Ông được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu cuối tháng 5, trong tình trạng sốc nặng, phổi co thắt nhiều, suy hô hấp phải thở máy và duy trì vận mạch liều rất cao, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6/6 cho biết phổi bệnh nhân không còn đảm bảo được chức năng thông khí ngay cả khi hỗ trợ máy thở tối đa. Bệnh nhân phải thở ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng kèm các biện pháp hồi sức tích cực.
Kết quả nội soi phế quản bệnh nhân phát hiện các mảng giả mạc thùy dưới phổi hai bên (màng viêm màu trắng đục), nghi nhiễm nấm. Một ngày sau, giả mạc phát triển trên toàn bộ niêm mạc đường thở tạo nên các đám sùi và đan xen nhau như mạng nhện lấp kín hết lòng khí phế quản. Kết quả nhuộm soi các mẫu bệnh phẩm đường thở đều có nấm sợi. Hình ảnh giải phẫu bệnh giả mạc cũng cho thấy nấm tập trung nhiều thành đám. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối.
Theo bác sĩ Cường, nấm Aspergillus fumigatus là nấm cơ hội ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bệnh nặng...) nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng (đặc biệt là hô hấp), tỷ lệ tử vong rất cao.
Ngày 4/6, bệnh nhân tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực.
Mối đất là loài côn trùng sống theo đàn, cánh mỏng, thân dài khoảng hơn một cm, bụng lớn bằng sợi bún, có viền đen quanh thân màu vàng nâu. Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, nhiều nhất là vào tháng 4, khi những cơn mưa giông đầu mùa đổ về.
Mối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như hấp, nấu với lá bép, cà đắng, chiên giòn... Tuy nhiên, không ít người ăn bị ngộ độc, thậm chí sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo không ăn thức ăn được chế biến từ các loại côn trùng và không nên bảo quản chung với các thực phẩm khác. Khi có biểu hiện ngộ độc, cần đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Thùy An