Trên mỗi hộp rau quả của đơn vị này có in 3 loại dấu: Dấu chứng nhận bình ổn thị trường, dấu chứng nhận thực phẩm theo quy trình Việt - Gap, dấu thực phẩm sạch. Trong đó dấu chứng nhận bình ổn thị trường là do UBND TP HCM cấp cho những doanh nghiệp tham gia chương trình. Giải thích lý do "quá hiểu" chất lượng rau quả của doanh nghiệp, bà Hồng cho biết: "Để cấp ra dấu chứng nhận bình ổn giá này, Ủy ban chúng tôi phải đến tận vườn doanh nghiệp kiểm tra nhiều lần quy trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm hoàn toàn sạch cung ứng cho thị trường".
Tại hội chợ Nhận diện hàng Việt khai mạc sáng 27/9 ở TP HCM, bà Hồng cầm từng vỉ cà chua, cà rốt, cải thìa, củ cải đỏ... bình ổn giá giới thiệu rành mạch về cách trồng, thu hoạch, vệ sinh đóng gói với bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty nông sản Thảo Nguyên nói rằng chính UBND Thành phố đóng vai trò là người tiêu dùng đầu tiên giám sát chất lượng và quy trình sản xuất của doanh nghiệp mình. "Ủy ban giám sát rất kỹ quy trình sản xuất của công ty mới cấp dấu chứng nhận bình ổn giá. Đây là bảo chứng để nhận diện hàng Việt Nam an toàn, sạch", ông Sơn nhận xét. Thực tế gian hàng nông sản này cũng thu hút nhiều khách mua. Chị Vân Anh, một khách mua hàng cho biết: "Giá rẻ hơn rất nhiều so với ngoài thị trường, nhưng quan trọng nhất là được lãnh đạo thành phố chứng nhận rau quả đảm bảo sạch".
Có hơn 330 gian hàng của doanh nghiệp tham gia hội chợ Nhận diện hàng Việt lần đầu tiên được tổ chức tại đồng thời cả TP HCM và Hà Nội. Chương trình do Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng Bộ Công Thương chủ trì, diễn ra trong 6 ngày từ 27/9 đến 2/10. Hầu hết thương hiệu Việt uy tín hiện nay đều có mặt tại hội chợ, như hàng hóa của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty may Việt Tiến, Vinamilk, Saigon Co.op, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, May 10, Dược phẩm OPC, Công ty Ba Huân... Hầu hết doanh nghiệp này đều tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND TP HCM.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 6 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt", khảo sát cho thấy 92% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt, 63% xác định ưu tiên dùng hàng Việt khi có nhu cầu mua, 54% khuyên người thân hoặc bạn bè sử dụng hàng trong nước. Thứ trưởng Hải cho rằng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam càng phải nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn riêng và giúp người tiêu dùng xây dựng thói quen nhận diện hàng Việt chất lượng, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe.
Dự kiến sẽ có 28 hợp đồng giữa các nhà sản xuất, cung ứng và đơn vị phân phối sẽ được ký kết tại Tuần lễ nhận diện hàng Việt, để hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng thuận lợi nhất.
Chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt Nam" là giải pháp hỗ trợ thực hiện đề án vận động người Việt dùng hàng Việt của Chính phủ. Mục tiêu năm 2015 có 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến cuộc vận động; Tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%. Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các nhóm sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương để cung cấp cho doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý nhà nước. |
Phan Anh