Độc giả đặt câu hỏi tại đây
Tham gia tư vấn trực tuyến có ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc và đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, Công ty điện lực quận, huyện - Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI). Buổi phỏng vấn sẽ diễn ra lúc 9h ngày 11/10.
Năm 2016, cả nước có hơn 4.700 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tính đến hết tháng 6/2018, thành phố Hà Nội đã xảy 28 vụ sự cố do các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000V trở lên. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bao gồm hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm, hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn năm 2017, Trưởng ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, mặc dù tập đoàn nỗ lực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa đối với các đơn vị thi công, các khu dân cư... nhưng tình hình sự cố lưới điện do các hành vi vi phạm hành lang lưới điện cao áp vẫn xảy ra. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, đời sống, sản xuất kinh doanh...
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị và người dân trong khi thi công các công trình, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lắp đặt cáp viễn thông, biển quảng cáo... đã vi phạm khoảng cách an toàn. Các thiết bị thi công va quệt vào đường dây trên không, các công trình xây dựng ngầm xâm hại vào cáp ngầm...
Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Thiện – Phó Trưởng Ban An toàn EVN HANOI cho hay, vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa thường kèm theo giông, lốc, gây ra nhiều sự cố lưới điện cao áp như gãy đổ cột điện, sụt lún, đứt đường dây. Vì vậy, người dân không đến gần đường dây điện đứt, cột điện đổ, trạm điện ngập úng. Nếu thiết bị trong nhà cháy chập, nên bình tĩnh cắt nguồn điện cấp vào, sau đó dùng bình cứu hỏa.
Khi phát hiện thấy dây điện bị đứt, cột nghiêng, đổ, sứ vỡ, cành cây gãy rơi vào đường dây, trạm điện... người dân cần báo cho chính quyền đia phương. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo tính răn đe, đặc biệt đối với các hành vi đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người.
Điều 15, Nghị định 134 năm 2013 về xử phạt trong lĩnh vực điện lực đã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Mức phạt tiền thấp nhất là một triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì người, tổ chức vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm... Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm có thể bị xử hình sự.
Những thắc mắc xung quanh các vấn đề bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp sẽ được ông Nguyễn Anh Dũng - Phó tổng giám đốc trả lời vào ngày 11/10 trên VnExpress.
Ngọc Thi