*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*
Buổi tư vấn trực tuyến diễn ra tại tòa soạn VnExpress với sự tham gia của ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế; Thầy thuốc Nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA về Giới và Nhân quyền. Các chuyên gia sẽ bàn về tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, những lệ lụy trong tương lai, giải pháp khắc phục.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ, tiếp tục tăng nhanh. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này ở mức sinh học tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam một phần do định kiến trọng nam hơn nữ. Từ khi y học phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều cặp vợ chồng chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình. Mất cân bằng giới tính khi sinh về lâu dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như: thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm với trẻ gái, các em bỏ học lập gia đình, gia tăng vấn nạn mại dâm, tình trạng buôn bán phụ nữ. Tình trạng này cũng ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới ở độ tuổi kết hôn trong xã hội.
Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách. Theo đó, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh, quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay vẫn còn cao.
Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế, loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi, đối tượng ưu tiên tuyên truyền là phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ những người đã có 2 con một bề là con gái; có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có một con gái hoặc 2 con gái; nêu cao vai trò, những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay; ứng dụng những hình thức xử phạt thực sự có hiệu quả để răn đe mọi hành vi tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn, xác định giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững. Do vậy, các bộ ngành đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện tốt cân bằng giới tính.
Những thắc mắc xung quanh mất cân bằng giới tính khi sinh, những lệ lụy của tình trạng này trong tương lai, giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế; Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA về Giới và Nhân quyền sẽ giải đáp với độc giả tại VnExpress lúc 14h ngày 6/10, sự kiện hướng tới hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10.
Ngọc Thi