Thống kê cho thấy, chỉ có 19,6% số trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tới gần 1/3. Một trong những nguyên nhân chính là xu hướng cho trẻ dưới 6 tháng ăn sữa bột thay thế sữa mẹ hoặc ăn bổ sung ngày càng tăng cao. Theo kết quả nghiên cứu thị trường gần đây, lượng sữa bột tiêu thụ của Việt Nam đã tăng tới 39% mỗi năm. Các nhà sản xuất, kinh doanh sữa đã chi hơn 10 triệu USD cho việc quảng cáo sản phẩm và trở thành một trong 5 ngành quảng cáo nhiều nhất ở Việt Nam. Vì lẽ đó, nhiều bà mẹ vì quá tin vào quảng cáo, tin vào tính năng vượt trội của sữa công thức mà mất đi niềm tin vào sữa của mình, để rồi "tình nguyện" sử dụng sữa bột thay thế cho con ngay từ khi lọt lòng.
"Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ" do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Dự án Alive & Thrive (A&T) tổ chức. Chương trình được tổ chức hàng năm tại hơn 120 quốc gia để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ. Hàng loạt các hoạt động như tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; triển lãm ảnh; chiếu phim ngắn; chiếu phóng sự truyền hình về các mô hình can thiệp hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ; các hoạt động tư vấn trực tiếp tại các bệnh viện tỉnh/huyện, trạm y tế xã; cũng như các hoạt động truyền thông tích cực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Đánh giá về tầm quan trọng của chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Đúng như chủ đề "Sữa mẹ - Món quà vô giá cho cuộc sống", nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống được 1,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới mỗi năm. Để tăng cường thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo ra một môi trường hỗ trợ và bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em để đảm bảo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Chúng ta cần tiếp tục cam kết thực hiện việc bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách giúp cho các bà mẹ, gia đình, cộng đồng hiểu được những ích lợi của nuôi con bằng sữa mẹ cũng như những rủi ro của việc nuôi dưỡng thiếu tự nhiên”.
Phó Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ông Jeffery Kobza cũng nhấn mạnh vai trò của sữa mẹ và dinh dưỡng rằng: “Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng dinh dưỡng tối ưu là một điều quan trọng để đảm bảo khi lớn lên trẻ sẽ học tập được nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn và đạt được chiều cao tối đa khi trẻ trưởng thành. Khi trẻ được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, nghĩa là cộng đồng cũng thoát khỏi đói nghèo”.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Bộ Y tế xác định việc nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cường chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em là một phần quan trọng để hoàn thành các "Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ" (MDGs) về sức khỏe bà mẹ - trẻ em Việt Nam" vào năm 2015.
Trong tiến trình nhằm đạt được MDGs , một trong những thành công mà Việt Nam đạt được là phê duyệt hai Bộ Luật nhằm bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ - bao gồm Luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) và Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Trong đó, đáng chú ý là quy định thời gian lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình vú và vú ngậm nhân tạo.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện kế hoạch "Hành động Quốc gia về nuôi dưỡng trẻ nhỏ giai đoạn 2012 - 2015", tập trung vào việc chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu, để đảm bảo phát triển tối đa tiềm năng của trẻ. Kế hoạch cũng kêu gọi sự quan tâm của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà hoạch định chính sách, tập trung vào 6 giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu: tăng tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tỷ lệ tiếp tục cho trẻ bú tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ông Jesper Moller kêu gọi rằng: “Nuôi con bằng sữa mẹ cần sự chung tay của tất cả mọi người, nhằm khuyến khích, hỗ trợ các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó cho ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn". Như vậy, trẻ sinh ra sẽ được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong 6 tháng đầu đời, tạo nền móng để phát triển tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.
Đồng An