"Vũ Hán phục hồi, Hàn Quốc dần ổn định, chỉ số Kospi đã tăng trở lại. Việt Nam kiểm soát tốt, sắp công bố hết dịch. Em nghĩ ảnh hưởng của dịch bệnh đã phản ánh đủ, thị trường có thể phục hồi lên 900 điểm", tin nhắn Thanh Tùng - môi giới công ty chứng khoán thị phần Top 5 - gửi các nhà đầu tư chiều 6/3.
Nhưng chỉ vài giờ sau, điện thoại của Tùng hiện thông báo "Hà Nội họp khẩn về ca nhiễm nCoV".
"Lúc đó tôi biết mọi thứ đã thay đổi", Tùng nhớ lại. Hai ngày cuối tuần trôi qua với không khí nặng nề, khi Tùng và những đồng nghiệp trong công ty chứng khoán liên tục phải nghĩ tới những dự báo tiêu cực. Mọi người cố gắng trấn an tâm lý nhà đầu tư, nhưng ngay cả bản thân họ cũng lo lắng.
Nhưng Covid-19 không phải tác nhân duy nhất. Đêm chủ nhật, rạng sáng ngày 8/3, cuộc chiến giá dầu nổ ra khi sau khi Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP). Giá "vàng đen" giảm phiên mạnh thứ hai trong lịch sử, mất gần 30% khi mở cửa. Ba năm theo nghề chứng khoán, lần đầu tiên Tùng chứng khiến hai "breaking-point" chỉ trong hai ngày cuối tuần. 8 rưỡi sáng thứ hai 9/3, Tùng nhắn cho nhóm nhà đầu tư thân thiết chỉ vỏn vẹn: "Bán bằng mọi giá".
Phiên 9/3, chứng khoán Việt Nam thêm một kỷ lục, nhưng đáng quên. VN-Index và VN30-Index cùng rơi xấp xỉ 6,3%, mức giảm mạnh nhất 19 năm.
Lần gần nhất VN-Index giảm mạnh là sự kiện Biển Đông năm 2014 nhưng mức giảm khi đó chỉ 5,89%. Nếu xét về biên độ, phiên giảm ngày 9/3 chỉ đứng sau ba phiên giao dịch năm 2001, nhưng mức độ tương quan giữa phiên 9/3 và năm 2001 là hoàn toàn khác. Bởi khi đó cả thị trường mới chỉ có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ hơn 200 điểm.
Một ngày sau - thứ ba, thị trường trở lại sắc xanh. Nhưng phiên 10/3 để lại nhiều nỗi lo hơn là dự cảm tích cực khi thanh khoản không tăng, trong khi áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn duy trì ở mức cao.
Bản tin nhận định cuối giờ chiều 10/3 thể hiện rõ sự phức tạp của tình hình khi các công ty chứng khoán chung nhận định rằng đà phục hồi có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Và kịch bản tiêu cực tiếp tục tái diễn.
Biến động bất ngờ trong phiên chiều 11/3, khi một loạt lệnh bán khối lượng lớn được kích hoạt. VN-Index giảm hơn 40 điểm chỉ sau 1 phút khi thị trường trở lại giao dịch sau giờ nghỉ trưa và duy trì trạng thái tiêu cực đến cuối phiên, giảm hơn 3%. Nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn thậm chí còn tiêu cực hơn khi mất hơn 4%.
Từ khi chứng khoán biến động mạnh, công việc của những môi giới như Mai Linh không chỉ giới hạn trong giờ giao dịch của Việt Nam, mà phải "canh" cả biến động thế giới. Cô thường gửi cập nhật cho nhà đầu tư vào đầu phiên sáng và cuối phiên chiều, nhưng từ đầu tuần này, các bản tin được gửi thêm vào lúc 10h đêm, thậm chí 1h sáng.
Đêm 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, chứng khoán Mỹ ngay lập tức lao dốc mất gần 6%. Mai Linh trước đó còn cho rằng lực hồi cuối phiên 11/3 có thể giúp cân bằng, thị trường bình tĩnh hơn nhưng đến đêm 11/3, khuyến nghị thay đổi. "Mọi người thận trọng, thị trường có thể chưa thấy đáy", tin nhắn gửi đi lúc 1h sáng ngày 12/3.
Diễn biến phiên 12/3 khốc liệt không kém gì biến động của chứng khoán Mỹ trước đó. VN-Index rơi mạnh ngay từ đầu phiên, mất gần 6%.
Biến động tiêu cực làm dấy lên lo ngại về một "kỷ lục mới". Đến cuối phiên, đà hồi phục nhẹ chỉ đủ giúp VN-Index thu hẹp đà giảm từ 6% xuống còn hơn 5%, sắc đỏ vẫn lan rộng toàn thị trường. Cảnh "trắng bảng bên mua" như phiên đầu tuần được tái diễn, khi 2/3 mã bluechip trong VN30 giảm sàn.
Những mốc kháng cự hay hỗ trợ không còn là điểm tựa khi đà giảm vượt ngoài dự báo của giới phân tích. "Mọi người đừng quan tâm tới chỉ số, hãy thận trọng nhìn xu hướng. Và hiện giờ, mọi thứ rất tiêu cực", khuyến nghị Linh gửi nhóm nhà đầu tư.
"Thận trọng" cũng là từ được nhắc đến liên tục trong bản tin của các công ty chứng khoán. Hầu hết nhận định đưa ra cuối phiên 12/3 đều nghiêng về dự báo thị trường sẽ còn tiêu cực, VN-Index có thể về vùng 700-720 điểm.
Diễn biến phiên cuối tuần cũng ủng hộ giả thiết này khi VN-Index giảm 45 điểm ngay từ đầu phiên, trước khi thu hẹp về ngưỡng giảm một con số vào cuối phiên. Dù vậy, kết quả này vẫn nối dài chuỗi phiên giảm của VN-Index lên bốn, thủng đáy tháng 6/2017.
Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 130 điểm, tương đương gần 15% từ vùng giá gần 900 điểm xuống còn 761 điểm. Giá trị vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 612.800 tỷ đồng (hơn 26 tỷ USD).
Trong khi đó, khối ngoại nâng số tuần bán ròng liên tiếp lên 7, với giá trị bán ròng trong tuần qua đạt gần 2.100 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 1.980 tỷ đồng, gấp đôi giá trị bán ròng của tuần trước.
Với những nhà đầu tư kỳ cựu đã trải qua cuộc khủng hoảng 2008-2009, diễn biến trong tuần qua là sự hồi tưởng quá khứ đau buồn năm xưa. Nhưng với những môi giới không là một phần của suy thoái ở thập kỷ trước như Tùng, đây là tuần giao dịch khủng khiếp nhất trong nghề của anh.
"Môi giới khổ một thì nhà đầu tư khổ gấp đôi, ba, thậm chí 10 lần. Có những người chỉ sau một tuần vừa rồi mất 50-60% giá trị tài sản", Tùng nói.
Cuối tuần này, Tùng không còn đưa khuyến nghị quá nhiều về thị trường cho các khách hàng, thay vào đó anh chỉ khuyên mọi người bình tĩnh, chờ cơ hội "làm lại từ đầu".
Minh Sơn