*Độc giả đặt câu hỏi tại đây*
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Phòng ngừa ung thư" có tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K.
Theo nghiên cứu EIU - cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist đăng trên Sáng kiến Ung thư Thế giới, công bố vào tháng 6, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á, trên 70%. Tiếp đó là Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, với tỷ lệ M:I (tỷ lệ tử vong trên số ca mắc để mô tả độ hiệu quả trong công tác phòng ngừa, tầm soát, điều trị ung thư tại mỗi nước) từ 60 đến 70%.
![Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo Yêu cầu - Bệnh viện K.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/12/08/Bs-Tuan-Anh-7904-1607399142.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6mkfQS96sQOrvZaKD8X75w)
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo Yêu cầu - Bệnh viện K. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê, với hơn 300.000 bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư mỗi năm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người bệnh cao. Ung thư gan dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.
Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao do phát hiện muộn, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp. Báo cáo của EIU nhận định, kế hoạch tầm soát, ngăn ngừa ung thư cấp quốc gia tại Việt Nam còn non trẻ, hầu hết chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc sức khỏe, điều trị, giảm nhẹ tác động. Thực tế, nhiều chi phí chiếu chụp phát hiện tế bào ung thư không nằm trong bảo hiểm y tế quốc gia.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là béo phì, đái tháo đường, nhiễm trùng mãn tính siêu vi viêm gan B hoặc C, siêu vi lây truyền qua đường tình dục như HIV, HPV... Hút thuốc lá, tiêu thụ quá mức rượu bia, chế độ ăn uống kém lành mạnh, lối sống ít vận động, các chất sinh ung trong môi trường cũng khiến tỷ lệ bệnh tăng cao.
![Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/12/08/Bsi-Chung-6895-1607399142.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tUh-y8D2LQCQHnQA4QlsUA)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Với một mục tiêu vì một cộng đồng khỏe mạnh, nước ta đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư. Theo đó, Bệnh viện K cũng tổ chức các chương trình sàng lọc ung thư vú sớm, tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng bằng cách mời các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật phát hiện những tổn thương, điều trị sớm bằng cắt hớt niêm mạc...
Những thắc mắc của độc giả xung quanh chủ đề phòng ngừa ung thư, dấu hiệu về bệnh, cách chăm sóc sức khỏe đúng cách..., tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K sẽ giải đáp vào lúc 14h ngày 9/12 trên VnExpress.
Ngọc Thi