Sau bốn ngày tổ chức, sự kiện thời trang thu hút bởi những ồn ào bên lề hơn là show diễn, bộ sưu tập. Hoạt động gây bàn tán nhất là The best street style. Cuộc thi phong cách thời trang đường phố thường niên của tuần lễ bị một số cá nhân lợi dụng để đánh bóng hình ảnh bằng trang phục lố lăng. Nhiều bạn trẻ khoe cách phối đồ như đến lễ hội hóa trang kinh dị. Những "thảm họa" này xuất hiện nhan nhản mỗi mùa và bị xem là một trong những thất bại của sự kiện.
Nhiếp ảnh gia Hàn Quốc Jae-Heon Jeong chia sẻ: "Tôi đến TP HCM một tuần cho sự kiện VIFW. Tôi trực ở nơi diễn ra sự kiện The best street style từ 8h đến 12h sáng mỗi ngày để tìm các bạn trẻ ăn mặc đẹp, sành điệu và giới thiệu trên các tạp chí Hàn. Có rất nhiều bạn trẻ nhưng tôi không tìm ra nổi một người mặc thật sự đẹp, đa số mặc quái dị và xa lạ với thời trang".
* Nam giới mặc váy, bịt mặt xuống phố ở tuần thời trang
Sự cố bị nhắc tới nhiều khác là sàn trơn khiến nhiều người vấp, ngã. Người mẫu Minh Phương của show Bảo Bảo ngã nhào xuống đường băng khi đang mặc trang phục cô dâu. Một người mẫu nhí ở show Ivan Trần bị ngã đập người xuống sàn. Hàng loạt người mẫu lo lắng, cảnh báo nhau trong cánh gà. Cũng vì sàn trơn, Minh Hằng diễn hỏng màn nhào lộn trong lúc catwalk, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, hài hước trên mạng xã hội.
Đại diện ban tổ chức nhận sai sót về sự bất cẩn. Buổi tổng duyệt của sáu show diễn ra đến cuối giờ chiều khiến sàn bị bẩn. Trong lúc gấp gáp, họ chỉ kịp dùng chất tẩy rửa sàn nhà để lau nên đường băng chưa kịp khô. Tuy nhiên, theo một số người mẫu, nguyên nhân chính là ban tổ chức tẩy rửa sàn bằng dầu, dẫn đến trơn trượt.
Thảm đỏ năm nay không có sức hút. Những tên tuổi nổi bật của showbiz hay làng mốt xuất hiện hạn chế, trừ show diễn của nhà thiết kế Chung Thanh Phong và Minh Châu. Trong đêm bế mạc, số lượng sao tham gia thưa thớt, chỉ có vài gương mặt nổi bật như Trấn Thành - Hari Won, ca sĩ Đức Phúc, á hậu Phương Nga... Điều này trái ngược với khung cảnh đông đúc, sôi động của thảm đỏ trong những năm đầu tổ chức.
Sự thiếu vắng của những nhà thiết kế Việt có tiếng khiến chương trình giảm nhiệt. Năm nay, các tên tuổi nổi tiếng tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay như Chung Thanh Phong, Hà Linh Thư, Nguyễn Tiến Truyển... Thay vào đó là sự xuất hiện ồ ạt của thương hiệu phòng gym, xe máy, nhà may áo dài, trang phục công sở nam...
Đại diện Chung Thanh Phong chia sẻ họ phải đấu tranh với ban tổ chức để giảm thiểu tối đa logo nhà tài trợ xuất hiện trong show mở màn: "Ban đầu, ban tổ chức đề nghị chạy hai logo ở hai màn hình lớn, ngay giữa sân khấu. Tuy nhiên, điều này sẽ làm bộ sưu tập mang nặng tính thương mại. Chúng tôi thỏa thuận với bà Trang Lê - chủ tịch Tuần thời trang - rằng chỉ được để hai logo trên cao, vị trí vượt ngoài tầm của máy quay và máy ảnh. Tôi cũng báo trước nếu có logo nhà tài trợ xuất hiện ở khu vực khác, chúng tôi sẽ dừng màn diễn ngay lập tức".
Các bộ sưu tập dùng chiêu trò gây chú ý hơn là tập trung vào chất lượng. Nhà thiết kế Bảo Bảo tái hiện đám cưới miền quê, cho Ngọc Trinh ngồi xe kéo chạy vòng quanh sân khấu. Mai Phương, Phương Nga... đều không có kinh nghiệm làm người mẫu nhưng vẫn được mời đảm trách những vai trò quan trọng trong show Đức Vincie.
Minh Hằng cũng có màn nhào lộn, đu người trên không trung khi làm mẫu cho một thương hiệu phòng tập. Bên cạnh màn lộn người thất bại của cô, khán giả còn bàn tán về sự liên quan giữa xiếc và thời trang. "Tôi chưa từng thấy diễn xiếc trên sàn catwalk, chắc những chiêu trò này chỉ có ở Việt Nam", độc giả Yoko bình luận trên trang cá nhân. Minh Hằng giải thích cô làm mẫu cho một bộ sưu tập về gym, vì vậy, việc thể hiện tinh thần thể thao khỏe khoắn, dẻo dai là cần thiết.
Nhà thiết kế Trương Thanh Hải nhận định: "Người ta thường đưa tính giải trí vào sàn catwalk với những chiêu trò, hay mời người nổi tiếng ngồi ghế VIP. Những tràng pháo tay, reo hò đủ kiểu, có cả ca sĩ đứng hát. Đó là show giải trí chứ không phải show thời trang".
Tham gia New York Fashion Week, nhà thiết kế Công Trí cho biết công việc từ khâu casting cho tới lúc diễn được đảm trách bởi nhiều bộ phận riêng biệt, chuyên môn hóa rất cao. Vì vậy dù thời gian từ show nọ tới show kia sát nhau nhưng mọi thứ đều diễn ra rất trơn tru, chuyên nghiệp. Việc lựa chọn các nhà mốt đủ chất lượng để tham gia tuần lễ cũng khắt khe hơn gấp nhiều lần. Do đó, khán giả đến xem show được thưởng thức những bộ sưu tập từ khá trở lên.
Sự kiện thiếu chuyên nghiệp một phần vì văn hóa xem show của khách mời chưa cao. Tình trạng khách VIP đến trễ hay ra về giữa chừng vẫn tồn tại. Á hậu Hoàng Thùy là một trong những sao đến trễ nhất trong đêm khai mạc, khi sân khấu đã chuẩn bị lên đèn. Cô không kịp chụp ảnh trên thảm đỏ, phải nhờ ban tổ chức đưa thẳng vào ghế ngồi.
Mỗi đêm diễn có sáu show, trong đó ba show diễn ra liên tục rồi đến phần giải lao. Theo quy định của ban tổ chức, khán giả chỉ được rời chỗ ngồi khi đến giờ nghỉ để đảm bảo trật tự. Trong khi các khán giả từ hàng hai trở lên tuân thủ khá tốt thì khách mời VIP ở hàng ghế đầu thường xuyên phá lệ. Sau mỗi show, từng tốp sao kéo nhau bỏ về, tạo nên tình trạng nhốn nháo ở sát đường băng. Điển hình là show của Chung Thanh Phong. Vì chỉ đến để ủng hộ nhà thiết kế, nhiều người đẹp xem xong đứng dậy, bỏ lại những hàng ghế trống khi đến show của nhà thiết kế Hàn Quốc Lie Sang Bong. Đại diện ban tổ chức chia sẻ: "Ngoài sự nỗ lực của ban tổ chức, một chương trình muốn hoàn hảo còn rất cần sự hợp tác của các ngôi sao đến dự".
An An - Ý Ly