Người đàn ông 64 tuổi, ở Hà Nam, nhập Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hôm 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ, viêm gan mạn cách đây một năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh hiệu quả, song ông bỏ thuốc 6 tháng nay. Trước nhập viện một tuần, bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng, xét nghiệm thấy men gan tăng cao. Người bệnh được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ, suy gan, tiên lượng bệnh rất khó khăn.
Tương tự, bệnh nhân nữ 47 tuổi, Yên Bái, phát hiện viêm gan B từ 4 năm trước, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc 2 tháng nay. Trước nhập viện một tháng, bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da, vàng mắt. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán xơ, suy gan, men gan cao, chỉ định lọc máu, ghép gan.
Các bệnh nhân trên là hai trong nhiều trường hợp mắc viêm gan B, C song tự ý bỏ thuốc sau một thời gian điều trị, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm.
Ông Cường giải thích điều trị viêm gan B cần duy trì suốt đời nên bệnh nhân phải được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng, bỏ thuốc, virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp, ung thư. Thuốc điều trị viêm gan B và C hiện đã được BHYT chi trả nên người bệnh không còn gánh nặng tài chính.
"Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia", ông Cường nói, hôm 28/7.
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê mỗi năm có khoảng 3 triệu ca mắc mới và một triệu ca tử vong do virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị. Tương tự, 21% bệnh nhân viêm gan C được chẩn đoán, trong đó chỉ 62% được điều trị. Trên toàn cầu chỉ có 42% trẻ em được tiêm liều vaccine viêm gan B sau sinh.
Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần một triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn, do bệnh có triệu chứng âm thầm, kín đáo, dễ nhầm sang bệnh khác. Nếu không được phát hiện, điều trị và kiểm soát hiệu quả, bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Người dân được khuyến cáo thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm và điều trị
sớm để phát hiện viêm gan B và C. Nếu chưa mắc bệnh, hãy tiêm vaccine và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.
Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Hiện, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số do phụ nữ có thai không được sàng lọc và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh vaccine viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ, dẫn đến gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này.
Lê Nga