-
Em bé nhà em được 9 tháng, ăn vào hay bị ói, uống sữa mà lật cũng dễ bị ói ra. Bác sĩ tư vấn giúp em.
(Ho Van Hiep, 25 tuổi)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Bé nhà bạn có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Lứa tuổi thường gặp là từ lúc mới sinh đến một tuổi. Trẻ hay nôn trớ sau khi bú, khi ho, khi vặn mình... Phần lớn các trường hợp sẽ tự khỏi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Những bé nào trên 18 tháng mà vẫn còn nôn trớ thường xuyên là bất thường và cần đi khám chuyên khoa.
Để giảm nôn trớ cho bé nhà mình, bạn nên vỗ lưng cho bé ợ hơi sau khi bú, cho trẻ nằm đầu cao khi ngủ. Giảm dần lượng sữa, tăng dần lượng thức ăn đặc như bột, cháo. Hiện tại cũng có một số loại sữa dành riêng cho các bé dễ nôn trớ, bạn có thể hỏi ý kiến thêm ở các bác sĩ chuyên khoa.
-
Con tôi khi ăn no thường bị trào ngược dạ dày. Hiện nay bé 7tuổi nhưng vẫn hay bị. Có cách trị hay bệnh viện nào trị. Xin tư vấn
(nguyen phuc chanh, 34 tuổi)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn!
Bé nhà bạn đã 7 tuổi nhưng vẫn còn thường bị trào ngược sau ăn no, như vậy là không bình thường. Nếu tình trạng trào ngược kéo dài, có thể đưa đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như viêm thực quản, ho kéo dài, viêm mũi xoan, suy dinh dưỡng...
Bạn có thể đưa cháu đến các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để thăm khám. Nếu ở TP HCM, bạn có thể đến Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2.
Mong bé sớm được chữa trị hiệu quả.
-
Con em 14 tháng, thường xuyên đi phân rắn (tự bé rất ít đi ngoài). Phải làm sao bác sĩ ơi. Cháu đã uống nhiều nước, ăn sữa chua 4 hộp 100 gr mỗi tuần, chế độ ăn nhiều rau quả.
(Nguyễn Thu Hiền)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Tình trạng con của bạn bị táo bón. Đây là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ. Táo bón kéo dài sẽ gây căng thẳng cho gia đình và ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng và tâm lý của bé.
Bạn đã hiểu và cố gắng cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều rau quả là một điều rất tốt. Tuy nhiên, việc điều trị táo bón cần phải phối hợp nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ như bé nên được tập đi tiêu mỗi ngày, vận động nhiều, kết hợp mát xa bụng và đôi khi phải có sự hỗ trợ của một số thuốc nhuận trường. Ở lứa tuổi này, việc ăn rau quả cũng chưa được nhiều, nên bạn có thể chọn các loại sữa có nhiều chất xơ hoặc có những thành phần giúp phân trẻ mềm, dễ đi tiêu.
-
Bé nhà em hay đau bụng nhiều lần trong ngày thì có sao không thưa bác sĩ?
(nguyên thi loan)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Chào Loan, tiếc là thông tin trong câu hỏi của em quá ít để có thể đưa ra một tư vấn cụ thể. Tùy vào lứa tuổi, cơ địa, tiền căn bản thân và gia đình mà có rất nhiều nguyên nhân có thể làm cho bé đau bụng. Những nguyên nhân thường gặp có thể là ăn không tiêu, dị ứng thức ăn, các bệnh lý giun sán, dạ dày, táo bón... Ngoài ra, các nguyên nhân khác về tâm lý cũng có thể làm cho bé đau bụng. Ngày nay, người ta nhận thấy, hệ tiêu hóa và não bộ có liên hệ mật thiết với nhau, nên những thay đổi về tâm lý cũng có thể làm bé đau bụng.
Chị nên cho bé đi thăm khám chuyên khoa để các bác sĩ có thể hỏi thêm các thông tin, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết để có được chẩn đoán chính xác.
-
Đường tiêu hóa ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và cân nặng của trẻ ạ?
(Nguyễn Gia Minh)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Xin có lời khen về câu hỏi thú vị của bạn. Các cơ quan trong cơ thể đều có những chức năng quan trọng riêng của mình. Riêng về hệ tiêu hóa có 4 chức năng sau: tiêu hóa, hấp thu, bài tiết và chống độc.
Hệ tiêu hóa giống như "bình xăng" của một chiếc xe, là nơi cung cấp nhiên liệu để chiếc xe vận hành. Khi hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, bé sẽ ăn kém, hấp thu kém hoặc không đào thải chất cặn bã được. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bé ở thời điểm đó và cả sau này. Như vậy có thể nói hệ tiêu hóa là nơi cung cấp toàn bộ năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy ở những bé bị bệnh lý đường tiêu hóa thì sự phát triển về thể chất và cả tinh thần đều có thể bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng và ảnh hưởng đến cả khả năng học tập sau này.
-
Cháu nhà tôi thường xuyên ôm bụng kêu khó chịu và đau bụng sau khi uống sữa xong. Như vậy là cháu có bị gì không? Tôi có đưa cháu đi khám nhưng kết quả vẫn bình thường. Xin cám ơn bác sĩ.
(Phú Ninh)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn! Câu hỏi của bạn cũng chính là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm. Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng trên, nhưng nếu cháu đã đi khám mà kết quả vẫn bình thường thì có thể cháu bị bất dung nạp đường lactose. Đây là một loại đường có nhiều trong sữa. Phần lớn trẻ em có thể tiêu hóa tốt loại đường này. Tuy nhiên, một số trẻ do thiếu men hoặc sau khi bị bệnh lý đường tiêu hóa sẽ không tiêu hóa được loại đường này, dẫn đến đau bụng, mắc đi cầu và có thể đi tiêu lỏng sau khi uống sữa. Người châu Á chúng ta, đặc biệt là người lớn, có cơ địa dễ bị bệnh này. Cách khắc phục là bạn chọn cho bé các loại sữa ít hoặc không có đường lactose.
-
Thưa bác sĩ, con tôi được hai tháng tuổi rồi mà cháu vẫn đi ngoài nhiều lần trong ngày rồi cháu hay són ít một khi xì hơi như thế hệ tiêu hóa của cháu có làm sao không ạ. Mong bác sĩ tư vấn.
(lê thị thúy hằng)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Hằng mến!
Cháu bé 2 tháng tuổi còn rất nhỏ, hệ tiêu hóa và các bộ phận khác của cơ thể vẫn còn trong giai đọan thích nghi với cuộc sống ngoài bụng mẹ. Ở tuổi này, bé có thể đi cầu 5-8 lần mỗi ngày, phân có thể lợn cợn hoa cà, hoa cải. Điều quan trọng là bé vẫn bú tốt, ngủ ngon, tăng cân. Khi bé lớn lên, nhất là sau 6 tháng, số lần đi cầu sẽ giảm dần, phân sẽ sệt dần hoặc thành khuôn.
Chúc bé của Hằng mau ăn chóng lớn nhé!
-
Xin bác sĩ hãy chia sẻ các biện pháp giải quyết tận gốc rối loạn tiêu hóa cho trẻ? Con em được 4 tuổi rồi nhưng đường ruột rất yếu, chỉ cần ăn món gì lạnh là sẽ bị rối loạn tiêu hóa thôi. Cám ơn bác sĩ
(Lê Thị Yến)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Yến mến!
Rõ ràng bệnh lý ở đường tiêu hóa trên các bé sẽ gây nhiều phiền toái và lo lắng cho các bậc phụ huynh. Lứa tuổi càng nhỏ, hê tiêu hóa chưa trưởng thành thì những rối loạn tiêu hóa lại càng dễ xảy ra. Giải quyết vấn đề phải tùy từng trường hợp cụ thể vì mỗi một loại rối loạn tiêu hóa sẽ có cơ chế gây bệnh khác nhau. Chưa kể, từng cơ địa, cách ăn uống sinh hoạt cũng sẽ gây ra triệu chứng khác nhau ở từng người.
Nhìn chung, những biện pháp sau đây có thể giúp các bậc phụ huynh chăm sóc tốt cho hệ tiêu hóa của con mình:
- Ăn uống đầy đủ và đa dạng khi mang thai, tránh tiếp xúc khói thuốc lá.
- Bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng đầu đời và sau đó tiếp tục đến 2 tuổi. Nếu vì lý do nào đó không có sữa mẹ thì trao đổi với nhân viên y tế để tìm ra loại sữa phù hợp nhất cho bé.
- Ăn dặm từ 6 tháng tuổi bắt đầu từ bột ngọt lượng ít, pha loãng rồi đặc dần. Sau đó chuyển sang bột mặn. Không cần thiết phải kiêng cữ các loại thức ăn dễ dị ứng như trứng, hải sản... trong giai đoạn tập ăn dặm này.
- Đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh cá nhân như rữa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chính, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Cũng đừng quên chủng ngừa đầy đủ cho bé, nhất là các loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột.
Mến chúc các bé mạnh khỏe; các mẹ có những đứa con thật ngoan và khỏe mạnh nhé!
-
Chào bác sĩ, con trai tôi lúc sinh được 4,3 kg, hiện cháu được 10 tháng cháu cân nặng 9,3 kg. Cháu uống sữa và ăn dặm hay bị nôn oẹ, cháu hơi biếng ăn, cháu không bị táo bón, đi phân bị thường. Xin hỏi bác sĩ làm sao để cháu hết bị nôn oẹ và ăn ngon miệng? Cảm ơn bác sĩ!
(Đào Thanh, 33 tuổi)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội nhi Tiêu hóa Việt Nam:
Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn!
Cân nặng của bé so với tuổi như vậy là tốt. Ở lứa tuổi này thì nôn trớ là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp. Tuy nhiên, may mắn phần lớn chỉ là thoáng qua, tự hết và không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của bé. Để giúp bé giảm nôn ọe và ăn ngon miệng, bạn nên chia các bữa ăn thành nhiều cử nhỏ, dùng thức ăn mềm, dễ tiêu, trang trí bắt mắt.
Bạn nên ưu tiên cho bé dùng sữa và cháo vì đây là 2 nhóm thức ăn phù hợp với lứa tuổi này.
-
Trẻ em dưới 10 tuổi có cần xét nghiệm ecoly gây ung thư bao tử không thưa bác sĩ? Cảm ơn.
(lê văn tường quân, 36 tuổi)TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn!
Có lẽ ý bạn là nhắc đến con vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn này có thể trú trong dạ dày của chúng ta. Phần lớn sống chung "hòa bình", nhưng đôi khi nó có thể gây ra loét dạ dày, tá tràng hoặc thậm chí ung thư dạ dày như bạn nói (tỷ lệ rất thấp).
Tuy nhiên, ở trẻ em, khả năng HP gây ra những chuyện như trên thấp hơn người lớn rất nhiều. Ở trẻ em, không nên tự xét nghiệm HP, mà chỉ nên làm khi có chỉ định của bác sĩ.