VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ tư, 19/2/2025

Tôi 59 tuổi, hiện có bệnh lý nền: huyết áp, tim mạch và tiểu đường hơn 12 năm nay. Tôi vẫn đang điều trị dài hạn và dùng thuốc ổn định các chỉ số huyết áp, tiểu đường... Sắp tới, cơ quan tôi tổ chức tiêm vaccine Covid-19, vì vậy tôi muốn được tư vấn có thể tiêm chủng vaccine này được không? Nếu được ...

Phạm Ngọc Biên, 59 tuổi, Hà Nội

BS Đoàn Thị Khánh Châm

Chào anh,
Với tình trạng bệnh lý nền của anh nên đi kiểm tra lại với bác sĩ chuyên khoa một lần nữa để đánh giá các chỉ số đã ổn định hay chưa. Nếu các bệnh lý mãn tính đã ổn định trong vòng 3 tháng trước khi tiêm chủng (có nghĩa là bệnh không cần thay đổi điều trị đáng kể hoặc nhập viện vì bệnh lý nặng hơn), các chỉ số xét nghiệm duy trì ở mức độ ổn, anh hoàn toàn có thể tiêm được vaccine phòng Covid-19.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Chúc anh sức khỏe!


Tôi bị nhồi máu não năm 2019, nằm viện trong vòng 3 ngày. Từ đó đến nay, điều trị theo toa khám ngoại trú đến nay đã ổn định. Xin hỏi có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 được không? Trước khi tiêm có cần ngưng thuốc chống đông máu hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Ngô Quang Nhân, 60 tuổi, Q.3, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào anh,
Việc dùng thuốc điều trị là cần thiết, anh không thể ngưng thuốc để đi tiêm chủng. Trường hợp sử dụng thuốc chống đông sẽ tạm hoãn tiêm chủng, chờ chỉ đạo tiếp theo của Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!

Tôi có bệnh nền huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, có uống thuốc điều trị hàng ngày theo toa bác sĩ. Tôi muốn hỏi có nên chích vaccine AstraZeneca không? Xin cảm ơn!

Trần Đình Thanh, 58 tuổi, Ninh Thuận

BS Đoàn Thị Khánh Châm

Chào anh/chị,
Trong những hướng dẫn về việc tiêm vaccine Covid-19 cho những đối tượng bị bệnh về huyết áp cao, thiếu máu não, có uống thuốc điều trị hàng ngày... nếu duy trì ở mức độ ổn định vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe an toàn, anh/chị nên tiến hành tiêm vaccine Covid-19 tại khối bệnh viện.
Chúc anh/chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Bác sĩ cho hỏi viêm gan B có tiêm được vaccine Covid-19 không ạ?

Trần Viết Lộc, 41 tuổi, Thừa Thiên Huế

Bác sĩ Đoàn Thúy Mai

Chào anh,
Viêm gan B nhìn chung không phải nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, anh cần chia sẻ thêm thông tin cụ thể hơn về bệnh lý hiện tại, hồ sơ khám bệnh và các chỉ số xét nghiệm gần nhất để các bác sĩ khám sàng lọc có chỉ định tư vấn phù hợp nhất cho anh.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!

Hiện tại, em đang điều trị bệnh đau nửa đầu, thiếu máu não và tăng cholesterol. Em có tiêm được vaccine ngừa Covid-19 không? Có ảnh hưởng gì và thận trọng gì không ạ? Xin cảm ơn!

Đặng Anh Đức, 31 tuổi, TP. Thủ Đức

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào anh,
Theo những bệnh lý mà anh mô tả, anh cần hoãn tiêm cho tới khi điều trị các bệnh lý này ổn định. Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!

Tôi đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi một ngày 22/6. Tuy nhiên, tôi lại đang dự định mang thai trong 3 tháng tới. Trường hợp của tôi có cấm hay hạn chế mang thai không? Nếu có thì trong thời gian ít nhất bao lâu sau ngày tiêm là tốt nhất? Tôi rất lo lắng và băn khoăn. Mong được bác sĩ giải đáp.

Ngọc Vũ, 37 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào chị,
Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất và Bộ Y tế, vaccine Covid-19 AstraZeneca có lịch tiêm 2 mũi cách nhau từ 4 đến 12 tuần. Để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất, chị nên được chủng ngừa đầy đủ 2 mũi, sau đó, chị hãy thực hiện có hoạch mang thai của mình.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!

Cách đây khoảng 15 năm tôi có dị ứng nhẹ với thuốc Cotrim (nổi đỏ ở cổ tay). Tôi đã khám sàng lọc và bác sĩ không cho chích. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi là tôi có chính ngừa vaccine lại được không?

Tiến, 47 tuổi, Bình Thuận

Bác sĩ Đoàn Thúy Mai

Chào anh,
Những người dị ứng được chẩn đoán điều trị phản vệ độ II sẽ chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Còn đối với nhóm đối tượng bị dị ứng với hải sản, phấn hoa… vẫn nên tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ, riêng những người dị ứng với thành phần của vaccine không nên tiêm.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Cảm ơn anh.

Em bị dị ứng viên thuốc kháng sinh, nổi mẩn ngứa khắp người, sưng, te môi và mặt sau khi ngửi viên thuốc đã bóc ra hoặc uống vào. Vậy em có chích vaccine Covid-19 được không?

Nguyễn Thị Dung, 54 tuổi, TP.HCM

Bác sĩ Đoàn Thúy Mai

Chào chị,
Đối với nhóm đối tượng bị dị ứng thuốc vẫn được khuyến cáo nên tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ ở khối bệnh viện có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Còn riêng những người dị ứng với thành phần của vaccine không nên tiêm.
Cảm ơn câu hỏi chị. Chúc chị sức khỏe!

Em là nữ, 35 tuổi. Năm vừa rồi, em bị khó thở nhập viện khám, kết quả bị rối loại nhịp tim không đặc hiệu. Trước đó, năm 2019, em có khám sức khoẻ định kỳ thì kết quả thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, em không bệnh gì khác thì có tiêm vaccine Covid-19 được không?

Thu Linh, 35 tuổi, TP.HCM

BS Đoàn Thị Khánh Châm

Chào chị,
Theo những bệnh lý mà chị đang mô tả, chị cần hoãn tiêm cho tới khi điều trị các bệnh lý này ổn định.

Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!

Tôi năm nay 44 tuổi, bị bệnh viêm gan B mãn tính hơn 10 năm nhưng trong tình trạng ổn định và chưa từng uống thuốc. Năm 41 tuổi sau khi sinh con tôi bị dị ứng nổi mề đay không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, tôi bị xoang mãn tính, hay bị nhiễm cảm cúm khi chuyển mùa dẫn đến ho rất lâu. Năm ...

Bình Kim, 44 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Bạch Thị Chính

Tình trạng bệnh mãn tính đã ổn định, không sử dụng thuốc như là bệnh viêm gan B thì chúng tôi khuyến cáo anh/chị nên theo dõi tại bệnh viện. Chúng ta biết được, đối với bệnh viêm gan B, đôi khi chúng ta phải có những đợt xét nghiệm để kiểm tra bệnh đang ổn định hay đang diễn tiến để có thể điều trị kịp thời.

Còn trong trường hợp anh/chị bị dị ứng cần phải thông tin đầy đủ cho bác sĩ để các bác sĩ có thể quyết định anh/chị có thể tiêm chủng tại các cơ sở y tế ngoài bệnh viện hoặc trong bệnh viện, hay trong trường hợp nặng có thể chống chỉ định tiêm chủng.

Covid - 19
 
 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được thông tin là anh/chị đã tiêm vaccine cúm hàng năm và anh/chị thấy hiệu quả rất là tốt, chúng tôi thấy rằng việc tiêm ngừa để chúng ta có thể phòng được những biểu hiện của các bệnh lý đường hô hấp. Ngoài vaccine cúm, anh/chị có thể tiêm phòng các loại vaccine như vaccine phế cầu, vaccine ho gà. Đặc biệt những người có bệnh lý nền thì chúng ta cần tiêm phòng những vaccine hiện có để tránh sự nhầm lẫn giữa một bệnh lý đường hô hấp với dịch Covid-19 mà hiện nay vaccine đang khan hiếm.

Và chúng ta thấy là nếu trong trường hợp có vaccine thì anh/chị vẫn là người có thể tiêm ngừa đầy đủ, ngay cả những vaccine phòng Covid-19, chỉ cần thiết là anh/chị phải thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh lý của anh/chị trong quá khứ, hiện tại và việc sử dụng thuốc như thế nào. Rất mong rằng anh/chị sẽ tiêm đầy đủ nhiều loại vaccine, chứ không phải là vaccine cúm.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh/chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.

Thưa bác sĩ. Tôi bị ung thư vòm họng, bác sĩ khám bảo giai đoạn sớm, đã điều trị từ 12/1/2021 đến 36/3/2021 tại bệnh viện bằng 3 liều hóa trị và 35 tia xạ trị. Đến thời điểm này (7/2021) tôi có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 được không. Nếu được tôi có phải bắt buộc vào bệnh viện tiêm không? Xin cảm ơn!

...
Phạm Hát, 48 tuổi, Bình Tân, TP.HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Theo hướng dẫn gần nhất của Bộ Y tế, Quyết định 2995 ngày 18/6/2021 cho thấy, hiện nay Bộ Y tế đã có một hướng mở và hướng dẫn một cách cụ thể rằng là những trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối thì phải hoãn tiêm chủng. Trường hợp của anh/chị, ung thư được phát hiện sớm, anh/chị đã điều trị với khoảng thời gian đã trên 6 tháng, có nghĩa là bệnh lý cũng đã ổn định thì có thể chủng ngừa được. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế lần này, chúng ta thấy rằng, với những trường hợp ung thư, mà anh/chị đang điều trị, hóa trị hay xạ trị thì chỉ cần hoãn tiêm 14 ngày thì có thể tiêm được vaccine Covid-19.

Covid - 19
 
 

Tôi bị huyết áp cao, tiểu cầu thấp (150), u xơ tiền liệt tuyến có tiêm được vaccine Covid-19 không thưa bác sĩ và nên tiêm loại nào?

Nguyễn Xuân Hòa, 66 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào anh/chị,
Trường hợp của anh/chị thuộc đối tượng cần phải cẩn trọng khi tiêm chủng và cần tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Khi khám sàng lọc, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của anh/chị, nếu các bệnh lý đã ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm chủng và hướng dẫn cụ thể.
Chúc anh/chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Em năm nay 40 tuổi, bị viêm da cơ địa, tổ đĩa ở hai bàn tay và 2 ngón út bàn chân. Em không bị dị ứng với các thành phần của thuốc nào nhưng em ăn tôm cua, gà vịt hay tiếp xúc với xà phòng, dầu rửa bát em thườnng bị nổi mụn ngứa ở lòng bàn tay.
Như vậy em có tiêm ...

Lưu Thị Bích Thủy, 40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào chị,
Nếu như đúng theo các thông tin chị cung cấp, chị vẫn có thể tiêm chủng vaccine Covid-19. Đối với người có cơ địa dị ứng, nguy cơ dị ứng với vaccine sẽ cao hơn những người khác, do đó, khi tiêm chủng chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Chị cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7-28 ngày. Nếu chị có bất kỳ dấu hiệu nào của phản vệ như tím tái, khó thở, đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn/buồn nôn... Chị cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Chúc chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị rối loạn tiền đình, mỗi lần đau là mắt rất mờ, chóng mặt, điều trị rất lâu mới nhìn lại bình thường, ngoài ra tôi còn bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Tôi đang băn khoăn liệu mình có tiêm vaccine được không?

Phương Oanh, 48 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào chị,
Nếu chị đã có bệnh lý chưa ổn định hay đang tiến triển cần phải trì hoãn tiêm chủng cho đến khi các bệnh lý ổn định.

Cảm ơn chị. Chúc chị sức khỏe!

Em năm nay 29 tuổi, lúc nhỏ sức khoẻ yếu, có một lần (17 tuổi) bị chóng mặt ngất xỉu, đi khám thì bác sĩ bảo bị suy nhược với bị tim đập nhanh, huyết áp. Nhưng đã qua nhiều năm rồi em không có đi khám chi tiết lại. Hiện tại thì lâu lâu em cũng hay bị đau đầu. Với tình trạng trên ...

Nguyên, 29 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào bạn.
Trường hợp bạn có tiền sử ngất do suy nhược cơ thể vẫn có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 nếu điều kiện sức khỏe hiện tại đã ổn định với các chỉ số huyết áp, tim mạch đều trong giới hạn cho phép.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi đang có con nhỏ (3 tháng) và đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vậy tôi có được tiêm vaccine Covid-19 không thưa bác sĩ? Xin cảm ơn ạ!

Trần Hà, 26 tuổi, Quận 7, TP.HCM

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào chị,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ đang cho con bú là đối tượng thuộc nhóm tạm hoãn tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian này.

Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị viêm mũi dị ứng, dị ứng nhẹ khi ăn các loại hải sản như tôm, cua,... và một số loại thịt bò, gà thì có tiêm vaccine Covid-19 được không? Nếu không được cần phải chữa trị như thế nào để đạt yêu cầu tiêm chủng?

Vỹ Tường, 36 tuổi, Đồng Tháp

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào bạn,
Bạn cho biết bị viêm mũi dị ứng, khi ăn các loại hải sản, thịt bò, gà. Nếu bạn bị dị ứng nhẹ tức chỉ có dấu hiệu của nổi mê đay và ngứa thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bạn vẫn được tiêm chủng vaccine Covid- 19. Tuy nhiên, bạn phải cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng và mức độ dị ứng của bạn cho bác sĩ khám sàng lọc để có thể đưa ra quyết định cuối cùng về chỉ định tiêm. Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn dặn dò theo dõi các vấn đề phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19.
Nếu còn thắc mắc gì bạn có thể liên hệ hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchung vnvc. Cảm ơn bạn.

Tôi chuẩn bị ra nước ngoài làm việc có được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 không? Vì tôi thấy danh sách ưu tiên có đối tượng xuất khẩu lao động? Xin cảm ơn ạ!

Thiên Phúc, 23 tuổi, Đà Nẵng

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Đối với việc xác định các trường hợp được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, anh, chị cần phải liên hệ trực tiếp đến cơ quan chức năng địa phương nơi đang sinh sống xem mình có nằm trong danh sách được tiêm ngừa vaccine Covid-19 trong những đợt tới hay không. Hiện nay các đối tượng ưu tiên sẽ nằm trong vùng dịch, có nguy cơ cao sẽ được tiêm theo chỉ thị của Chính phủ.

Covid - 19
 
 

Theo như các cuộc khảo sát, thời gian để vaccine đạt hiệu quả tốt nhất là 12 tuần sau mũi tiêm thứ nhất. Nhưng hiện tại Việt Nam đang gấp rút để tiêm cho đủ liều thì hẹn người dân đi tiêm mũi 2 sau 8 tuần. Trong trường hợp này, người dân có thể hẹn để đến 12 tuần mới tiêm mũi thứ 2 ...

Phương Phạm, 41 tuổi, TP HCM

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất thì anh, chị có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 liều 2 sau 4-12 tuần. Việc tiêm ngừa vaccine sẽ tạo ra kháng thể sau 4-12 tuần tương tự như các vaccine khác. Đối với trường hợp của anh, chị nên đi tiêm liều 2 theo lịch hẹn của họ.

Covid - 19
 
 

Tôi đã điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng Lympho xong, cách đây 7 năm. Nay sức khỏe hoàn toàn ổn định, sinh hoạt bình thường. Xin hỏi có được tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 không?

Nguyễn Đoàn Phước, 54 tuổi, Thanh Đa

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Trường hợp anh, chị bị Lympho đã điều trị ổn được 7 năm, nếu như tình trạng sức khỏe vẫn ổn định thì anh, chị vẫn có thể tiêm phòng được vaccine Covid-19. Khi đi tiêm anh, chị nên cung cấp cho bác sĩ khám sàng lọc đầy đủ các thông tin về bệnh và thuốc điều trị để bác sĩ có thể tư vấn thêm về các phản ứng sau tiêm có thể gặp. Nếu sức khỏe ổn định, các chỉ số sinh hiệu như huyết áp, mạch, nhịp tim.. đều nằm ở mức bình thường thì sẽ được chỉ định tiêm vaccine Covid-19.

Covid - 19