-
Xin hỏi cách giúp giao dịch online an toàn
(Phạm Văn Mách, 30 tuổi, TP HCM)Bà Bùi Thanh Hằng:
Cách nhanh nhất để bạn "tự tin" click mua hàng online, theo tôi website bạn mua hàng cần đáp ứng được hai yếu tố sau:
1. Tham gia mua hàng tại những website có chứng nhận đảm bảo, uy tín của một bên thứ 3 là Tổ chức nhãn uy tín, ví dụ SafeWeb để đảm bảo sự tương thích hàng bạn nhận được và sản phẩm rao bán trên website cũng như đảm bảo các quyền lợi khác của người tiêu dùng, ví dụ như quyền được bảo vệ thông tin cá nhân mà bạn đã lưu lại trong suốt quá trình giao dịch trực tuyến hay được giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
2. Tham gia mua hàng tại những website có cơ chế bảo hiểm khoản tiền mà bạn phải trả cho sản phẩm đó khi có rủi ro xảy ra.
-
Cho tôi hỏi, nhà nước có chính sách gì để ngăn chặn những trang web bán hàng online xấu, có biện pháp gì mạnh tay để phạt những trang web này?
(Nguyễn Văn Minh, 34 tuổi, Quận 5-Tphcm)Bà Bùi Thanh Hằng:
Theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bắt buộc phải tiến hành thủ tục hành chính thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương tại địa chỉ www.online.gov.vn. Tại đó, các bạn có thể truy cứu danh sách các website thương mại điện tử đã tiến hành thông báo và hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương. Đây là những website thương mại điện tử và cung ứng dịch vụ thương mại điện tử đáp ứng được những quy định tối thiểu về thông tin website, cách thức kinh doanh theo quy định của Nghị định 52.
Đồng thời, trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng công bố danh sách các website thương mại điện tử vi phạm pháp luật. Đây sẽ là nguồn thông tin chính thống giúp người tiêu dùng tham khảo trước khi ra quyết định mua hàng ở một website nào đó. Các hành vi vi phạm sẽ được xử phạt theo Nghị định xử phạt hành chính.
Bà Bùi Thanh Hằng
-
Cho hỏi vấn đề pháp lý khi xảy ra sự cố, hiện tại vài vụ gần đây mình thấy người dùng bị thiêt hại là chính? Xin cảm ơn
(Khắc Cường, 30 tuổi, Sài Gòn)Bà Bùi Thanh Hằng:
Tổ chức nhãn uy tín được coi là điểm tựa của người tiêu dùng trong suốt quá trình mua hàng trực tuyến. Đây sẽ là tổ chức trung gian nhận khiếu kiện và đi cùng người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng trên những website được gắn nhãn uy tín như SafeWeb của Việt Nam, Truste của Mỹ...
Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử hay Thông tư 12/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ra đời là cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn về website thương mại điện tử bán hàng và website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử hợp pháp.
-
Thưa bà Hằng, hiện nay rất nhiều người mua hàng trực tuyến trên mạng. Khi mua hàng nhiều nơi bắt phải thanh toán tiền trước, sau đó mới gửi hàng. Nhưng tiền đã gửi rồi mà hàng không nhận được. Vậy người tiêu dùng làm gì để đảm bảo rằng hàng đã mua thì sẽ tới tay mình?
(Pham Thi Hoa, 30 tuổi, Sài Gòn)Bà Bùi Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin:
Theo tôi, trước khi click mua hàng thì bạn cần lưu ý những thông tin hiển thị trên website như sau:
Thứ nhất là thông tin về chủ sở hữu website hay người bán có đúng hay không. Thứ 2 là mọi thông tin về sản phẩm như kích cỡ, màu sắc, chất lượng, giá cả... có được công bố hay không. Thứ 3 là các quy trình mua hàng, chính sách thanh toán, giao hàng, bảo hành, đổi hàng, giải quyết khiếu nại khiếu kiện có được quy định một cách dễ hiểu, dễ thao tác, hợp lý và hợp pháp hay không.
Cách nhanh nhất để bạn yên tâm website đáp ứng được đầy đủ thông tin như trên là tìm hiểu xem website đó có được dán nhãn SafeWeb (hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử Việt Nam) hay không. Nhãn SafeWeb chính là chủ thể thứ ba thẩm định những yếu tố trên một cách khách quan nhất căn cứ theo 5 nguyên tắc hoạt động của nhãn này (bao gồm: xây dựng niềm tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thực hiện giao kết hợp đồng, quảng cáo trung thực, giải quyết khiếu nại).
-
Xin tư vấn giúp cách: Kiểm tra đường link trang web bán hàng để tránh bị lừa khi giao dịch online. Xin cảm ơn?
(Phú Khánh, 23 tuổi, Nha Trang)Bà Bùi Thanh Hằng:
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các website thương mại điện tử phải công bố rõ ràng về thông tin chủ thể website bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, email, hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác, giấy phép đăng ký kinh doanh, số ngày cấp. Đây có thể là một cách giúp người tiêu dùng xác định về "nhân thân" của website đó.
-
Có một số website trong nước ghi: "Được chứng nhận giao dịch an toàn bởi SafeWeb". Vậy SafeWeb là gì và nó là của công ty tư nhân hay tổ chức nào?
(Trần Mạnh Tuấn, 35 tuổi, TP HCM)Bà Bùi Thanh Hằng:
SafeWeb là Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.safeweb.vn do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương triển khai nhằm thẩm định, đánh giá đối tượng gồm: website thương mại điện tử B2C, sàn giao dịch thương mại điện tử và nhóm mua. Như tôi đã đề cập ở trên, tất cả các website gắn nhãn SafeWeb đều được đã thẩm định đảm bảo 5 nguyên tắc sau:
1. Xây dựng niềm tin: đảm bảo các chủ thể website công bố đầy đủ thông tin trung thực và website đã hoạt động được ít nhất 12 tháng.
2. Bảo vệ thông tin cá nhân: mọi thông tin cá nhân của khách hàng khai báo trong suốt quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến đều được bảo mật và không tiết lộ cho bên thứ 3.
3. Thực hiện giao kết hợp đồng: mọi chính sách từ quy trình mua hàng, thanh toán, giao hàng, bảo hành, đổi hàng đều phải được nêu rõ theo các quy định của SafeWeb.
4. Quảng cáo trung thực: mọi thông tin của chương trình quảng cáo, khuyến mại đều được hiển thị rõ ràng, đầy đủ như số lượng, giá cả chi tiết, giới hạn địa lý nếu có, v.v...
5. Giải quyết khiếu nại: mọi website phải có chính cách giải quyết khiếu nại, khiếu kiện cho khách hàng trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Mục tiêu cao nhất mà SafeWeb hướng tới là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử Việt Nam.
-
Xin cho hỏi có nên trả tiền trực tiếp vào tài khoản của người bán hay sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của bên thứ ba, nếu dùng nhà cung cấp dịch vụ thì người dùng có tốn chi phí hay không?
(Minh Nhật, 40 tuổi, Ninh Thuận)Ông Nguyễn Hòa Bình:
Sau khi bạn đã trả tiền thanh toán vào tài khoản của người bán thì rất phụ thuộc vào "lòng tốt" của họ có chuyển hàng cho bạn hay không. Và nếu họ không chuyển hàng hoặc chuyển hàng không đúng mô tả thì bạn sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian để theo đuổi vụ kiện. Nhiều khả năng, bạn là người chịu thiệt hại vì một khi tiền đã vào tài khoản của người bán thì rất khó để có thể đòi lại được.
Chính vì vậy, các hệ thống trung gian thanh toán ví điện tử được thiết kế để bảo vệ người mua với hình thức thanh toán tạm giữ và gắn nhãn tín nhiệm chứng thực uy tín website bán hàng. Người mua hàng sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào khi sử dụng các hình thức thanh toán an toàn này. Tuy nhiên, sẽ vẫn rất rủi ro nếu bạn thanh toán qua các cổng thanh toán hoặc ví điện tử chưa được nhà nước cấp phép.
Ông Nguyễn Hòa Bình
-
Qua 2 trường hợp khách hàng bị mất tiền sau khi bị mất sim điện thoại gần đây, theo ông thì với một quy trình giao dịch và thanh toán mà khách hàng chỉ cần nhập số thẻ, tên chủ thẻ và ngày hiệu lực thẻ, sau đó nhận mật khẩu OTP qua số di động là đã có thể thực hiện giao dịch thì có quá đơn giản và nhiều kẽ hở?
(Trần Phùng Tuấn, 29 tuổi, Vinh)Ông Nguyễn Hòa Bình:
Như trong sự cố mà bạn đề cập, trước hết phải thông báo với bạn rằng: nghi phạm đã bị bắt giữ. Điều đó khẳng định rằng đối với tội phạm trên mạng, mọi dấu vết và chứng cứ đều được lưu trữ và có thể truy cứu. Vì vậy, bạn hãy yên tâm là cho dù bất kỳ sự cố nào xảy ra thì vẫn có thể được làm rõ.
Với trường hợp cụ thể mà bạn nêu, đúng là quy trình giao dịch thanh toán trực tuyến của ngân hàng mà chủ thẻ sử dụng có điểm tiện lợi hơn so với các ngân hàng khác khi bỏ qua bước nhập user name/password Internet banking. Tuy nhiên, theo tôi, sự cố này đến từ một chuỗi các nguyên nhân (từ chủ thẻ, quy trình giao dịch thanh toán, quy trình cấp lại sim của nhà mạng...), chứ không của riêng ai.
Nếu nhìn vào quy trình giao dịch thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế thì sự "tiện lợi" còn lớn hơn khi người mua chỉ cần nhập thông tin thẻ và mã bảo mật, thậm chí không có OTP. Kinh nghiệm bảo mật của các hệ thống thanh toán trực tuyến lớn trên thế giới như Paypal thì cho phép chủ thẻ liên kết thẻ nội địa và quốc tế của mình vào một ví điện tử để thanh toán. Nhờ vậy, giao dịch sẽ trở nên an toàn hơn nhiều, do người mua dùng ví điện tử để giao dịch với người bán, chứ không dùng trực tiếp thẻ.
Hiện nay tại Việt Nam, ví điện tử do người Việt Nam phát triển được Ngân hàng Nhà nước cấp phép như nganluong.vn cũng đã thực hiện được chức năng trên cho thẻ quốc tế và đang hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước triển khai công nghệ này.
-
Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều tra và xử lý loại tội phạm công nghệ cao?
(Nguyễn Quỳnh Anh, 30 tuổi, TP HCM)Ông Lê Minh Loan:
Tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp và đa dạng về thủ đoạn, trong quá trình phát hiện, xác minh, điều tra gặp phải một số khó khăn như:
- Thu thập thông tin về người bị hại: Tội phạm sử dụng công nghệ cao thường lừa đảo nhiều người nhưng số tiền bị mất cũng nhiều. Ngoài ra, người bị hại và tội phạm thường giao dịch trên Internet nên không biết nhau hoặc nhiều người ngại hoặc không biết đến đâu để tố giác. Do đó, việc tìm, xác định người bị hại rất khó.
- Chứng cứ thu thập của các vụ án đối với loại tội phạm này thường là chứng cứ điện tử nên việc thu thập, phục hồi, phân tích gặp rất nhiều khó khăn, phải đảm bảo toàn vẹn dữ liệu nên việc điều tra đòi hỏi phải bí mật, tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, quy định về pháp luật.
- Đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này thường là những người có hiểu biết, trình độ tin học. Do vậy đây cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.
- Đối tượng phạm tội hoạt động theo nhóm có sự móc nối với các đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố và các quốc gia, do đó đòi hỏi công tác điều tra phải có sự phối hợp với lực lượng chuyên trách của cảnh sát các nước...
-
Ngân lượng đã từng phát hiện các trường hợp lừa đảo khách hàng khi mua hàng trực tuyến chưa? Và cách giải quyết của Ngân lượng là gì khi gặp trường hợp như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dùng?
(Hoài Nam, 40 tuổi, Đà Lạt)Ông Nguyễn Hòa Bình:
Thực tế trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2009 đến nay, với chức năng thanh toán tạm giữ và bộ máy theo dõi và quản lý giao dịch thường xuyên để bảo vệ người mua thì rất ít có sự cố xảy ra, mặc dù mỗi năm có hàng triệu giao dịch được lưu chuyển qua hệ thống này. Tuy nhiên, cũng có một vài đối tượng lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để chuyển tiền cho chúng qua ví điện tử ngân lượng. Với những trường hợp này, nganluong.vn đã hướng dẫn cho người bị hại thực hiện các thủ tục pháp lý để ngân lượng phối hợp với các cơ quan pháp luật để đưa thủ phạm ra ánh sáng, Thực tế, ngân lượng đã nhiều lần phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao công an Hà Nội (PC50) bắt giữ và khởi tố một số đối tượng như vậy trong các năm qua. Bạn có thể tìm thấy những thông tin này trên báo chí.
Ông Nguyễn Hòa Bình