Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết cách đây hơn 2 tháng, nữ bệnh nhân 60 tuổi, gầy gò xanh xao, đến khám với khối bướu to, sùi như bông cải, có mùi, chảy dịch mủ và máu.
"Sang thương sùi lấp kín hoàn toàn âm hộ, ăn lan xuống cơ vòng hậu môn, hai khối hạch bẹn sưng to lở loét ra da, đường kính trên 5 cm, sinh dòi lúc nhúc", bác sĩ Tiến nói.
Bệnh nhân cho biết khi phát hiện bướu lớn cỡ quả chanh đã tự đắp lá cây để chữa. Sau vài tuần đắp lá, khối bướu lở loét, bốc mùi hôi.
Để xử trí, các bác sĩ phân vân với phương án phẫu thuật vì phải cắt rộng rất nhiều, thiếu da để khép. Nếu đợi hóa - xạ trị cho bướu nhỏ bớt rồi mới mổ thì bệnh nhân có thể nguy hiểm vì tình trạng hôi thối, nhiễm trùng đã lan rộng.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định mổ dọn sạch khối bướu. Sang thương rất lớn nên phải tạo hình ghép da che lấp nhiều lỗ hổng vẫn không khép kín da được. Mất hơn 2 tháng chăm sóc hậu phẫu vất vả, vùng mổ mới liền da, bệnh nhân được tiếp tục điều trị hóa - xạ trị.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, vết loét trên cơ thể nếu chưa xác định bệnh thì không nên đắp bất cứ loại lá nào. Nếu là ung thư, đắp lá sẽ làm bùng phát dữ dội như "chọc tay vào ổ kiến lửa", nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc nghiêm trọng, đôi khi hôi thối và có dòi. Khi có viêm nhiễm hay vết loét ở vùng âm hộ, nên đi khám chuyên khoa ung bướu để phát hiện sớm bệnh.
Theo bác sĩ Tiến, ung thư âm hộ trong giai đoạn sớm điều trị rất đơn giản, chỉ cần phẫu thuật cắt rộng hoặc cắt âm hộ đơn giản. Nếu giai đoạn trễ, bướu xâm lấn các cơ quan xung quanh như âm đạo, lỗ tiểu hay cơ vòng hậu môn... thì việc điều trị rất khó khăn, phức tạp. Phẫu thuật đòi hỏi phải cắt thật rộng để lấy hết bướu, nhiều khi phải mở đường đi tiêu, đi tiểu trên bụng suốt đời. Sau khi cắt xong còn phải tạo hình lại âm hộ, lấy mảnh da từ nơi khác đến che lấp chỗ thiếu da.
Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa. Bệnh giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, nên đi khám khi có bướu ở âm hộ, da âm hộ có biểu hiện bất thường như thay đổi màu sắc, có mụn cóc hay loét không lành, ngứa âm hộ kéo dài, xuất huyết âm đạo bất thường không liên quan chu kỳ kinh, cảm giác căng tức vùng âm hộ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mặc bệnh là lớn tuổi, nhiễm HPV, có tổn thương tân sinh trong biểu mô âm hộ, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch... Phòng ngừa bằng cách tình dục an toàn, tiêm vắcxin ngừa HPV, khám phụ khoa định kỳ...