Bộ Y tế có tính toán cho tiêm vaccine dịch vụ đối với vaccine Covid-19 không? Sắp tới sẽ có những loại vaccine nào về đến Việt Nam thưa các chuyên gia?
Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ là một trong những đơn vị tham gia rất tốt trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em vừa qua và chương trình tiêm Vaccine phòng chống Covid-19 này. Việc tiêm dịch vụ có phải trả tiền hay không phải phụ thuộc vào Quỹ vaccine mà chúng ta đang gây quỹ.
Nếu Quỹ vaccine đủ tiêm cho 75% dân số, thì chúng ta có thể vận động các đơn vị tiêm dịch vụ tiêm cho người dân nhưng không phải trả tiền. Còn nếu không đủ các kinh phí thì chúng ta có thể vận động những người đi tiêm chủng dịch vụ trả tiền để đóng góp cho dịch vụ tiêm chủng Covid-19 được phổ cập rộng rãi hơn.
Khi nào vaccine Covid-19 được triển khai tiêm cho tiểu thương và người buôn bán nhỏ lẻ thưa PGS.TS Trần Đắc Phu? Xin nhờ chuyên gia giải đáp.
Tôi vẫn luôn nói rằng đối tượng nguy cơ cao phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao, hiện nay chúng ta đã tiêm cho các đối tượng tiểu thương ở trong địa bàn có nguy cơ cao tại TP HCM.
Đối tượng tiểu thương là những người có thể tiếp xúc nhiều các trường hợp có nguy cơ, vì thế họ cũng là một trong những đối tượng cần ưu tiên để tiêm chủng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh đối tượng nguy cơ cao phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao. Do đó, việc tiến hành tiêm chủng cho đối tượng tiểu thương ở thời điểm này cần phải cân nhắc nhiều yếu tố khác.
Hiện tại vaccine Covid-19 đang được ưu tiên cho tuyến đầu, dự trù đến bao giờ các cá nhân có thể tiêm? Thứ tự ưu tiên sẽ như thế nào? Có thể trả phí để tiêm vaccine hoặc đăng ký tiêm vaccine ở đâu không? Nhờ PGS.TS Trần Đắc Phu giải đáp giúp tôi.
Việt Nam đang thực hiện tiêm chủng theo Nghị quyết 21. Theo đó, sẽ tiêm chủng cho 11 đối tượng ưu tiên. Nhưng vừa qua dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh xảy ra ở khu vực có nhiều công nhân. Công nhân là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, nếu chúng ta không tiêm cho công nhân thì có thể sẽ lây ra khu công nghiệp, nếu vậy thì việc chống dịch rất vất vả. Kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng vật liệu, cung ứng các sản phẩm xuyên quốc gia.
Ở nơi nào có nguy cơ cao, chúng ta sẽ ưu tiên tiêm ở đó. Đối tượng có nguy cơ phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao, ví dụ như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh. Mặc dù có những đối tượng nguy cơ cao nhưng ở địa bàn chưa có nguy cơ cao thì sẽ chưa tiêm cho những đối tượng đó.
Chúng ta đặt mục tiêu tiêm đạt miễn dịch công đồng, nghĩa là phải đạt khoảng 75% dân số. Như vậy thì chúng ta phải có khoảng 150 triệu liều vaccine. Tôi cũng hy vọng rằng, dưới sự cố gắng của Chính phủ, các công ty, doanh nghiệp, thì từ giờ tới cuối năm chúng ta sẽ có số lượng lớn vaccine cung ứng cho người dân chứ không chỉ tiêm cho đối tượng theo Nghị định 21.
Thưa chuyên gia, người dân có được đăng ký tiêm vaccine và lựa chọn loại vaccine không? Mức phí như thế nào và khi nào thì có thể tiêm?
Việt Nam chúng ta đang triển khai gây Quỹ vaccine tiêm phòng chống Covid-19. Vừa qua tôi cũng biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu lên vấn đề Quỹ vaccine gần như gần đủ cho những đối tượng phải tiêm, đặc biệt với những đối tượng ưu tiên, ví dụ như đối tượng trong vùng dịch, những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, công nhân... đều được tiêm miễn phí.
Tôi cũng hy vọng rằng, Việt Nam chúng ta, thông qua Quỹ vaccine thì tất cả người dân đều được tiêm miễn phí. Khi chúng ta không đủ kinh phí thì có thể huy động, tổ chức tiêm theo hình thức dịch vụ. Nhưng cũng có thể thực hiện tiêm theo các điểm tiêm dịch vụ nhưng chúng ta không phải trả tiền. VNVC vẫn tiêm cho những người ở tuyến đầu mà không phải trả tiền. Xã hội hóa việc tiêm chủng là cách để có thể tiêm chủng được số lượng lớn, nhanh nhất, để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng.
Chào các chuyên gia.
Loại vaccine phòng Covid-19 mà Việt Nam chuẩn bị tiêm chủng là loại nào? Vaccine AstraZeneca có tác dụng với biến chủng mới không? Có nên tiêm vaccine không hay đợi loại vaccine tốt hơn?
Trên thế giới hiện nay có nhiều loại vacccine đã được phép tiêm. Việt Nam chúng ta vừa cho cho phép nhập và lưu hành, tiến hành tiêm rộng rãi AstraZeneca. Ngoài ra, chúng ta đã cấp phép cho Vaccine Sputnik của Nga, Pfizer, Sinopharm của Trung Quốc. Trong đợt tới sẽ cấp phép tới, có thể thêm một số loại vaccine khác nữa, ví dụ Moderna.
Theo tôi, được tiêm chủng là cơ hội lớn. Các anh, chị biết đó, nếu chúng ta không tiêm sớm, thì virus có thể xâm nhập vào cơ thể và khiến chúng ta bị lây nhiễm. Vậy nên, chúng ta hiện nay đang phải tiêm cho dân người có vùng nguy cơ. Như vừa qua dịch xảy ra ở Bắc Giang và Bắc Ninh thì chúng ta phải tiêm cho cả công nhân.
Tôi cho rằng được tiêm chủng là một cơ hội và quyền lợi, chúng ta không nên đợi chờ một cơ hội khác. Tôi cũng khẳng định rằng vaccine AstraZeneca là vacccine đem lại hiệu quả tương đối tốt, hiệu lực bảo vệ trên 80%. Vaccine này đã được tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới. Vaccine AstraZenca đã được cấp phép bởi các nước châu Âu, được nhiều tổ chức trên thế giới thẩm định. Tại Việt Nam, Nhà nước đã cho cấp phép và lưu hành trên tất cả các địa phương đang có dịch.
Câu hỏi cho PGS.TS Trần Đắc Phu. Tôi có tiền sử bị dị ứng thuốc kháng sinh. Theo tôi biết thì tôi thuộc nhóm đối tượng phải cẩn trọng khi tiêm vaccine phòng Covid-19 và phải tiêm ở các bệnh viện. Vậy những trường hợp như tôi muốn tiêm thì nên làm thế nào? Nên đến bệnh viện nào để tiêm và trước khi tiêm ...
Trên thực tế, việc dị ứng với một dị nguyên nào, ở đây là kháng sinh thì anh, chị cũng có thể dị ứng với các yếu tố khác, bao gồm cả vaccine. Nhưng không phải là tất cả những người dị ứng với kháng sinh thì sẽ dị ứng hay bị sốc phản vệ khi tiêm vaccine.
Nên khi tiêm, người ta quy định trường hợp như anh, chị sẽ tiêm ở bệnh viện. Nếu anh, chị muốn tiêm chỉ cần đăng ký với cơ sở y tế, ví dụ như y tế phường nơi mình sinh sống thì họ sẽ sắp xếp cho anh, chị tiêm ở bệnh viện. Hiện nay, người ta không test thử dị ứng vaccine như kháng sinh.
PGS.TS Trần Đắc Phu trả lời câu hỏi của độc giả.
Khi tới bệnh viện, qua khai thác tiền sử dị ứng, thì bệnh viện sẽ biết được rằng anh, chị dị ứng với kháng sinh có trầm trọng hay không? Họ sẽ khai thác sâu hơn tiền sử dị ứng của anh, chị và quyết định tiêm hay không tiêm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu có thể cho tôi biết thêm thông tin về vaccine AstraZeneca đang được tiêm chủng tại Việt Nam. Vaccine có nguồn gốc như thế nào, có an toàn không, hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19 bao nhiêu phần trăm? Vì sao có người tiêm đủ hai mũi vaccine phòng ...
Vaccine AstraZenca là vaccine được sản xuất theo công nghệ Vector. Vaccine này đã được cấp phép bởi Anh, Tổ dược phẩm châu Âu, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới đã tiền thẩm định và vừa đưa vào Chương trình COVAX.
Hiện nay Vaccine AstraZenca đã được tiêm chủng tại 40-50 nước trên thế giới. Thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thấy việc các chủng mới như chủng Delta, những chủng của Anh - chủng Alpha chưa bị vô hiệu hóa bởi vaccine.
Vaccine AstraZenca cũng như các loại vaccine khác phòng chống Covid-19 sản xuất theo điều kiện khẩn cấp. Bởi một loại vaccine sản xuất phải được 4-5 năm. Có những loại vaccine phải sản xuất trong vòng 10 năm. Có những bệnh như HIV/AIDS chẳng hạn, đến giờ chúng ta vẫn chưa có vaccine. Kể cả những loại vaccine phòng chống sốt xuất huyết chẳng hạn khi đã đưa ra sử dụng, chúng ta lại thu hồi về, không dám sử dụng nữa. Ý tôi muốn nói là sản xuất vaccine là vấn đề nghiêm ngặt và công phu. Thì ở đây, vaccine ngừa Covid-19 đều được sản xuất trong điều kiện khẩn cấp và được cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.
Một số thông tin về vaccine, có thể bạn và nhiều người cũng chưa biết rõ nhưng vaccine AstraZenca được báo cáo hiệu lực bảo vệ khoảng 76%. Việc tồn tại kháng thể trong con người bao lâu, mức độ cản lây nhiễm Covid-19 chưa biết được rõ. Nhưng, chắc chắn rằng người ta biết được là khi tiêm vaccine, thì những người được tiêm có triệu chứng giảm nhẹ. Đó là vấn đề đã được khẳng định bởi các tổ chức y tế thế giới.
Hiện nay Việt Nam mới đưa vào sử dụng vaccine AstraZeneca của Anh. Vaccine này có tiêm được cho người mắc bệnh nền không? Người bị cao huyết áp có nên tiêm loại vaccine này không?
Mắc bệnh nền mãn tính là một trong những điều kiện được chỉ định tiêm vaccine, chúng ta chỉ chống chỉ định khi có các bệnh nền cấp tính, còn mắc bệnh nền mãn tính thì vẫn nằm trong chỉ định được tiêm vaccine Covid-19.
Khi mắc bệnh nền thì nguy cơ khi mắc Covid-19 sẽ gia tăng, nhiều trường hợp có thể dẫn tới tử vong.
Tuy vậy, về việc chống chỉ định hay không chống chỉ định tiêm vaccine với người bị bệnh lý nền, chúng ta nên đến cơ sở y tế để tiêm chủng. Các bác sĩ sẽ khám và tư vấn cụ thể với trường hợp chỉ định và chống chỉ định. Trong trường hợp bị cao huyết áp, người có bệnh cao huyết áp hiện nay cũng có những trường hợp được tiêm vacccine Covid-19. Nếu bạn bị cao huyết áp mà huyết áp đã ổn định rồi thì chúng ta vẫn tiêm và chúng ta nên tiêm ở bệnh viên để có những xử lý kịp thời. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm.
Sau khi được tiêm vaccine Covid-19 nghỉ tại chỗ 30 phút theo dõi. Sau đó về nhà nếu có triệu chứng thì liên hệ với cở sở y tế nào? Triệu chứng nào cần đến bệnh viện? Rất cảm ơn các chuyên gia.
Chúng tôi nghĩ rằng, khi theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở y tế tiêm chủng, hoặc khi về nhà thì chính bản thân và người thân là người theo dõi, nếu thấy có những dấu hiệu khác thường về sức khỏe, đặc biệt nếu những dấu hiệu này có liên quan tới tiêm vaccine thì cần phải liên hệ ngay với cơ sở y tế.
Bạn có thể liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng. Căn cứ vào triệu chứng họ sẽ chỉ định bạn phải đi ngay tới các cơ sở bệnh viện hoặc được cấp cứu. Như vậy, tôi cho là chỉ cần liên hệ với cơ sở vừa tiêm chủng là sẽ có thể có được tư vấn và cấp cứu kịp thời.
Tôi mong muốn được biết vaccine Pfizer tháng 7 sẽ về Việt Nam bao nhiêu liều và phân phối ra sao? Khi nào người dân có thể chích dịch vụ Pfizer/Moderna? Cảm ơn các giáo sư, bác sĩ đã quan tâm câu hỏi của tôi.
Hiện nay, chúng ta đã cấp phép cho nhập khẩu và lưu hành vaccine Pfizer. Chúng ta cũng có thể nhập khẩu trong những tháng tới nhưng số lượng phụ thuộc vào sự đàm phám Việt Nam và hãng Pfizer. Chúng tôi khuyên rằng, khi có cơ hội tiếp cận với vaccine nào thì chúng ta sẽ tiêm vaccine đó.
Ví dụ như chúng ta đang tiêm Vaccine AstraZenca, mà bạn đang trong vùng dịch, tôi nghĩ rằng bạn không nên chờ đợi vaccine Pfizer, bởi vaccine nào cũng có nguy cơ xảy ra phản ứng nhất định, vaccine nào cũng có hiệu quả phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ cấp phép cho vaccine Moderna được lưu hành tại Việt Nam, đây cũng là vaccine phổ biến trên thế giới.
Tôi muốn tiêm vaccine Covid-19, tuy nhiên trước khi tiêm phải kiểm tra sức khỏe có tốt không, có bị nhiễm Covid-19 hay không mới được tiêm đúng không? Tôi đăng ký tiêm ở đâu ạ? Mong các chuyên gia giải đáp.
Hiện nay, chúng ta không tiến hành làm test Covid-19 trước khi tiêm vaccine. Chúng ta chỉ có khuyến cáo nếu bị nhiễm Covid-19 và có các triệu chứng lâm sàng thì có thể trì hoãn tiêm, sau 6 tháng bạn mới có thể tiêm vaccine.
Thưa bác sĩ, hôm nay khu vực tôi ở có tầm soát Covid-19 diện rộng. Tôi hỏi y tế phường rằng mình đã được tiêm vaccine Covid-19 thì có cần xét nghiệm không, phía tế trả lời: "Nếu tiêm dưới 7 ngày thì chưa lấy, nếu tiêm trên 7 ngày thì đi tầm soát như bình thường". Cho tôi hỏi tại sao lại như vậy? ...
Chào chị,
Việc chủng ngừa vaccine Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến kết quả các xét nghiệm (xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2). Điều này có nghĩa là tiêm ngừa sẽ không làm kết quả dương tính khi làm xét nghiệm nên không cần phải đợi 7 ngày sau tiêm vaccine mới có thể đi tầm soát Covid-19. Còn nếu kết quả dương tính có thể chị đã bị nhiễm virus từ bên ngoài, không phải do vaccine.
Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!
Thưa bác sĩ! Theo như thông tin tôi được biết thì khoảng thời gian giữa 2 mũi vaccine Covid-19 là 4-12 tuần tuỳ theo tình hình cung ứng vaccine. Vậy xin hỏi các chuyên gia nếu đã tiêm mũi 1 mà quá 12 tuần không có đủ vaccine để tiêm tiếp mũi 2 thì có phải tiêm lại từ đầu không? Xin cảm ơn bác ...
Chào anh,
Về nguyên tắc nếu tiêm trễ anh sẽ không cần tiêm lại từ đầu, nên tiêm tiếp sớm nhất có thể. Cảm ơn câu hỏi của anh, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!
Chào bạn,
Có thể nói hệ thống tiêm chủng của nước ta, đặc biệt là hệ thống tiêm chủng dịch vụ rất tuyệt vời. Bởi chúng ta có thể phân phối vaccine tới nhiều nơi, mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận với văccine. Còn ở nước ngoài, có thể họ không có hệ thống đó, nên họ phải thực hiện tiêm chủng ở các địa điểm như quán ăn hay trạm xăng.
Còn với Việt Nam, chúng ta đã có sẵn những hệ thống tiêm chủng nên chỉ có thể cần tổ chức thêm một số điểm để thực hiện tiêm vaccine với số lượng đông thôi. Đây chính là lợi thế của Việt Nam.
Thứ hai, người Việt Nam có thể nói là những người rất "kén chọn" khi tiêm vaccine vì đều có những nghiên cứu kỹ trước khi tiêm và cũng hay bị dao động bởi các thông tin về phản ứng sau tiêm, ví dụ như là chích ngừa ở chỗ này bị làm sao đó...
Đặc biệt là khi mà các nhà quản lý giải thích thì thường người dân không nghe, không tin tưởng. Đôi khi cũng có nhà khoa học giải thích thì họ tin tưởng nhưng tỷ lệ khá thấp. Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế mới đưa ra quy định để cho người dân thấy: chúng tôi đã chuẩn bị như thế này, tiêm chủng ra sao, theo dõi như thế nào... Nhà nước đã phổ biến các quy trình tiêm chủng an toàn để người dân an tâm chích ngừa. Việc chúng ta thực hiện chích ngừa ở những nơi như trạm xăng rất khó xảy ra.
Do đó, có thể nói là chúng ta rất may mắn khi Việt Nam có một hệ thống tiêm chủng mở rộng tốt và hoạt động hiệu quả. Ở nước ngoài, họ thấy việc khám sàng lọc là không cần thiết nhưng ở Việt Nam đây là điều cần thiết, có lợi cho người đi tiêm.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Khoảng 7 đến 10 năm trước, khi thời tiết chuyển từ mát sang lạnh đột ngột, nếu không mặc đủ ấm thì cơ thể tôi hay nổi giác, ngứa. Đây là tình trạng dị ứng thời tiết. Nhưng khi mặc ấm đầy đủ thì các vết giác đó tự biến mất. Gần đây, do chủ động mặc ấm khi chuyển mùa nên tôi không còn ...
Chào anh,
Về việc anh bị dị ứng nổi mẩn và ngứa khi thời tiết thay đổi là khá rõ ràng và đã cách đây 7-10 năm. Việc tiêm vaccine Covid-19 không chống chỉ định hay hoãn tiêm cho đối tượng dị ứng thời tiết. Lưu ý, anh nên thông báo cho bác sĩ sàng lọc trước tiêm, để bác sĩ có thể thăm khám và tư vấn kỹ về các dấu hiệu của phản vệ.
Người được tiêm cần phải theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày, nếu có các dấu hiệu phản vệ như nổi mề đay, phù niêm, tím tái, khó thở, tức ngực, thở rít, đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc nôn/buồn nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức... Anh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất được xử trí kịp thời.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng với tôm, cứ mỗi lần ăn tôm lại bị mẩn ngứa khắp người. Trường hợp của tôi có tiêm được vaccine Covid-19 hay không?
Chào anh,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, anh thuộc nhóm đối tượng phải cẩn trọng khi tiêm cần phải tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Người có dị ứng có nguy cơ phản vệ (sốc) cao hơn những người khác nên việc tiêm tại các cơ sở có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tiền sử dị ứng thì sẽ phản vệ với vaccine.
Điều quan trọng là anh cần phải biết các triệu chứng phản vệ sớm để thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Vì vậy, khi khám sàng lọc trước tiêm,anh cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bản thân cũng như các triệu chứng mà mình gặp phải. Điều này giúp bác sĩ có thể quyết định chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho anh. Chúc anh sức khỏe.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Tôi bị Lupus ban đỏ, biến chứng thiếu máu tán huyết, hở van tim hai lá. Gần đây, tôi đang điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng được vài tháng, đang tạm ổn. Tôi có tiêm ngừa vaccine Covid-19 được không thưa bác sĩ?
Chào anh/chị,
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ với các đợt cấp là các đợt bệnh ổn định. Các thuốc chính yếu vẫn là corticosteroid, ức chế miễn dịch, thuốc sinh học,....
Nếu bệnh của Anh/Chị đang diễn tiến từng đợt cấp và phải điều trị bằng corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch với liều cao thì anh/chị không thể tiêm vaccine Covid-19 được ngay.
Anh/chị chỉ tiêm vaccine Covid-19 khi bệnh Lupus ban đỏ hệ thống được điều trị bằng corticoid liều thấp (liều duy trì) và ổn định vẫn có thể được tiêm. Tuy nhiên trường hợp của anh/chị đang có biến chứng thiếu máu tán huyết cần hoãn tiêm. Chỉ định tiêm chủng vaccine chỉ được thực hiện khi các bệnh đã ổn định, các chỉ số về mạch, huyết áp, nhịp thở ở giới hạn cho phép.
Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng với việc ăn ba ba thì có tiêm được vaccine Covid-19 không? Trân trọng.
Chào anh,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, anh thuộc nhóm đối tượng phải cẩn trọng khi tiêm cần phải tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Người có dị ứng có nguy cơ phản vệ (sốc) cao hơn những người khác nên việc tiêm tại các cơ sở có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tiền sử dị ứng sẽ phản vệ với vaccine. Điều quan trọng là anh cần phải biết các triệu chứng phản vệ sớm để thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Vì vậy, khi khám sàng lọc trước tiêm, anh cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của anh cũng như các triệu chứng mà anh gặp phải để bác sĩ có thể quyết định chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho anh.
Chúc anh sức khỏe! Trân trọng!
Tôi 70 tuổi, không bị mắc bệnh nền. Khi nào, tôi được tiêm vaccine Covid-19 và địa điểm tiêm ở đâu? Xin cảm ơn!
Chào bác,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế có thể chỉ định tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 65 tuổi không có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bác sĩ khám trực tiếp sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bác để có thể chỉ định tiêm chủng.
Cảm ơn câu hỏi của bác, chúc bác sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đã bị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto 19 năm nay, bác sĩ cho hỏi tôi có tiêm được vaccine Covid-19 không ạ? Xin cảm ơn!
Chào chị,
Đối với người bị bệnh mãn tính như Hashimoto vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 nhưng chị cần được thăm khám và tiêm chủng tại các cơ sở cở đủ điều kiền hồi sức cấp cứu để đề phòng các phản ứng nặng có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ khám trực tiếp để kiểm tra tình trạng bệnh của chị và chỉ định tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số về mạch, huyết áp, nhịp thở ở giới hạn cho phép.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!