Tuần lễ thời trang Quốc tế Thu Đông 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 27/10 ở Hà Nội. Bên cạnh bảy nhãn hàng Việt và Pháp, tuần lễ có sự tham gia của năm nhà thiết kế của Học viện Thời trang London, Mehmet Koymen (Thổ Nhĩ Kỳ), Jorge Duque (Colombia), Jovana Benoit (Haiti)...
Sự thiếu vắng của những nhà thiết kế Việt có tiếng là một trong những nguyên nhân khiến chương trình mùa này giảm sức hút. Mọi năm, tuần lễ được mọi người háo hức đón chờ với show mở màn của nhà thiết kế Công Trí và mỗi đêm diễn thường có hai show của nhà thiết kế trong nước. Nhưng năm nay, chương trình là cuộc đua của hàng loạt thương hiệu trang phục công sở. Những thương hiệu này vốn là các nhà may lớn sản xuất hàng tiêu dùng đại trà, phục vụ nhu cầu ăn mặc cơ bản của người dân, trong đó có hai nhà may lâu đời của Hà Nội.
Trong suốt tuần lễ, chỉ có hai cái tên Lâm Gia Khang và Nguyễn Tiến Truyển gây chú ý. Họ lần lượt giữ vị trí đinh trong ngày mở màn và bế mạc. Song show diễn của cả hai đều chưa làm khán giả mãn nhãn hay xuýt xoa như đàn anh, đàn chị đã làm được. Lấy cảm hứng từ thần tượng Alexander McQueen, bộ sưu tập của Tiến Truyển được khen về ý tưởng, dù vậy bị chê vì làm chưa tới. Các trang phục còn rườm rà, kém tinh tế, đường kim mũi chỉ chưa hoàn hảo, kỹ thuật tạo phom chưa nhuần nhuyễn.
* Người mẫu "hóa điên" ở show Nguyễn Tiến Truyển
Nhiều nhà thiết kế Việt cho rằng Vietnam International Fashion Week đang mất đi bản sắc thời trang. "Tuần lễ năm nay đậm đặc tính thương mại bởi một lượng lớn thương hiệu may mặc tham gia gây mất cân bằng. Trong khi đó, sân chơi thời trang đòi hỏi dấu ấn nổi bật của nhà thiết kế", Xuân Lê cho biết.
Lý giải về sự thiếu vắng những tên tuổi nổi bật trong làng mốt Việt, một nhà thiết kế cho biết phí tham gia sự kiện (200 triệu đồng) hơi cao. Một số khác chọn làm show riêng để quảng bá tên tuổi hiệu quả hơn. "Làm riêng được thỏa sức sáng tạo về sân khấu, kịch bản trình diễn hơn là làm trong tuần lễ thời trang", Chung Thanh Phong nói.
Sự thiếu hụt trầm trọng những ngôi sao trên thảm đỏ và hàng ghế đầu cũng khiến sự kiện giảm nhiệt. Khách ở hàng ghế đầu thường là những người có uy tín như biểu tượng thời trang, nhà báo, blogger quan trọng, khách hàng lớn, đối tác... Trên thế giới, những gương mặt này quan trọng không kém các bộ sưu tập. Sự xuất hiện của các sao ở một show diễn có thể ảnh hưởng tới khách mua, đại diện doanh nghiệp và các chủ cửa hàng - đối tác tiêu thụ của các thương hiệu. Song ở tuần lễ thời trang vừa qua, khách mời nổi bật trong cả ba đêm diễn chỉ có vài người như hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, á hậu Huyền My, Hoàng Anh, diễn viên Tâm Tít, mẹ con cựu diễn viên Thủy Tiên... Diễn viên Phương Oanh, Võ Hoàng Yến góp mặt trên thảm đỏ nhưng với tư cách người mẫu trình diễn trong sự kiện.
Một trong những thất bại của tuần lễ thời trang lần này được nhiều người nhắc đến là hoạt động street style với vô số thảm họa thời trang trên phố đi bộ Hồ Gươm. Trong một tuần, nhiều bạn trẻ lên phố khoe cách phối đồ hài hước. Đa số đều bị nhầm lẫn giữa phong cách đường phố cá tính, sành điệu với lễ hội hóa trang kinh dị. Một số người trang điểm mắt và môi đen giống lễ hội ma quỷ Halloween. Số khác tạo kiểu tóc kỳ lạ, ăn mặc giống các nhân vật trong truyện tranh, hoạt hình.
Giảm sức hút, nhưng sự kiện tạo nên làn gió mới cho nền công nghiệp may mặc trong nước. Các nhãn hàng có sự chuyển mình tích cực thể hiện qua các bộ sưu tập được thực hiện chỉn chu, đầu tư về ý tưởng, chất liệu.
Nhiều nhãn hiệu đi theo xu hướng thế giới kết hợp thương hiệu với một nhà thiết kế. Một nhà may có lịch sử 30 năm bắt tay với Vũ Việt Hà, làm "trẻ hóa" các bộ comple truyền thống thành suit trẻ trung. Lấy hình ảnh cá chép vượt vũ môn, các bộ cánh nhận được nhiều lời khen không chỉ ở chi tiết thêu tay, mà còn ở cách phối đồ.
Sản phẩm may mặc của các thương hiệu thường bị đánh giá thấp ở tính thời trang và tính xu hướng. Song điều này được cải thiện ở những bộ sưu tập trong tuần lễ lần này. Nhiều khán giả bất ngờ về trang phục của một nhãn hàng chuyên về đồ công sở nữ. Họ áp dụng các phong cách đang hot trên thế giới như bất đối xứng, tái cấu trúc, trang phục dây rút, corset... Vẫn là những phom dáng dễ mặc như chân váy midi, váy suông, sơ mi bèo nhún, bộ sưu tập ghi điểm ở đường may chỉn chu và cách phối nhiều lớp.
Trải qua tám mùa kể từ năm 2014, Vietnam International Fashion Week vẫn là sân chơi thời trang lớn của Việt Nam. Lần đầu tham gia tuần lễ, Vũ Việt Hà đánh giá sự kiện tổ chức chuyên nghiệp. "Ban tổ chức làm việc rất cẩn thận và chu đáo. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng, tôi thấy mọi thứ đều rất ổn. Họ cũng tạo điều kiện cho những người tham gia được trình diễn theo đúng ý tưởng. Nếu năm sau có điều kiện, chắc chắn tôi tiếp tục tham gia", anh nói.