỗ trợ người mẫu nâng trang phục của ông trong lúc diễn tập chương trình, để tránh những chiếc váy có giá trị hàng chục nghìn đô vấy bẩn.
500 người phục vụ 20 show diễn trong 5 ngày
Năm nay, các chuyên gia đến từ Singapore và Pháp chỉ đạo catwalk đã mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người mẫu. "Bố già thời trang của làng mốt Singapore" Daniel Boeys tuyên bố nếu thiếu bất cứ người mẫu nào lúc tập, ông cũng không thực hiện buổi tập đó, dù thời gian dành cho các show rất sát sao.
Chuyên gia Kovit Ang cũng cho biết ông sẵn sàng thức trắng đêm để cùng làm việc với nhà thiết kế và lắng nghe những mong muốn của họ trên sàn diễn. Jean Paul Cauvin từ Paris liên tục yêu cầu người mẫu phải cảm nhận không chỉ bộ trang phục họ đang mặc mà còn phải hiểu âm nhạc, ánh sáng, cảm hứng tạo nên bộ sưu tập để thể hiện thần thái, bước đi, phong cách.
Ngoài chỉ đạo người mẫu, ba chuyên gia còn đòi hỏi toàn bộ phần ánh sáng, tiết tấu của đèn phải được điều chỉnh đúng yêu cầu của họ. Để đảm bảo ánh sáng, sân khấu được vận hành theo guồng quay trong 5 ngày và 20 show diễn, đạo diễn Phạm Hoàng Nam và Bùi Thái Dương làm việc liên tục nhiều tháng cùng gần 500 thành viên hỗ trợ.
Nhà sản xuất tiết lộ năm nay, phần âm thanh và ánh sáng được thiết kế, lắp đặt để phù hợp với yêu cầu của chuyên gia nước ngoài có chi phí lên đến một tỷ đồng.
Sàn catwalk có cổng vòm bằng tre lấy ý tưởng từ lũy tre làng. Bản thiết kế được đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam tư vấn, lên ý tưởng, sau đó được ê-kíp Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam hoàn thiện. Hơn 2.000 cây tre, trúc để hoàn thiện nên tác phẩm có chiều cao khoảng 6 m, bề ngang hai bên lối ra tổng cộng 40 m cùng chiều dài sàn catwalk 80 m.
Cổng vòm có cấu trúc lớp đan xen tạo hiệu ứng 3D. Chất liệu tre, trúc có thể uốn cong, dễ dàng tạo hình. Chúng được xử lý để bắt sáng, đổi màu theo phong cách các bộ sưu tập. Tùy vào ý tưởng của nhà mốt, chiếc cổng có thể giữ nguyên màu sắc nguyên thủy hoặc thêm hoa hồng, san hô đỏ...
Ý Ly