-
Bác sĩ cho em hỏi nhìn vào dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị đau bụng?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1:
Chào bạn!
Tùy theo lứa tuổi mà trẻ có biểu hiện đau bụng khác nhau, đôi lúc trẻ đầy bụng nhưng diễn tả thành đau bụng. Nếu trẻ cho biết mình đau ở vùng dưới xương ức thì đó là biểu hiện của đau bụng vùng thượng vị, còn những vùng khác thường kèm theo tiêu chảy hay nôn ói.
Trẻ nhỏ không biết nói thì có thể có những cơn khóc thét, kèm gồng cứng cơ bụng, đôi khi co hai chân gập về phía bụng hoặc đi lom khom. Đây là những dấu hiệu các mẹ nên lưu ý vì có thể bé bị đau.
Tuy nhiên, trong thực tế, có một số trường hợp trẻ lớn vì không muốn đi học nên cũng lấy lý do đau bụng để khỏi phải đến trường.
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến "cách nhận biết và xử lý đau ở trẻ em"
-
Xin chào bác sĩ. Con em là bé trai, cháu được 21 tháng 10 ngày, cân nặng: 13kg, cao: 85cm. Không hiểu vì sức đề kháng của cháu yếu hay sao mà cháu rất hay đau, chủ yếu là các bệnh liên quan về hô hấp (viêm họng cấp, viêm thanh quản cấp...). Cháu chưa nói rõ, chỉ nói gió thôi cho nên khi cháu đau em chỉ nhận biết được qua các bệnh lý như: sốt, ho, sổ mũi, thở khò khè, cổ họng có nhiều đờm... Hiện cháu đau hơn 15 ngày rồi (đã đi khám và uống thuốc 10 ngày) mà vẫn chưa bớt. Đi khám ở Kon Tum, bác sĩ phát hiện thêm triệu chứng ở cháu nữa mà đến giờ em vẫn chưa tin được đó là cháu chậm phát triển, khuyên gia đình nên chú ý chăm sóc cháu nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng và phát triển ngôn ngữ vận động cho cháu. Em rất băn khoăn chưa hiểu rõ được bệnh tình của cháu nên em muốn nhờ các bác sĩ có thể tư vấn cho em. Em muốn tới bệnh viên mình khám để hiểu rõ hơn về bệnh tình của cháu thì em có thể tới gặp bác sĩ nào, chuyên khoa nào để có thể hiểu hơn về sự phát triển cũng như tình trạng bệnh bệnh của con em. Em xin chân thành cảm ơn.
(Hoàng Yến, 28 tuổi, Phường Duy Tân - Thành Phố Kon Tum)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Bé 21 tháng nhưng cân nặng 13 kg là dấu hiệu của chậm tăng cân. Do vậy, bạn nên chú ý về dinh dưỡng cho bé. Trẻ nhỏ thường hay mắc bệnh về hô hấp, để phòng bệnh này, bạn nên cho trẻ uống đủ nước, tránh những sinh hoạt gây giảm sức đề kháng (như: tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày, sử dụng quạt máy và máy lạnh không đúng cách), khi có điều kiện phải chích ngừa đầy đủ các loại văcxin.
Nếu trẻ đã bệnh hơn 15 ngày thì nên xem lại các sinh hoạt và tham vấn thêm với bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa hô hấp. Có khả năng trẻ bị suyễn nên bệnh hô hấp thường kéo dài.
Còn việc bé chậm phát triển vận động ngôn ngữ theo như đánh giá của bác sĩ ở Kon Tum thì bạn có thể tự kiểm tra như sau: trẻ 21 tháng phải chạy chơi được, nói thành câu. Nếu con bạn không đạt những yếu tố này thì nên khám thêm bác sĩ chuyên khoa về thần kinh nhi để đánh giá mức độ chậm phát triển và có chế độ điều trị, theo dõi thích hợp.
-
Con tôi 4 tuổi, cháu thường khó chịu và hay bảo tôi là nhức, đau chân. Tôi dẫn cháu đi kiểm tra thì không phát hiện gì cả. Vậy cháu nhà tôi bị gì vậy thưa bác sĩ? Hay chỉ là cháu khó chịu trong người và không thích vận động? Xin cám ơn
(Ngọc Lan, 28 tuổi)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Thông thường, trẻ đến tuổi phát triển chiều cao (từ sau 4 tuổi) hay than đau nhức khớp chân, bắp chân, đôi khi tới mức độ khó chịu, đòi mẹ xoa bóp chân, nhất là vào buổi tối. Tình huống này, mẹ cần cung cấp thêm sữa cho bé vì đây là một dạng đau khớp do tăng trưởng, chứ không cần uống thuốc giảm đau. Ngoài ra, có một số trường hợp trẻ bị ngứa do dị ứng nhưng không biết diễn tả nên nói là đau. Nếu là tình huống này thì bạn nên xem lại chế độ ăn cho con có gây cảm giác ngứa hoặc xổ giun cho con.
-
Thưa bác sĩ, bé nhà em được 28 tháng rất hiếu động thường chạy nhảy và hay bị té. Bé bị té úp mặt xuống, bị dập môi và chảy máu răng và răng hơi bị rung rinh. Em phải làm sao, có nên dẫn bé di khám nha sĩ không, cám ơn bác sĩ nhiều.
(Hoang quan, 23 tuổi, 163 thành thái , q10)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Trẻ hiếu động là chuyện bình thường và khả năng bị té cũng thường xuyên xảy ra. Sau khi trẻ té, tùy độ cao và tư thế té, phụ huynh nên hình dung tới khả năng vùng bị chấn thương để có xử trí hợp lý. Nếu trẻ không té cao, không đập đầu thì khả năng chấn thương sọ não là không có.
Trường hợp này, bé dập môi, chảy máu răng thì mẹ nên cầm máu bằng cách dùng băng bông sạch ép chặt nơi vùng chảy máu khoảng 5-10 phút. Nếu thấy răng bị gãy hoặc có nguy cơ gãy thì mẹ nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để bảo tồn răng. Vì theo quan niệm của y học hiện nay, răng gãy ở trẻ em vẫn phải bảo tồn (nếu được), vì nếu mất răng đó thì khả năng bị lệch của 2 răng bênh cạnh là rất cao và gây mất thẩm mỹ cho hàm răng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
-
Bé nhà em bị ngã xuống sàn nhà, em có kiểm tra bên ngoài thì không thấy có vết thương nào, nhưng bé liên tục khóc rất to, em phải làm thế nào, có nên đưa bé đi khám ngay không.cám ơn bác sĩ
(Hoàng Bích Ngọc, 27 tuổi, 271/35D thích quảng đức , quan Phú Nhuận)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Nếu trẻ khóc thét, sau đó dừng khóc và không thấy vết thương, không kèm ói hay than nhức đầu thì bạn nên theo dõi con. Khi phát hiện trẻ ói nhiều, nhức đầu, biếng chơi thì bạn cần đưa con đi khám ngay vì có khả năng bị chấn thương sọ não. Hoặc sau đó trẻ yếu, khó vận động, than đau tay, chân hoặc vùng nào khác trên cơ thể thì nên đến khám bác sĩ để phát hiện tổn thương phần mềm hay xương, khớp.
-
Chào bác sĩ, bé nhà em được 3 tuổi mới bị té u đầu được một ngày, trên trán sưng một cục to, em phải làm gì để giúp bé bớt đau và nhanh hết cục u trên đầu.
(Bap Ngo, 32 tuổi, Le quang sung, Q6)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Khi bé bị té u đầu, sưng trán thì việc làm giảm sưng nhanh không quan trọng. Điều nên làm là vệ sinh vùng sưng vì có thể bé bị trầy để tránh nhiễm trùng, sau đó dùng thuốc giảm đau và theo dõi dấu hiệu của tổn thương sọ não như: nôn ói, đau đầu ngày càng tăng, ngủ nhiều, lừ đừ...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
-
Con trai tôi được 29 tháng, hiện tại bé đang bị sốt và bị lở miệng nên không muốn ăn uống gì, tôi rất lo lắng không biết phải cho bé ăn uống như thế nào?
(Thuỳ Vi Trần, 29 tuổi, 76/23 Kha Vạn cân, phường Linh Trung, Thủ Đức)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Nếu trẻ đang sốt và có lở miệng thì điều cần làm là xem trẻ có bị tay chân miệng không. Bạn nên xem ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối của con có nổi mụn nước không. Nếu có thì chắc chắn là tay chân miệng.
Nếu là tay chân miệng thì phải có kế hoạch khám và điều trị ít nhất 7 ngày để tránh những biến chứng. Một số trường hợp tay chân miệng cũng chỉ sốt và lở miệng chứ không nổi bóng nước nơi khác. Do vậy, bé này cần đi khám bệnh để loại khỏi tay chân miệng.
Bé không phải bệnh tay chân miệng nhưng lở miệng do nhiễm trùng cũng gây sốt và bỏ ăn nên cho bé ăn nhiều bữa bằng thức ăn lỏng, không nóng, không cay, nhưng tốt nhất là đi khám bác sĩ để có điều trị hợp lý.
-
Chào bác sĩ, bé nhà em được 7,5 tháng, bé ngủ võng và bị té xuống đất, bé khóc thét một hồi sau mới nín, em rất lo lắng không biết bé có bị ảnh hưởng gì không.
(Thu Huong, 28 tuổi, 58/7 Bùi Thị Xuân , quận tân bình)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Đúng là không may cho con bạn, nhưng bạn cũng nên chú ý trẻ sau khi biết lật sẽ rất dễ bị té, chỉ một chút sơ sót là trẻ có thể bị té giường, té võng. Do đó, phụ huynh không nên nghĩ rằng bé không thể té mà bỏ đi làm việc khác rồi mới quay lại. Sau khi té, bé sẽ khóc vì đau và sợ, tuy nhiên cũng có thể bé bình thường, không có chấn thương gì nghiêm trọng. Việc quan trọng là theo dõi sau té bé có ói không, sờ xem vùng đầu có sưng không. Việc theo dõi này phải kéo dài 24 tiếng. Nếu thấy bé ói nhiều, chảy máu mũi, không còn lanh lợi thì nên mang trẻ đến bệnh viện để kiểm tra chấn thương sọ não.
-
Chào bác sĩ, bé gái nhà em được 4 tuổi, hiện đang học mẫu giáo, dạo gần đây bé hay kêu đau đầu, em có sờ đầu bé nhưng không thấy gì lạ, bé ăn ít và uể oải. Em không biết có phải bé muốn gây sự chú ý hay không, em có nên cho bé uống thuốc bổ không.
(Tiểu muội, 34 tuổi, 69/123 le van tho, quan go vap)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Khi trẻ nhỏ than đau đầu mà không có chấn thương thì có nhiều khả năng xảy ra:
- Có thể bé bị tật khúc xạ không nhìn rõ và cố gắng nhìn sẽ làm trẻ đau đầu.
- Trẻ ngủ không đủ cũng làm trẻ đau đầu và uể oải
- Nếu trẻ kèm sổ mũi kéo dài nên khám thêm tai mũi họng vì bệnh lý này cũng gây đau đầu
- Cũng có khả năng trẻ không muốn đi học nên than đau đầu
- Nếu trẻ đau đầu ngày càng nhiều kèm nôn ói thì nên đưa trẻ đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý về não.
Bạn có thể cho con uống thuốc bổ nếu thấy tình trạng dinh dưỡng không đủ.
-
Con gái em 6 tuổi, thi thoảng cháu kêu buồn bàn chân tay và cảm thấy tê nhức khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị làm sao ạ
(Minh Thư, 34 tuổi, Hà Nội)Bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Trẻ khoảng 6 tuổi rất khó diễn đạt cảm giác đau mỏi hay tê. Khi bé than buồn bàn chân và cảm giác tê nhức, khó chịu, mẹ nên quan sát thêm bé có vận động bình thường không. Nếu trẻ không có hạn chế vận động, vẫn chạy chơi bình thường thì nhiều khả năng là do đau nhức chân do tăng trưởng ở trẻ đang phát triển. Bạn nên cho trẻ bổ sung thêm sữa vì đây là thời gian trẻ cần dinh dưỡng để phát triển chiều cao.