-
Thưa bác sĩ Bích Đào,
(Trần Thị Ngọc Anh, 40 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định)
Người bệnh đái tháo đường cần có thời khóa biểu ăn như thế nào cho hợp lý nhất? Trường hợp người bị đái tháo đường là cán bộ công nhân viên, phải ăn uống thường xuyên ở bên ngoài thì nên xử lý như thế nào? Nếu có thể, vui lòng cung cấp thực đơn ăn hàng tuần cho người bệnh để áp dụng cho thích hợp chế độ ăn.PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Chào chị Ngọc Anh!
Các bữa ăn hàng ngày của người bị đái tháo đường thường đi theo chế độ điều trị bằng thuốc viên hoặc bằng insulin.
Đối với một bệnh nhân bị đái tháo đường típ 2, sức khỏe còn tốt, sử dụng thuốc viên hạ đường huyết ổn định thì thường mỗi ngày có 3 bữa ăn: sáng, trưa, chiều. Các bữa ăn này đều phải có đầy đủ 4 thành phần tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin. Tổng số năng lượng và dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn sẽ được bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng tính toán dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của chị.
Nếu vì bận công việc, thường xuyên ăn ở ngoài, chị nên ước lượng các loại thực phẩm thường dùng mỗi bữa để lựa chọn món ăn thích hợp. Việc các loại nước chấm hoặc canh hay đồ kho có cho đường cũng không ảnh hưởng đến đường huyết nhiều nếu như không quá ngọt.
Khó có thực đơn chung cho tất cả mọi người vì khuynh hướng hiện nay là chế độ ăn phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân, thói quen ăn uống của từng người và văn hóa ẩm thực vùng miền. Vì vậy, bạn có thể nhận được sự trợ giúp cung cấp thực đơn hàng tuần từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tại đơn vị y tế mà bạn đang điều trị.
-
Thưa bác sĩ, có phải cứ ăn ngọt là bị đái tháo đường không? Ăn như thế nào sẽ mắc bệnh này?
(Nguyen Nguyet, 23 tuổi)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính, do giảm chức năng tiết insulin của tế bào beta tụy hoặc rối loạn hoạt động của insulin. Vì vậy, bất kỳ tình trạng nào làm giảm chức năng tiết insulin của tế bào beta tụy hoặc rối loạn hoạt động của insulin thì điều dẫn đến tăng đường huyết.
Ở người chưa bị đái tháo đường, chế độ ăn quá nhiều đường có nhiều nguy cơ dẫn đến việc dư thừa năng lượng làm dễ bị thừa cân, béo phì. Những người này sẽ có tình trạng đề kháng với insulin, vì vậy có nguy cơ bị đái tháo đường trong tương lai.
-
Có lần em đi kiểm tra định kỳ thì sau khi có kết quả, bác sĩ tư vấn rằng lượng đường trong máu em cao và có nguy cơ tiểu đường? Vậy cho em hỏi là em cần ăn, uống hay hạn chế gì để giảm nguy cơ này ạ?
(Tiểu Bảo, 28 tuổi, Cần Thơ)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Bạn Tiểu Bảo mến!
Nếu các lần xét nghiệm của bạn đều được bác sĩ khuyến cáo là có đường huyết cao, nhưng chưa phải là đái tháo đường thì bạn có thể áp dụng phương pháp can thiệp thay đổi lối sống như sau:
- Gia tăng vận động thể lực. Thời gian vận động trung bình mỗi ngày ít nhất từ 30 phút trở lên (hoặc lớn hơn hoặc bằng 150 phút trong tuần). Bạn nên hoạt động ở mức trung bình, chọn các loại hình hoạt động mà bạn yêu thích.
- Thay đổi chế độ ăn: bạn cần nhận được sự tư vấn về số năng lượng nên ăn vào mỗi ngày tùy theo tình trạng cân nặng, cũng như tỷ lệ thành phần các chất dinh dưỡng trong một bữa ăn. Bạn nên hạn chế các loại thức ăn nhanh, thức ăn quá giàu năng lượng, nước ngọt...
- Bạn cần phải kiểm soát trọng lượng cơ thể và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng với BMI từ mức 19-23kg/m2 (công thức tính BMI = cân nặng : chiều cao bình phương). Nếu bạn bị thừa cân, cần giảm trọng lượng ít nhất 7%. Nếu bạn bị thiếu cân, cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp để đạt được cân nặng lý tưởng.
- Nếu là nam giới, bạn nên bỏ thuốc lá, rượu bia, tránh stress...
Các biện pháp nêu trên đã được các nghiên cứu ở châu Âu và châu Á chứng minh có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ phát triển thành đái tháo đường.
Chúc bạn thành công!
-
Chào bác sĩ , em nghe nói tới tiền đái tháo đường, phải hiểu khái niệm này thế nào là đúng? Khi nào thì nghĩ mình có thể mắc bệnh?
(Thu Hòa, 30 tuổi, Hà Nội)
cám ơn BS nhiều.PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy:
Mến chào độc giả VnExpress!
Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết không ở trong giới hạn bình thường, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là đái tháo đường.
Đó là những người có mức đường huyết tương khi đói vào buổi sáng ở mức 100mg/dl - 125mg/dl. Hoặc đường huyết tương 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose với 75g glucose uống 140mg/dl - 199mg/dl. Hoặc HbA1c từ 5,7-6,4%.
Những người tiền đái tháo đường là những người có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch và có thể phát triển thành đái tháo đường típ 2 trong tương lại.
Nếu bạn thuộc nhón người có các nguy cơ sau đây:
- Ít vận động.
- Có người thân trong gia đình có quan hệ trực hệ bị đái tháo đường.
- Người bị cao huyết áp.
- Người bị rối loạn lipid máu.
- Người béo phì, thừa cân.
- Người đã bị đái tháo đường thai kỳ.
- Người bị các bệnh lý đề kháng với Insulin như hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gai đen...
Và một số yếu tố khác.
Khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ trên đây, bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường. Vì vậy, để phát hiện sớm, bạn nên đi tầm soát sớm.
-
Chào bác sĩ, mẹ tôi bị tiểu đường 15 năm nay, gần đây bà lại bị đục thủy tinh thể. Mẹ tôi muốn đi mổ thay thủy tinh thể, nhưng tôi đang rất băn khoăn liệu mắc bệnh tiểu đường như mẹ tôi thì có thể mổ mắt được không?
(Trần Bảo Hân, 26 tuổi, 115 Nguyễn Tri Phương , Q10, HCM)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Hân mến!
Người bệnh đái tháo đường khi đường huyết được kiểm soát tốt (70mg/dl - 130mg/dl) thì có thể phẫu thuật được. Với mức đường huyết này, không gây ra các ảnh hưởng của đường huyết trên việc làm lành vết thương. Vì vậy, bạn có thể yên tâm đưa mẹ đi phẫu thuật mắt khi mức đường huyết đói đạt yêu cầu.
-
Bác sĩ ơi, khi mắc bệnh đái tháo đường, tôi có nghe nói ghê nhất là biến chứng bàn chân? Vậy xin hỏi bác sĩ có thể phòng ngừa được không và nếu mắc rồi thì phải làm sao?
(Minh Nhut, 29 tuổi, Chung cư Gò vấp, Tp.HCM)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Chào Nhựt!
Đái tháo đường sẽ dẫn đến nhiều biến chứng mạn tính nếu như không kiểm soát đường huyết tốt ngay từ ban đầu. Các biến chứng mạn tính đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, có thể gây tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, biến chứng bàn chân đái tháo đường là biến chứng thường được nhiều người quan tâm nhất.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa tốt.
Đó là phải ổn định đường huyết sớm và tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh. Bên cạnh đó, phải ổn định các bệnh lý đi kèm như huyết áp, lipid máu, chống béo phì thừa cân. người bệnh phải thay đổi lối sống, bao gồm không hút thuốc lá, tránh rượu bia.
Hàng ngày, bạn phải chăm sóc bàn chân: rửa chân mỗi ngày và dùng khăn lông mềm để lau khô chân và các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô, nứt, bạn nên dùng các dung dịch giữ ẩm bàn chân (được bác sĩ chỉ định) để bôi vào vùng gót chân và vùng da bị khô. Bạn nên xem xét và kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có xuất hiện các dấu hiệu bất thường như dấu đổi màu ở da, vết thương ở chân.
Việc chọn giày dép cũng rất quan trọng trong bảo vệ bàn chân. Bạn nên chọn giày dép vừa chân, đế mềm, gót bằng, không bó đôi chân. Bạn nên chọn giày vào buổi chiều. Bạn nên sử dụng vớ (tất) bằng cotton và không có đường chỉ may, không bó ở cổ tất nhiều, thay vớ chân hàng ngày.
Bạn lưu ý không nên làm những việc sau đây: đi giày gót nhọn, bó chặt ở đầu mũi; không nên ngâm chân trong nước nóng. Không nên bôi các dung dịch có chứa chất cồn lên da chân; không đắp các loại lá; không đi chân trần ở trong nhà; không nên cắt da và lấy khóe móng chân để tránh làm tổn thương da.
Mỗi lần đi tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra chân cho bạn và có lời tư vấn thích hợp.
-
Chào bác sĩ, khi được chẩn đoán đái tháo đường rồi, cần chuẩn bị những gì để đương đầu với bệnh?
(Harry, 25 tuổi, Tp Biên Hòa-Đồng Nai)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Chào bạn Harry!
Không ai muốn bị bệnh, nhất là bệnh mạn tính như đái tháo đường.
Nhưng nếu đã phát hiện bị bệnh, chúng ta nên bình tỉnh để được đầu với bệnh tật.
Việc đầu tiên là chúng ta phải xác định:
- Đây là bệnh mạn tính, vì vậy phải theo dõi và điều trị liên tục, suốt đời.
- Bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được tốt đường huyết và ngăn chặn hoặc làm chậm sự xuất hiện các biến chứng của nó. Các kết quả trên đây đã được các nhà khoa học chứng minh qua các nghiên cứu.
- Cá nhân người bệnh tham gia vào quá trình điều trị sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm và tích cực ngay từ ban đầu với các phương pháp không dùng thuốc (thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng) và phương pháp dùng thuốc. Bạn cần tích cực tìm hiểu các kiến thức về bệnh đái tháo đường cũng như chế độ ăn và cách tăng cười vận động thể lực. Bạn cần phải thường xuyên đi tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ mặc dù tình trạng đường huyết đang ổn định. Trong việc thay đổi lối sống, điều quan trọng nữa là bạn phải có tinh thần lạc quan, tránh stress, can thiệp kịp thời khi có các bệnh lý khác xuất hiện.
-
Chào bác sĩ, đái tháo đường nếu chuyển qua giai đoạn biến chứng tim thì ngoài chế độ dinh dưỡng và luyện tập của người bệnh đái tháo đường có cần thêm những lưu ý gì không?
(Bich Ngoc, 33 tuổi, 623 Cach Mang Tháng 8, Q10, Tp.HCM)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Nếu người đái tháo đường típ 2 đã bị biến chứng tim mạch thì các chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể lực cần có sự phối hợp với tình trạng bệnh lý.
- Chế độ ăn: cần hạn chế muối để tránh nguy cơ bị ảnh hưởng đến huyết áp. Các loại thực phẩm chọn loại có các chất béo omega 3, 6, 9. Sử dụng các loại tinh bột hấp thu chậm để làm giảm đỉnh đường huyết sau ăn.
- Chế độ luyện tập thể lực: nên chọn các loại hình luyện tập thể lực nhẹ nhàng để tạo sức bền cho cơ thể như đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh... Tránh các loại hình hoạt động với cường độ cao như chơi tennis, chạy bộ, đá banh...
-
Bác sĩ ơi, mẹ tôi mới phát hiện bị đái tháo đường ở mức thấp, tôi có thấy ngoài thị trường có bán sữa dinh dưỡng dành cho người đái tháo đường, tác dụng như thế nào nhờ bác sĩ tư vấn giúp, có làm tăng lượng đường trong cơ thể không ạ và việc ăn uống hàng ngày như thế nào?
(Hải Phượng, 31 tuổi, Khu chế xuất Tân Thuận Q7, tp.HCM)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Chào bạn Hải Phượng!
Sữa dinh dưỡng dành cho người đái tháo đường có rất nhiều loại.
Nếu là những sản phẩm có đầy đủ các thành phần carbohydrates phóng thích chậm, lipid, protid và chất xơ (có chỉ số đường huyết thấp) thì thường là những loại dinh dưỡng chuyên biệt, dùng để thay thế bữa ăn cho người đái tháo đường. Các sản phẩm này cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng thích hợp cho tình trạng sức khỏe của người đái tháo đường. Bên cạnh việc thay thế cho bữa ăn, nó còn góp phần làm ổn định đường huyết, lipid máu.
Nếu mẹ bạn đã ăn đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng qua bữa ăn hàng ngày thì không cần sử dụng thêm các sản phẩm này.
Trong các trường hợp người bệnh không thể ăn hoặc chuẩn bị được bữa ăn thông thường thì có thể sử dụng sản phẩm này để thay thế cho bữa ăn. Mức thay thế tùy theo số năng lượng cần bổ sung thường pha 5 muỗng trong 200ml nước sẽ cung cấp khoảng 200 kcal năng lượng.
-
Chào bác sĩ, bắt đầu bao nhiêu tuổi thì quan tâm đến đái tháo đường?
(Cam Tu, 29 tuổi, Nhật tảo, Q10. HCM)PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào:
Bạn Cẩm Tú mến!
Rất hoanh nghênh bạn quan tâm đến bệnh đái tháo đường. Bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần quan tâm đến việc làm giảm nguy cơ đái tháo đường.
Ở lứa tuổi trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp để em bé phát triển bình thường và không bị béo phì, để tránh nguy cơ bị đái tháo đường trong tương lai.
Ở lứa tuổi thanh niên, nên duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, tránh rượu bia, tăng vận động để tránh béo phì và nguy cơ bị đái tháo đường.
Đối với những người có các nguy cơ sau đây thì sẽ gọi là nhóm nguy cơ cao bị đái tháo đường: người ít vận động, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường thai kỳ, bị các bệnh liên quan đến đề kháng insulin (hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gai đen...).
Nhóm người này cần có việc thay đổi lối sống tích cực và tầm soát đái tháo đường để có thể phát hiện sớm bất kỳ sự rối loạn đường huyết nào.