Tuần lễ phim Anh năm nay có sự tham gia của năm bộ phim: Bình minh ở Leight, Ép yêu kiểu… Glasgow, Kẻ sống sót, Lại kết thúc có hậu, Kẻ sống sót và Shell. Thuộc nhiều thể loại khác nhau nhưng những tác phẩm này đều nhằm đến việc khắc họa hình ảnh tươi đẹp cũng như tôn vinh nền văn hóa đa dạng của xứ Scotland. Đây cũng là nơi vừa đăng cai Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung trong tháng 8.
Mở đầu tuần phim Anh là Bình minh ở Leith. Bộ phim dựa trên vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên với loạt ca khúc pop-folk của ban nhạc Proclaimers. Tác phẩm này từng nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình, đạt 92 điểm trên thang 100 của trang phê bình phim Rotten Tomatoes. Nhà phê bình phim người Anh, Mark Kermode, chia sẻ: “Tôi đã rơi nước mắt chỉ sau 10 phút đầu của bộ phim, sau đó lại cười thật tươi như một kẻ ngốc lắp bắp khi bị hạ gục bởi tình yêu”.
Lấy bối cảnh ở Glasgow, Lại kết thúc có hậu là một món quà dành cho những người yêu phim lãng mạn, hài hước. Tác phẩm kể về nhà văn trẻ Jane Lockhart, người không thể sáng tác khi hạnh phúc. Sau thành công vang dội của cuốn sách đầu tay, Jane đã hoàn toàn bị bế tắc khi viết đến chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết mới. Để giúp nữ văn sĩ hoàn thành tác phẩm, chàng biên tập Tom Duvall đã phải làm một công việc lạ lùng: khiến cho Jane phải thật đau khổ.
Ép yêu kiểu… Glasgow là câu chuyện tình giữa cô gái da trắng Roisin và Casim - chàng trai gốc Pakistan. Gia đình chàng trai sắp đặt cho anh một cuộc hôn nhân với cô em họ, khiến anh bị giằng xé trong việc chọn lựa tình cảm hay gia đình. Trong khi đó, Kẻ sống sót là câu chuyện buồn lấy bối cảnh một làng đánh cá ở Scotland. Nơi đây có một chàng trai trẻ bị hủy hoại bởi sự mê tín khắc nghiệt của dân làng. Anh bị kết tội là vận đen gây ra vụ chìm tàu khiến tất cả những người khác trên tàu thiệt mạng.
Về bộ phim còn lại Shell, tờ The Guardian viết: “Shell mê hoặc người xem khi vẽ nên cuộc sống tù túng ở một trạm xăng nơi làng quê hẻo lánh của Scotland. Câu chuyện được kể một cách từ tốn nhưng ẩn dưới nó là dòng cảm xúc âm ỉ trào dâng, và chỉ đợi cho đến phút cuối cùng để bùng nổ".
Bà Cherry Gough, Giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh Việt Nam, chia sẻ: “Scotland có một kho tàng di sản văn hóa. Đây là quê hương của lễ hội Fringe, liên hoan nghệ thuật lớn nhất thế giới diễn ra ở Edinburgh, và là nơi sản sinh ra nhiều tác gia, nghệ sĩ lừng danh. Tuần lễ phim Anh năm nay sẽ giúp mọi người hiểu hơn về nền văn hóa đặc sắc của Scotland qua các bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng. Cuộc sống hiện đại ở Scotland được tái hiện một cách sinh động qua các bộ phim này".
Ngoài các bộ phim nước ngoài, ban tổ chức năm nay còn giới thiệu 7 phim ngắn của các đạo diễn Việt Nam. Đây là những tác phẩm nằm trong dự án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ các nhà làm phim trẻ.
Trong tuần lễ phim lần này, Hội đồng Anh còn mời đạo diễn Paul Welsh sang Việt Nam để hướng dẫn hai khóa học dành cho các nhà làm phim trẻ. Paul Welsh là nhà sáng lập của Digicult, hãng phim độc lập chuyên hỗ trợ phát triển các tài năng điện ảnh trẻ. Ông còn được biết tới nhờ bộ phim Skeletons (2010) được đề cử Phim đầu tay xuất sắc tại Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Điện ảnh Vương quốc Anh lần thứ 64 (BAFTA 64). Năm 2013, Paul Welsh là nhà đồng sản xuất Lore, bộ phim giành giải "Nhà sản xuất phim truyện của năm" do Hiệp hội Nhà sản xuất phim Australia trao tặng.
Tuần lễ phim Anh diễn ra từ 22 đến 28/9. Các phim đều được phát vé miễn phí từ ngày 15/9 đồng thời được chiếu tại Hà Nội và TP HCM.
Đức Trí