Tham gia tư vấn trực tuyến, Thạc sĩ Phan Thị Hương, bác sĩ Bùi Huy Hoàng - Cục Y tế dự phòng; Tiến sĩ Vũ Trọng Dược, Viện vệ sinh dịch tế Trung ương; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ giải đáp những thắc mắc về cách nhận biết sớm sốt xuất huyết, phác đồ điều trị mới có tỷ lệ thành công cao; đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, lây nhiễm cao; diễn biến nguy hiểm, các bệnh do virut zika; cách điều trị sớm, giải pháp phòng, chống dịch bệnh...
Độc giả gửi câu hỏi tại đây
10 tháng đầu năm, nước ta ghi nhận hơn 200.000 người mắc sốt xuất huyết trên cả nước, so cùng kỳ năm ngoái có khoảng 72.000 bệnh nhân, 50 người đã tử vong, tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bệnh nhân tăng cao do những thay đổi về khí hậu, môi trường tạo điều kiện cho muỗi sốt xuất huyết sinh sôi. Việt Nam là nước lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết và nằm giữa các quốc gia có dịch bệnh này.
Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes aegypti hút máu. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Giai đoạn sốt thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh, một số biểu hiện dễ gặp tràn dịch màng phổi, gan to, li bì, tụt huyết áp. Người bệnh có thể xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắcxin phòng, cách giảm nguy cơ bùng phát bệnh là diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy. Nếu làm tốt, sẽ không có muỗi truyền bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika đều là loài muỗi vằn. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, phát ban trên da, mệt mỏi, đau đầu...
Zika là chủng virus có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ.Virus này lần đầu tiên được xác định trong rừng Zika ở Uganda vào năm 1947.
Tháng 3/ 2016, Việt Nam phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika. Bệnh nhân đầu tiên là nữ, 64 tuổi, trú tại Phước Hòa, Nha Trang. Bệnh nhân khởi sốt với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở 2 chân và đau mắt đỏ.Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang khẳng định dương tính với virus Zika.
Giới chuyên gia cho biết, Phụ nữ mang thai khi nhiễm virus Zika có thể sảy thai, nguy cơ thai nhi bị tật đầy nhỏ, một tình trạng não bẩm sinh có khả năng gây tử vong. Loại virus này cũng gây ra các rối loạn thần kinh như hội chứng Guillain Barre...
Hiện tại, bệnh do virus Zika gây ra chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng ngừa. Để không nhiễm bệnh, người dân cần hạn chế di chuyển tới vùng có dịch, áp dụng một số biện pháp sau: thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường không cho muỗi phát triển; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý; sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà; ngủ màn; đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong lọ hoa...
Những thắc mắc liên quan đến sốt xuất huyết, virus Zika, cách điều trị, phòng ngừa bệnh... sẽ được Thạc sĩ Phan Thị Hương, bác sĩ Bùi Huy Hoàng - Cục Y tế dự phòng; Tiến sĩ Vũ Trọng Dược, Viện vệ sinh dịch tế Trung ương; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương giải đáp 9h ngày 23/12trên VnExpress.
Ngọc Thi