-
Chào các bác sĩ. Xin các bác sĩ cho em hỏi các loại viêm gan và cách phòng ngừa bệnh. Xin cảm ơn!
(Phuong, 30 tuổi, TP HCM)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc:
- Chào em! Cảm ơn em đã tham gia chương trình.
Hiện nay có nhiều virus gây viêm gan trong đó, phải kể tới các virus viêm gan A, B, C, D, E và GB... đã được biết đến và có thể chia làm 2 loại đường lây chính: máu và đường tiêu hóa.
Việc phòng ngừa bệnh phải dựa vào cụ thể từng loại virus mới đạt được hiệu quả. Nhóm virus gây chủ yếu qua đường máu như virus viêm gan B, C, D, GB phải được phòng ngừa bằng các biện pháp phòng tránh bệnh lây theo đường máu như an toàn truyền máu, tránh các thủ thuật xâm nhập không vô trùng và dự phòng việc lây từ mẹ sang con. Nhóm gây theo đường tiêu hóa (A và E) nên phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hóa như ăn uống đảm bảo vệ sinh và an toàn. Một số virus đã có vacxin thì nên tiêm dự phòng.
-
Chào các vị khách mời. Cho cháu hỏi thế nào là bệnh viêm gan virus ạ? Cách nhận biết ra sao? Cháu cảm ơn!
(Kim Chi, 30 tuổi, Hà Nội)Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Mùi:
Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm do các virus có hướng tính gan gây ra. Hiện nay, người ta đã tìm ra 7 loại virus viêm gan: A, B,C, D, E, G, TT.
Nhiễm virus viêm gan có thể dẫn đến nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau từ người mang virus mãn tính không triệu chứng đến viêm gan virus cấp, viêm gan virus mãn tính và hậu quả để lại có thể là tới xơ gan, ung thư gan nguyên phát. Để nhận biết bệnh viêm gan virus chỉ có thể ở những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như: mệt mỏi, đau tức vùng hạ sườn phải, chán ăn, buồn nôn, vàng mắt vàng da... Tuy nhiên, đa số trường hợp viêm gan virus là không có triệu chứng đặc biệt với các bệnh nhân viêm gan mạn tính do virus B, C gây ra. Do vậy, việc chẩn đoán được phát hiện qua xét nghiệm tìm các dấu ấn của virus viêm gan và các xét nghiệm khác.
Tôi đi thử máu có kết quả dương tính HBsAg, bác sĩ cho tôi hỏi như vậy là bị thế nào, có nguy hiểm không? Tôi xin cảm ơn. ( Trần Huy Hùng, 43 tuổi, Hà Nội)
- Giáo sư tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành: HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Một người thử máu thấy HBsAg dương tính tức là người đó đang bị nhiễm virus viêm gan B. Đa số người bị nhiễm virút viêm gan B sẽ có được đáp ứng miễn dịch bảo vệ, tức là sẽ tạo được kháng thể chống HBsAg (gọi là anti-HBsAg) và loại trừ được virus viêm gan B. Người đó khi thử máu sẽ dương tính anti-HBsAg. Tuy nhiên có một số người hệ miễn dịch lại không thể tạo ra được kháng thể bảo vệ này nên thử máu lúc nào cũng dương tính với HBsAg.
Như vậy, anh đang bị nhiễm vi rút viêm gan B. Để hiểu kỹ hơn về bệnh của mình, anh cần đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa gan mật và làm thêm các xét nghiệm: xét nghiệm chức năng gan; xét nghiệm định lượng vi rút (HBV-DNA)… Các bác sỹ sẽ tư vấn chuyên sâu hơn về trường hợp của anh.
-
Kính chào bác sĩ, em phát hiện bị nhiễm virus gan B năm 14 tuổi và chưa điều trị lần nào. Gần đây, em bị đi tiêu chảy nhiều ngày, có lúc nổi từng vùng đỏ trên người. Xin bác sĩ cho biết, em cần làm các xét nghiệm nào để biết tình trạng bệnh nhiễm virus B để kịp thời điều trị. Cảm ơn các bác sĩ.
(Đào Trọng Tường, 26 tuổi, Hà Nội)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Bạn bị nhiễm virus B mạn tính. Trong thời gian gần 12 năm, nếu bạn chưa đi kiểm tra chức năng gan, dấu ấn virus, tải lượng virus thì chưa có đủ các thông tin cần thiết để chẩn đoán bệnh. Bạn có thể đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về gan mật làm các xét nghiệm như trên và siêu âm để đánh giá tình trạng gan mật của mình. Các bác sĩ sẽ áp dụng pháp đồ điều trị thích hợp. Hiện nay, có nhiều thuốc để điều trị viêm gan B, tuy nhiên có thể chia thành 3 nhóm theo mục đích điều trị:
- Các thuốc kháng virus.
- Các thuốc hỗ trợ chức năng và bảo vệ tế bào gan.
- Các thuốc kích thích điều biến miễn dịch.
Việc điều trị sẽ phải sử dụng các phác đồ phối hợp dựa trên tình trạng thực bệnh lý của bạn để đạt được mục đích:
- Đưa tổn thương gan của bạn về các giới hạn bình thường cho phép.
- Tạo ra được các kháng thể đặc hiệu để loại được virus ra ngoài.
- Phục hồi chức năng gan, giúp tái tạo tế bào gan.
Chúc bạn mau khỏi bệnh.
-
Hiện nay tôi đang bị virut viêm gan B xin được hỏi BS là có chữa khỏi không. Cách chữa nào hiệu quả nhất. Thuốc nào hiện nay có hiệu quả nhất trong điều trị viêm gan B ạ.
(Hồ Nam Bình, 32 tuổi, Hà Nội)Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:
Viêm gan B cấp thì 90% bệnh nhân tự khỏi, chỉ có 5-10% bệnh nhân viêm gan B cấp chuyển thành mãn tính. Khi đã chuyển sang mãn tính, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng tùy từng thể bệnh. Chỉ bệnh nhân viêm gan B mãn tính thể hoạt động mới cần được điều trị. Mục tiêu điều trị viêm gan virus B mãn tính hoạt động là làm ức chế sự nhân lên của virus đến mức thấp nhất (không phát hiện được, hoặc còn gọi là âm tính). Hai là ổn định chức năng của gan, bình thường hóa các enzyme (men), ngăn chặn quá trình xơ hóa và ung thư. Có thể gọi là điều trị khỏi hoàn toàn khi mất kháng nguyên HBsAg và xuất hiện anti-HBs. Tuy vậy số này là không lớn do vậy điều trị viêm gan virus B mãn tính hoạt động chỉ cần đạt được mục đích trên.
Cách điều trị: Hiện nay có hai nhóm thuốc được áp dụng điều trị đối với bệnh viêm gan virus B mãn tính hoạt động là: Interferon và các Nuclesid. Tùy theo mức độ bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân cụ thể mà có thể dùng một hoặc cả 2 loại trên. Cũng có thể dùng một hoặc 2 loại Nuclesid. Có nhiều loại thuốc Nuclesid đã được sử dụng như: Lamivudin, Adeforvir, Entecavir và Tenoforvir... Trong đó Entecavir và Tenoforvir hiện nay được coi là ít bị virus kháng nhất. Tuy vậy, để điều trị có hiệu quả, bạn cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa cụ thể.
-
Tôi phát hiện bị viêm gan B mạn được 2 năm nay. Khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ đều kiểm tra gan, xét nghiệm máu và kết luận gan hoạt động bình thường, không có biến chứng nên không kê thuốc điều trị. Xin bác sĩ cho biết tôi phải dùng thuốc gì để tiêu diệt virus viêm gan B này. Xin cảm ơn chương trình.
(Trương Bá Thanh, 50 tuổi)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Bác bị nhiễm virus viêm gan B, do đó bác nên đi kiểm tra các xét nghiệm sau để đánh giá tình trạng bệnh:
- Xét nghiệm máu, sinh hóa để kiểm tra chức năng gan, đặc biệt là men gan SGOT, SGPT, GGT.
- Các xét nghiệm về virus học gồm: HBsAg, Anti-HBe, tải lượng virus (HBV-DNA), Anti-HBc.
- Siêu âm để đánh giá chất lượng nhu mô gan.
Nếu các triệu chứng trên cho thấy bác bị viêm gan B mạn hoạt động, cần phải điều trị kháng virus, hỗ trợ giải độc tế bào gan, kích thích miễn dịch . Nếu các chỉ số trên đều nằm trong giới hạn bình thường thì bác đang mang virus không triệu chứng, chưa cần điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ, từ 3 đến 6 tháng một lần tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa gan mật. Chúc bác mau khỏi bệnh.
-
Cháu bị nhiễm viêm gan B. Xin bác sĩ cho biết, hhi sinh con, con cháu có bị nhiễm không ạ? Cháu nên làm thế nào để tránh truyền bệnh sang con. Xin cảm ơn bác sĩ.
(Ly Huy Kha, 25 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Trong nhiễm viêm gan B, đường lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ chu sinh (chuyển dạ sinh) thường gặp nhiều hơn cả. Do vậy, việc phòng tránh lây trong trường hợp của bạn là rất cần thiết. Trước hết, bạn nên đi xét nghiệm tải lượng virus (HBV-DNA), tình trạng miễn dịch của bạn (Anti-HBe). Nếu bạn có tải lượng virus trong máu cao, nguy cơ lây sang em bé rất lớn. Bạn nên điều trị kháng virus trước đó để đưa về dưới ngưỡng trong một thời gian ổn định, ngừng thuốc, ít nhất khoảng 3 tháng rồi sinh em bé. Vì thuốc kháng virus gây ảnh hưởng tới phát triển của thai nhi nên không thể vừa uống thuốc vừa mang thai được. Khi sinh em bé, để đảm bảo an toàn, bạn nên tiêm cho em bé gamaglobulin đặc hiệu kháng viêm gan B để dự phòng, sau đó tiêm vacxin phòng viêm gan B cho em bé.
-
Tôi bị viêm gan b, khi đi xét nghiệm có kết quả dương tính, nhưng virus ở dạng ổn định. Cho tôi hỏi dạng ổn định thì có thể chữa trị được không? Và cách điều trị kiêng kỵ thì phải như thế nao? Rất mong sự chỉ bảo của bác sỹ. Xin trân trọng cám ơn
(Ha Ho)Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:
Trường hợp của bạn có thể nói là ở thể mang virus mãn tính không triệu chứng, với nồng độ virus không cao thì tôi khuyên bạn chưa nên dùng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy vậy bạn cần định kỳ 6 tháng đi kiểm tra nồng độ virus và enzym gan để kịp thời điều trị khi bệnh tiến triển.
-
Tôi bị phát hiện nhiệm viêm gan siêu vi B vào năm 1998. Từ đó đến nay tôi có uống thuốc nhưng chỉ là Diệp hạ châu. Xin hỏi bác sĩ, bệnh của tôi điều trị như vậy có đúng không? Tôi phải kiêng những đồ ăn, thức uống gì? Xin cám ơn.
(Tấn Văn, 34 tuổi, Hà Nội)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý viêm gan nói chung. Cho tới nay, chưa có công trình nào của Việt Nam chứng minh Diệp hạ châu có khả năng ức chế virus viêm gan B. Việc điều trị viêm gan của bạn bằng thảo dược này chỉ mang tính hỗ trợ, chưa có tác dụng điều trị kháng virus. Bạn nên đến các chuyên khoa gan mật để được tư vấn và điều trị đông tây y kết hợp để đạt được kết quả.
Khi bị viêm gan, bạn nên hạn chế mỡ, kiêng các thức ăn và đồ uống có chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế uống bia rượu, nước có ga, cồn... Đồng thời, bạn nên tránh bị táo bón để hạn chế các chất độc từ ruột lên gan, không nên làm việc quá sức và lưu ý khi sử dụng một số thuốc khác có ảnh hưởng tới gan.
Thưa bác sỹ, điều trị viêm gan siêu vi B bằng thuốc Tây hay thuốc Nam sẽ tốt hơn? Nếu uống thuốc Tây thì thời gian là bao lâu thì hết bệnh? (Nguyễn Khánh Linh, 25 tuổi, Hà Nội)
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:
Với thuốc nam điều trị: Các thuốc nam hiện nay chỉ mới chứng minh được là tác dụng hỗ trợ, chưa có thuốc nào có khả năng chống được vi rút. Rất thận trọng khi sử dụng vì nhiều lý do: chưa hiểu hết thành phần hoạt chất, tác dụng độc, và có cả nguy cơ nhiễm chất chống mốc, chất bảo quản thuốc…
Hiện nay việc điều trị viêm gan siêu vi B có các loại thuốc chính thức được FDA công nhận gồm các loại thuốc uống diệt siêu vi và Interferon, Peg – Interferon, các thuốc kháng viêm gan B khác. Tuy nhiên chỉ định và chọn lựa loại thuốc nào tùy từng trường hợp cụ thể phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Một vài loại thuốc hỗ trợ có thể sử dụng nhưng hiệu quả chưa được ghi nhân rõ ràng.
Thời gian điều trị viêm gan siêu vi B mạn khó xác định cụ thể, tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên ít nhất là phải vài năm. Trong quá trình điều trị bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ gây tình trạng bùng phát siêu vi và kháng thuốc gia tăng tỉ lệ tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan...
-
Cháu phát hiện mình nhiễm virus viêm gan B được hơn một năm nay. Khi khởi phát, cháu có đến bệnh viện nằm điều trị một tuần và sau đó các sĩ cho về mà không hướng dẫn cách điều trị. Về nhà, cháu có uống nước chó đẻ. Sau 2 tháng cháu đi xét nghiệm, bác sĩ tiên lượng virus trong máu ở mức cho phép và kiểm soát đựơc, gan không có dấu hiệu bất thường. Nhưng đợt vừa qua, cháu đi siêu âm gan, bác sĩ kết luận gan cháu có cấu trúc thô. Xin bác sĩ tư vấn, việc này có phải do cháu bị viêm gan mà gây ra không và cháu nên điều trị bằng cách nào. Xin cảm ơn.
(Lý Huy Khả)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Mặc dù xét nghiệm sinh hóa chưa thấy dấu hiệu đặc biệt nhưng virus viêm gan B phá hủy gan theo từng đợt và xét nghiệm không phải lúc nào cũng trùng vào đợt đó. Trong viêm gan virus B mạn tính, virus phá hủy từng ít một nên có nhiều bệnh nhân chỉ thấy một số triệu chứng mơ hồ như tức bụng, ăn kém, đi tiểu vàng rồi tự hết. Mỗi đợt như vậy sẽ có một số tế bào gan bị phá hủy, các tổ chức xơ phát triển xen vào tạo nên hình ảnh cấu trúc thô trong siêu âm (nhu mô gan không thuần nhất).
Bệnh viêm gan B mạn tính có thể điều trị ổn định, một số người có thể khỏi bệnh, chiếm khoảng 10%. Cháu nên khám tại các cơ sở chuyên khoa gan mật để được tư vấn điều trị thích hợp.
Các bác sĩ cho tôi hỏi bệnh viêm gan siêu vi B có lây qua đường ăn uống không? Nếu ăn ở chung phòng với người bi bệnh này thì nguy cơ lây lan như thế nào? Tôi xin cảm ơn! (Nguyễn Thu Hằng, 26 tuổi, Bắc Ninh)
Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:
Về lý thuyết có thể lây, tuy nhiên HBV trong nước bọt là rất thấp nên có thể coi vi rút viêm gan B rất ít lây qua đường ăn uống và những tiếp xúc thông thường như ăn chung, bắt tay, làm việc chung...
Bác sỹ cho tôi hỏi nên làm gi khi biết mình viêm gan B? Có nên đi khám thường xuyên không? Tôi có nên lập gia đình và sinh con không, nếu có thì cần lưu ý gì ? Xin cảm ơn bác sĩ và chương trình! (Nguyễn Thị Trang, 28 tuổi, Hà Nội)
Giáo sư Nguyễn Văn Mùi.
Bệnh nhân nên làm xét nghiệm HBsAg trong máu. Bệnh viêm gan B có thể tự giới hạn và cũng có thể điều trị ổn định. Người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường. Tuy nhiên người nhiễm siêu vi B cần được theo dõi và điều trị khi có chỉ định nhằm ngăn ngừa biến chứng bùng phát viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Đa số người nhiễm siêu vi B chỉ cần theo dõi định kỳ và không cần dùng thuốc. Chỉ có dưới 30% trường hợp người trẻ cần điều trị đặc hiệu. Khi điều trị thành công bệnh nhân cũng chỉ cần được theo dõi định kỳ để bảo đảm virut ngừng hoạt động. Trường hợp phụ nữ nhiễm siêu vi B khi có thai thì cần có những biện pháp riêng để ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Tất cả những biện pháp điều trị và theo dõi cần thiết đều thực hiện được tại Việt Nam. Bạn nên đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ chuyên khoa gan mật tư vấn rõ hơn, nên điều trị ổn định trước khi sinh em bé.
-
Thưa bác sĩ, hai vợ chồng cháu đã đi khám và uống entercavir để diệt virus hàng ngày. Cháu muốn hỏi, thuốc này uống lâu dài có ảnh hưởng gì không? Nếu đang uống rồi thấy men gan ổn định, dừng lại một thời gian có được không hay bắt buộc cháu phải uống liên tục.
(Nguyễn Dũng, 32 tuổi, TP HCM)Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:
Entercavir là một trong những thuốc kháng virus còn có tên biệt dược là baraclude. Về lâu dài, thuốc có một số tác dụng không mong muốn (như phần chỉ định và hướng dẫn trong đơn thuốc), đặc biệt là chức năng thận. Việc ngừng thuốc khi đang điều trị không chỉ dựa vào men gan mà phải dựa vào tải lượng virus (HBV-DNA) và một số triệu chứng liên quan khác. Tuy nhiên, khi dùng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng virus kháng với entercavir. Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa gan mật làm xét nghiệm HBV-DNA để quyết định có nên ngừng thuốc hay không hay phải chuyển sang thuốc khác. Chúc bạn mau khỏi bệnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:
Entercavir là một thuốc kháng virus tuy vậy nó cũng có thể có những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, bạch cầu, dị ứng... nhưng rất ít gặp. Bạn đã uống thuốc một thời gian dài mà chưa có dấu hiệu phản ứng phụ nào thì yên tâm uống lâu dài. Thuốc không được dừng mà phải uống liên tục cho tới khi virus âm tính và kéo dài thêm ít nhất 6 tháng đến một năm hoặc lâu hơn càng tốt. Sau khi ngừng thuốc bạn vẫn cần kiểm tra enzym gan và nồng độ virus ít nhất 6 tháng một lần.