-
Tôi muốn hỏi một thẩm mỹ viện được cấp phép phẫu thuật phải có đầy đủ những giấy tờ gì? Yêu cầu với bác sỹ làm phẫu thuật thẩm mỹ như thế nào?
(Huyền Trâm)Đại diện Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Nhị Hà:
Một thẩm mỹ viện được cấp giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, điều 46 của Luật khám bệnh, chữa bệnh với những giấy tờ cơ bản như sau:
Thứ nhất, phải có chứng chỉ của bác sĩ phụ trách chuyên môn với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ hai là phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ ba có hợp đồng xử lý rác thải y tế của cơ sở khám chữa bệnh với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế.
Thứ tư là một số giấy tờ khác liên quan tới việc kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó còn có các điều kiện về vệ sinh môi trường, điều kiện về nhân lực tham gia hoạt động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép hoạt động khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Về điều kiện đối với một bác sỹ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được quy định tại điểm A, khoản 3, điều 25 của Thông tư 41/2011/TT-BYT là bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ phải có bằng cấp chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ít nhất là 54 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp.
-
Có phải giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ là vĩnh viễn không? Nếu không thì sau bao lâu cần xin cấp phép lại? Tức là 1 cơ sở hiện giờ đang được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ thì có khi nào vài năm sau lại không có giấy phép nữa hay không?
(Minh Nguyệt, 26 tuổi, Hà Nội)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Theo quy định tại điều 44 của Luật khám bệnh, chữa bệnh, giấy phép hoạt động được cấp một lần cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, tại khoản 3, điều 44 cũng quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia tách, hợp nhất, sát nhập hoặc thay đổi địa điểm thì phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động.
-
Tôi muốn hỏi tại sao cùng được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ mà hút mỡ phải thực hiện ở bệnh viện chứ không làm được ở thẩm mỹ viện?
(Hải Anh, 28 tuổi, Hà Nội)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Theo quy định tại điều 3 của Nghị định 87, các hình thức tổ chức hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được tổ chức với hai hình thức tổ chức hành nghề như sau:
Một là bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viên đa khoa có khoa, đơn nguyên phẫu thuật thẩm mỹ. Hai là, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại điểm i, khoản 4, điều 25 Thông tư 41 quy định cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn được thực hiện tại phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã quy định rõ những phạm vi phòng khám được làm và không được làm. Về phạm vi phòng khám được làm như tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình cằm chẻ, tạo hình mí mắt, mũi, tai... Và những phạm vi không được phẫu thuật như nâng ngực, nâng vú, lấy mỡ cơ thể, thu gọn thành bụng...
Kỹ thuật hút mỡ là một phẫu thuật có can thiệp lớn, xâm lấn diện rộng vùng bụng, đùi, mông... bệnh nhân có thể bị chảy máu, đau, choáng... Vì vậy phải được phẫu thuật tại bệnh viện có đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để hồi sức và chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất, đảm bảo tính an toàn, tránh rủi ro cho người bệnh khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
-
Tôi ở Lạng Sơn, tôi muốn hỏi khi tôi xuống Hà Nội làm phẫu thuật mí mắt và hút mỡ bụng thì tôi nên thực hiện ở đâu? Làm thế nào để lựa chọn nơi thực hiện uy tín để không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi?
(Trà Mi, 39 tuổi, Lạng Sơn)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Chúng tôi khuyến cáo và đưa ra lời khuyên với bạn đọc có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt và hút mỡ bụng thì cần tìm đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội đã công khai danh sách các cơ sở được cấp phép trên website của Sở. Bạn có thể tham khảo trên trang thông tin này và lựa chọn cho mình một cơ sở phù hợp.
Riêng với nhu cầu hút mỡ bụng, chúng tôi khuyến cáo bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ để thực hiện kỹ thuật này.
-
Tôi muốn hỏi chuyên gia về điều kiện để mở một thẩm mỹ viện được phép phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay như thế nào? So với các thẩm mỹ viện không được cấp phép phẫu thuật thì khác nhau như thế nào? Quy trình xin cấp phép có lâu không?
(Thanh Nhân, 34 tuổi, Hà Nội)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Về điều kiện để cấp phép đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được tuân thủ theo quy định tại điều 25, Thông tư 41 của Bộ Y tế, bao gồm cụ thể là những điều kiện về nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, xử lý rác thải y tế...
Chúng tôi cũng muốn làm rõ với bạn đọc khái niệm về cơ sở thẩm mỹ viện (cơ sở làm đẹp bằng cách hình thức chăm sóc da, spa, massage body...) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ là hai hình thức tổ chức, hai ngành nghề kinh doanh hoàn toàn khác nhau. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền cho phép; cơ sở này phải hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thời gian cấp phép hoạt động đối với một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói chung và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng theo quy định tại điều 47 của Luật khám bệnh, chữa bệnh là 90 ngày, kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
-
Xin chuyên gia Sở Y tế hướng dẫn cho chúng tôi các dấu hiệu nhận biết một cơ sở thẩm mỹ được cấp phép phẫu thuật?
(Ngọc Anh, 30 tuổi, Hà Nội)Đại diện Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Nhị Hà:
Với một cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Về dấu hiệu nhận biết, bạn có thể quan sát bên ngoài cơ sở xem cơ sở đó có đầy đủ biển hiệu theo quy định của ngành Y tế. Trên biển hiệu phải thể hiện những nội dung như tên cơ sở, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, địa chỉ, giờ làm việc, ngày làm việc trong tuần và đặc biệt phải có số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở chỉ được phép treo biển hiệu có đầy đủ các thông tin và chỉ được phép hoạt động khi có giấy phép hoạt động.
Hiện Sở Y tế đã công khai danh sách toàn bộ các cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội tại website của Sở. Bạn có thể vào trang thông tin này để biết được danh sách cụ thể.
-
Chào cô Hà, cô có thể cung cấp giúp chúng cháu danh sách đầy đủ các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện tại Bệnh viện không? Cô cho cháu hỏi, có phải vào bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể làm được không?
(Ngọc Quyên, 19 tuổi, Hà Nội)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Tôi thấy đây là câu hỏi được rất nhiều bạn đọc quan tâm và cá nhân tôi cũng mong muốn được thông tin đầy đủ cho bạn đọc danh sách các cơ sở thẩm mỹ đã được cấp phép trên địa bàn Hà Nội. Bạn đọc vui lòng vào trang web của Sở Y tế Hà Nội để tham khảo danh sách các cơ sở này.
Một lần nữa tôi xin khẳng định không phải bất kỳ bệnh viện nào cũng được thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh, chỉ có bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ này.
-
Chào chị Hà, chị có thể cho độc giả chúng tôi biết hiện có những loại hình thẩm mỹ nào trên thị trường hiện nay và do đơn vị nào quản lý không? Nếu phát hiện sai phạm ở những thẩm mỹ viện này thì phải báo cho ai? Và quy trình thủ tục báo cáo sai phạm như thế nào để cơ quan chức năng biết mà can thiệp? Cơ quan chức năng có đường dây nóng để chúng tôi báo cho cơ quan không?
(Nguyễn Văn Nghĩa, 37 tuổi, Hà Nội)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Hiện nay, có hai loại hình thẩm mỹ đó là thẩm mỹ không xâm lấn, không chảy máu như các cơ sở spa, massage mặt, massage body, cơ sở chăm sóc da... Các cơ sở này khi hoạt động phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Loại hình thứ hai là thẩm mỹ có xấm lấn, gây chảy máu (các kỹ thuật thẩm mỹ này phải được thực hiện ở các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện) và bắt buộc phải được cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Khi phát hiện sai phạm tại các cơ sở thẩm mỹ nói chung và các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật nói riêng ví dụ như những sai phạm về hoạt động quá phạm vi, hoạt động không phép, hoạt động vi phạm quy chế chuyên môn thì người dân có thể phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của Sở Y tế, thông báo với chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, trạm y tế xã, phường hoặc Ủy ban nhân dân, phòng y tế các quận, huyện nơi cơ sở hành nghề đóng trên địa bàn) để cơ quan chức năng kịp thời xác minh thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thực hiện chỉ thi 09/2013/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, Sở Y tế Hà Nội đã công khai số điện thoại đường dây nóng là 04 3998 5765 để người dân dễ dàng phản ánh thông tin về hoạt động của cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn.
-
Mắt em bị mí lót (nếu nhìn xuống thì thấy 2 mí mà nhìn lên chỉ thấy 1 mí) nên phẫu thuật thế nào cho 2 mí rõ đẹp tự nhiên? Phẫu thuật có đau lắm không? Mắt có bị sưng không? Và phải nghỉ ngơi bao lâu để có thể đi làm lại (em làm công vệc văn phòng) Nếu được thì phẫu thuật 2 mí ở đâu là an toàn nhất?.
(Nhi, 31 tuổi, TP.HCM)
Mong nhận được sự tư vấn.
Cám ơn!Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Bạn nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng mí lót của bạn, có thể tạo hai mí rõ cho tình trạng của bạn bằng phương pháp nhấn mí hay phẫu thuật cắt da thừa và tạo nếp mí. Đây chỉ là một tiểu phẫu nhỏ nên có thể thực hiện tại các phòng khám có giấy phép hay các khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại các bệnh viện. Phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt thường gây sưng nề trong 7-10 ngày đầu, sau 5 ngày thì cắt chỉ bạn có thể đi làm bình thường. Với phương pháp nhấn mí, thời gian sưng mí ít hơn và bình phục nhanh hơn. Tuy nhiên để đánh giá chính xác kết quả phẫu thuật thì thường sau 2 tháng.
Bác sĩ cho tôi hỏi nếu nâng mũi bây giờ thì tết này còn sưng và dễ bị phát hiện nâng mũi hay không? Có để lại sẹo không? (Phạm Hải Anh, Hà Nội)
Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Có 2 phương pháp chính để nâng cao sống mũi
1. Nâng mũi bằng tiêm các chất làm đầy: Bằng phương pháp này, bạn có thể thấy được ngay form mũi của mình mà hầu như không gây sưng nề, bấm tím sau điều trị. Tiêm các chất làm đầy cũng có thể giúp nâng cao đầu mũi, thu gọn cánh mũi một cách tự nhiên.
2. Phẫu thuật nâng mũi ( mổ kín hay mổ mở) sẽ gây sung nề kéo dài 7-10 ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên sau 1 tháng thì hầu hết các trường hợp không còn sung nề. Phẫu thuật thì sẽ để lại sẹo, tuy nhiên bạn khó có thể phát hiện ra sẹo vì được dấu kín trong lỗ mũi.
Dáng mũi đẹp tự nhiên hay thô, lộ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và sự khéo tay của Bác sĩ.
-
Tôi là người Việt sinh sống ở Đức, dự định Tết về thăm người thân và làm thẩm mỹ luôn vùng bụng và chỉnh sửa mũi. Là đại diện cơ quan chức năng, xin cô Hà cho tôi một số lời khuyên về việc này
(Trang Trần, 29 tuổi, Catholics, Germany)Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Đối với việc phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa mũi, độc giả có thể thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, còn đối với việc thẩm mỹ vùng bụng chúng tôi khuyến cáo độc giả nên thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, trước khi làm phẫu thuật bạn nên tìm hiểu kỹ những tác dụng mong muốn và không mong muốn trong việc phẫu thuật thẩm mỹ.