Thông tin được Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Lê Hồng Nga chia sẻ tại hội thảo về nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam, chiều 28/9.
Giai đoạn 2018-2022, số ca sốt xuất huyết chiếm 48% trong tổng số 6 bệnh truyền nhiễm có số mắc cao nhất thành phố (những bệnh khác gồm tay chân miệng, thủy đậu, sởi, tiêu chảy, quai bị). Năm ngoái, nơi này ghi nhận 29 trường hợp tử vong, cao nhất từ trước đến nay. Số ca mắc và tử vong tăng nhanh tạo gánh nặng lớn cho ngành y tế TP HCM, nhất là trong bối cảnh nơi này trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 với tổn thất nặng nề, nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát cùng lúc như tay chân miệng, đau mắt đỏ...
Nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao là phát hiện trễ, điều trị không đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn, nhiễm trùng bệnh viện, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định.
Không chỉ TP HCM, năm ngoái, cả nước cũng ghi nhận 151 trường hợp tử vong trong hơn 372.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước đến nay. Bệnh diễn biến rất phức tạp và lưu hành ở hầu hết tỉnh thành phố, xuất hiện rải rác trong năm và thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 7 đến tháng 10.
Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng trên 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính khoảng 50-100 triệu trường hợp hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, gây nguy cơ cho gần một nửa dân số thế giới.
Đầu năm nay, WHO đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và là "mối đe dọa đại dịch". Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia có thể khiến bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng, trong đó có Việt Nam.
Để giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết, bác sĩ Hùng đề xuất các bệnh viện cần sàng lọc bệnh nhân hiệu quả, phân loại mức độ, cung ứng đầy đủ trang thiết bị, dịch truyền, tăng năng lực điều trị ở tất cả các tuyến.
Mặt khác, người dân cần phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp như như diệt muỗi, diệt loăng quăng, tiêm ngừa khi có vaccine. Việc phòng bệnh bằng vaccine vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đã có những kết quả khả quan.
Lê Phương