Tại phiên 18/6, 3 cổ phiếu nằm trong tầm ngắm của cơ quan quản lý là BMC, SGH, TCT liên tục thăng điểm, lệnh bán tung ra bao nhiêu đều được vét sạch bấy nhiêu. Trong đó, BMC lên 23.000 đồng (4,89%), SGH tăng 9.000 đồng, còn TCT đội thêm 17.000 đồng. Phiên hôm 19/6, BMC tiếp tục lên thêm 24 điểm, khớp ở giá 517.000 đồng với 46.050 đơn vị được giao dịch. Theo sau BMC, TCT tiến thêm 18.000 đồng, LBM cũng dôi 3 điểm. Lệnh bán tung ra bao nhiêu cũng không thỏa mãn những nhà đầu tư say máu.
Ngày 20/6, dù dư luận lên tiếng nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục khát cổ phiếu bị án treo này hơn bao giờ hết, BMC tiếp tục tăng thêm 25.000 đồng, lên 542.000 đồng với 35.910 cổ phiếu được khớp lệnh. Sau BMC, TCT bứt phá thêm 19.000 đồng, lên 403.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư kinh ngạc trước sự thăng điểm liên tục của cổ phiếu 'hiếm'. Ảnh: Ánh Hồng. |
Phiên 21/6, dù hàn thử biểu của thị trường tụt mất hơn 10 điểm nhưng BMC, TCT, LBM vẫn vững bước đi lên bởi thông tin chưa thể giải mã được cổ phiếu tăng phi mã. BMC lại đội thêm 27 điểm, TCT tăng 20.000 đồng. Dư bán của BMC, TCT và LBM đều bằng 0.
Cổ phiếu "hiếm" chỉ chịu dừng lại ở phiên ngày 22/6 khi có thông tin Ủy ban chứng khoán sẽ tiếp tục thanh tra các cổ phiếu này. SGH mất đi 9 điểm dẫn đầu top cổ phiếu giảm giá mạnh nhất, còn BMC thì giậm chân tại chỗ. Khối lượng giao dịch SGH cũng rất nhỏ giọt, chỉ có 18.260 đơn vị được khớp lệnh. BMC cũng giao dịch được 57.580 cổ phiếu, dư bán rất nhiều. LBM cũng chỉ tăng thêm 500 đồng.
Tính trung bình, mỗi phiên BMC tăng thêm 25.000 đồng, TCT cũng tiến thêm 15.000 đồng một phiên.
Tuần này, VN-Index giảm thêm 14,5 điểm, đóng cửa với 1.033,69 điểm. Khối lượng và giá trị khớp lệnh vẫn duy trì ở mức thấp, bình quân mỗi phiên khoảng 6 triệu đơn vị, giá trị khớp lệnh trung bình 600 tỷ đồng.
Tại sàn Hà Nội, Hastc-Index cũng giảm 14,1 điểm so với tuần trước đóng cửa với 299,77 điểm, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên khoảng 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau khi đột ngột giảm vào phiên 21/6. Cụ thể, tại sàn TP HCM họ mua vào 64 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ với tổng cộng 1.345.850 đơn vị, trị giá 203,13 tỷ đồng. Trong khi đó, các nhà đầu tư bán ra 42 mã cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ với tổng cộng 657.120 đơn vị, trị giá gần 116,8 tỷ đồng. Trong đó PPC, ITA, FVD là 3 mã được mua vào nhiều nhất.
Trên sàn Hà Nội, phiên 22/6, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào có 14 mã với tổng cộng 20.800 đơn vị và bán ra 3 mã với 28.000 đơn vị. Giao dịch tập trung vào một số mã như POT, NBC và SSI...
Một chuyên gia nhận xét, chính động thái thắt chặt cho vay đầu tư chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước là rào cản cho sự bứt phá đi lên của thị trường. Ông dự đoán, chứng khoán tuần tới vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn điều chỉnh và đó chính là rào cản cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn sắp diễn ra trong thời gian tới.
A.H.