"Bão" Covid-19 hoành hành toàn cầu suốt hai năm qua khiến hơn 260 triệu người nhiễm nCoV, 5,2 triệu người tử vong và đảo lộn cuộc sống. Vô số trường hợp thất nghiệp, không đủ chi tiêu, khó đáp ứng nhu cầu cơ bản thường nhật và ảnh hưởng tâm lý...
Trải qua bốn đợt dịch, tổng số ca nhiễm nCoV tại Việt Nam vượt quá 1,1 triệu người, trong đó hơn 25.000 người tử vong. Trong bối cảnh ấy, khỏe mạnh là một trong những ưu tiên, mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Từ đầu tháng 10, nhiều tỉnh, thành nới lỏng giãn cách mở, doanh nghiệp tái sản xuất, các hoạt động dần trở lại nhộn nhịp trong bình thường mới. Người dân được khuyến cáo nhanh chóng tiêm vaccine, nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, cố gắng tuân thủ tối đa nguyên tắc 5K, không chủ quan. Những người vì lý do sức khỏe chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, nhất là người tuổi cao, có bệnh nền, béo phì dù đã tiêm vaccine... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Sau thời gian thích ứng với Covid-19, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... như Tây Ninh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Vĩnh Long siết các hoạt động, dịch vụ khi ca nhiễm cộng đồng tăng mạnh. Hiện mỗi ngày cả nước ghi nhận 9.000-10.000 ca nCoV mới. Thực tế, lượng F0 tăng cao gần đây nằm trong dự đoán của giới chức y tế.
Tuy nhiên, Việt Nam và toàn cầu đang đối mặt nhiều nỗi lo khi biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. WHO hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.
Omicron có tới hơn 50 đột biến, trong đó ít nhất 32 đột biến nằm trên protein gai, bộ phận giúp virus bám dính và xâm nhập tế bào của người, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dễ dàng và thậm chí né miễn dịch. Tuy nhiên, WHO cho hay vẫn chưa thể chắc chắn về các đặc tính của biến chủng này.
Theo cơ quan y tế công cộng Liên minh châu Âu, tính đến ngày 30/11, Omicron đã lan đến 20 quốc gia, 13 trong số đó thuộc EU. Hong Kong, Thuỵ Điển, Israel, Anh, Italy, Canada, Bỉ và Hà Lan đều ráo riết truy tìm các ca nhiễm đầu tiên thông qua các mẫu bệnh phẩm thu thập trong khoảng thời gian trước khi Nam Phi báo cáo.
Bộ Y tế tối 28/11 cho biết Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với chủng Omicron, song đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ nam châu Phi. Hệ thống giám sát dịch tại Việt Nam tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Làm thế nào để người dân nâng cao sức khỏe để sống chung với Covid-19 là băn khoăn của đại đa số người dân lúc này. Trước các diễn biến mới của dịch, VnExpress tổ chức buổi tư vấn với chủ đề "Nâng cao sức khỏe để sống chung với đại dịch", lúc 11h ngày 4/12.
Khách mời sự kiện là bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM; bà Lê Ngọc Thu Trang - CEO Công ty TNHH Ong Mật Tracybee.
Bác sĩ sẽ giải đáp lý do Covid-19 lại dễ lây lan, cơ chế hoạt động của nó thế nào và chốt chặn cuối cùng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus; sự nguy hiểm của biến chủng Omicron; những lưu ý bảo vệ sức khỏe thời dịch, tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Khanh cũng nói về khả năng nhiễm bệnh và lây bệnh của người đã chích ngừa hai mũi; Học sinh, sinh viên sắp quay trở lại trường học cần lưu ý gì, nhất là các bé dưới 12 tuổi chưa được chích ngừa? Chế độ ăn uống thế nào có thể đảm bảo nâng cao sức đề kháng?
Độc giả đặt câu hỏi tại đây.
VnExpress