Ngày 8/1, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sợ gió, sợ lạnh, sợ ánh sáng, tăng kích động, thích ở trong bóng tối.
Người nhà cho biết ông bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân phải từ tháng 11, nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. Khi có biểu hiện bất thường, gia đình mới đưa đến viện cấp cứu.
Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm xác định bệnh nhân mắc bệnh dại, nguy cơ tử vong cao. Gia đình xin dừng điều trị đưa về, người bệnh tử vong tại nhà, hồi đầu tháng 1.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Vì vậy, sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh. Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người quên từng bị cắn.
Thùy An