Ngày 4/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai, cho biết hai hôm trước, ông Đinh Drơng (ở xã Krong) được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Kbang khám với triệu chứng mệt mỏi, sốt, sợ nước.
Do tình trạng nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai với chẩn đoán mắc bệnh dại. Được bác sĩ tư vấn, gia đình xin đưa người bệnh về, tử vong tại nhà.
Khoảng 2 tháng trước, ông Drơng bị một con chó thả rông cắn vào cánh tay phải. Người dân trong làng đã đánh chết con chó. Bị chó cắn, song ông Drơng không tiêm phòng vaccine, huyết thanh kháng dại.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Hiện tại, không có thuốc chữa. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người quên từng bị cắn.
Bác sĩ khuyến cáo sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh. Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị cắn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tổng đàn chó mèo trên địa bàn hiện hơn 210.000 con. Chủ yếu chó mèo được nuôi thả rông, không có chuồng trại. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn rất thấp, chỉ khoảng 19%.
Từ năm ngoái đến nay 16 người ở Gia Lai tử vong do bệnh dại, tất cả đều chưa được điều trị dự phòng bệnh sau khi bị chó cắn.
Trần Hóa