PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. |
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM. |
- Thưa bác sĩ. Em có thai được 34 tuần rồi cho em hỏi trong giai đoạn này em cần ăn, uống, bổ sung những gì để phát trí não của thai nhi? (Nguyễn Thị Triều, 28 tuổi, 177F Lũy Bán Bích, P. Hiệp Tân, Q. Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia:Chào độc giả VnExpress. Em nên ăn cá, hải sản giàu DHA, kẽm, những loại này tốt cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, em nên uống viên đa vi chất dinh dưỡng, canxi, để phòng chống thiếu vitamin, khoáng chất. Em cũng có thể uống sữa bà bầu giàu DHA, choline, axit folic, vitamin nhóm B. Điều này sẽ tốt cho sự phát triển của con.
- Thời kỳ đầu mang thai, em có nên siêu âm, nếu siêu âm cần phải tuân thỉ theo những quy định nào? (thanh tuyen, 33 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM:
Chào em!
Trong thai kỳ bắt buộc em phải siêu âm tối thiểu 5 lần, riêng trong đầu thai kỳ có 2 siêu âm quan trọng. Lần thứ 1 siêu âm từ khi trễ kinh cho tới 8-9 tuần: xác định tình trạng thai và lần siêu âm thứ 2 (11-13 tuần): sàng lọc, phát hiện những bất thường của thai nhi sớm nhất.
Có 2 cách siêu âm: hoặc là đầu dò âm đạo (không nên áp dụng cho những trường hợp động thai) hoặc siêu âm ngả bụng (bọng đái phải đầy nước tiểu).
- Ốm nghén khiến cơ thể mệt mỏi, dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể cũng không hấp thu nổi, tôi biết điều này sẽ ảnh hưởng đến não bộ của bé? Vậy có cách nào giúp tôi cải thiện tình hình này? (nguyetphan, 31 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn nên chia nhỏ bữa ăn, ví dụ: ăn khoảng 5-6 bữa một ngày. Bạn cũng nên ăn những món bạn muốn ăn, đặc biệt nên dùng nhiều quả chín, cần đảm bảo chất đạm trong các bữa ăn để cung cấp các axit amin, thực phẩm giàu DHA, kẽm. Bạn cũng có thể uống sữa bà bầu có hệ dưỡng chất tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi.
- Cuối kỳ mang thai, tốc độ phát triển của thai nhiphát triển nhanh chóng, nếu bổ sung nhiều dưỡng chất, em bé sẽ tăng số cân nặng nhanh? (ngoc dung, 33 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Dung thân mến!
Dinh dưỡng trong thai kỳ đặc biệt là những tháng cuối sẽ quyết định cho sự phát triển của thai, đặc biệt là trọng lượng thai. Tuy nhiên, khẩu phần ăn phải đa dạng, hợp lý và đầy đủ dưỡng chất: bột đường 37%, vitamin hoặc rau quả trái cây 28%, đạm 25%, chất béo 10%.
Bạn nên hạn chế ăn tinh bột (cơm, bún, phở, bánh mì) và các loại trái cây quá ngọt (mít, xoài, sầu riêng, nước mía).
- Từ khi mang thai, em thèm ngọt kinh khủng, nhiều khi lên cơn, không kềm chế nổi, em ngậm cả thìa đường? Bác sĩ cho em hỏi biều hiện này có khác lạ, có nguy hiểm? (tranthao, 31 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Đây cũng là một trong những biểu hiện nghén của một số người. Sau một thời gian, những biểu hiện này có thể mất đi. Bạn có thể chiều mình bằng cách ăn kẹo hoặc 1-2 thìa đường nhỏ (2 hoặc 3 lần trong ngày) cũng không có hại cho sức khỏe, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn không nên kéo dài hết cả thai kỳ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, gạo lứt/gạo lật để tránh làm tăng đường máu. Hy vọng sau 3 tháng bạn sẽ hết các triệu chứng này.
- Em mang thai tuần 38 mấy ngày gần đây em bị đau râm ran bụng dưới và vùng kín lại đi tiểu nhiều, đó có phải dấu hiệu em gần sinh? (xuan hanh, 33 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Hạnh!
Từ tuần thứ 36 trở đi trong thai kỳ, ngôi thai (đầu thai nhi) sẽ lọt vào khung chậu. Chính vì vậy có thể gây chèn ép các cơ quan xung quanh, gây cảm giác đau trằn, nặng vùng bụng dưới, đồng thời đi tiểu nhiều lần (do chèn ép bàng quang hoặc cảm giác bị kéo phần mô của hai bên đùi trong). Tuy nhiên, những thai phụ gần ngày sanh nếu có những cảm giác như trên thì báo hiệu khả năng sanh ngả âm đạo. Khi bụng đau theo mỗi cơn gò hoặc ra huyết âm đạo là báo hiệu của chuyển dạ. Lúc này bạn cần nhập viện.
- Khi mang thai em uống rất nhiều nước hoa quả cũng như nước lọc, nhưng môi em vẫn cứ khô? Có phải em bị chứng bệnh gì không ạ? (luyen trang, 33 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn uống nhiều nhưng có thể chưa đủ lượng nước theo nhu cầu của cơ thể. Một ngày, tổng lượng nước cộng với các loại nước khác (sinh tố, sữa, nước canh...) khoảng 2-2,5 lít, tùy điều kiện thời tiết. Nếu trời nóng thì nên bổ sung thêm 500 ml so với ngày thường vì nước mất nhiều qua mồ hôi, hơi thở.
- Tuần 34 mình siêu âm thai nặng 2450g có phải thai phát triển chậm? Nếu em uống sữa dành cho bà bầu nhiều sẽ cải thiện nhanh số cân nặng của thai nhi? (xuan dinh, 33 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Đinh!
Trọng lượng trung bình của một thai nhi ở tuần thứ 34 khoảng 2,4-2,6 kg. Như vậy đây là trọng lượng trong giới hạn chấp nhận được. Tuy nhiên, để trọng lượng em bé phát triển tốt, cùng với sự phát trển của các cơ quan, đặc biệt là não bộ, bạn cần chú ý đến một số thức ăn giàu omega 3, carotene, kẽm, acid folic, sắt, choline, DHA, iode... Những chất cần thiết này có thể lấy từ các thức ăn hàng ngày và sữa dành cho mẹ mang thai.
- Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra thông minh lanh lợi và khỏe mạnh. Phát triển trí não ngay từ khi mang thai và di truyền có phải yếu tố duy nhất quyết định trí thông minh của trẻ? Xin bác sĩ cho em lời giải đáp chính xác? (Trần Thị Thanh, 32 tuổi, Bạc Liêu)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Yếu tố di truyền cũng rất quan trọng, quyết định trí thông minh của thai nhi, nhưng không phải là duy nhất. Bạn nên cung cấp hệ dưỡng chất hỗ trợ cho sự phát triển trí não của thai nhi từ khi bắt đầu mang thai, như: DHA, axit folic, sắt, kẽm, vitamin nhóm B... Cho nên bạn phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn cũng nên uống thêm 1-2 ly sữa bà bầu một ngày để cung cấp đầy đủ dưỡng chất hỗ trợ cho sự phát triển trí não của thai nhi. Bạn cũng nên uống bổ sung thêm viên đa vi chất dinh dưỡng cho bà bầu khi phát hiện có thai.
- Khi mang thai, ăn trứng ngỗng sẽ giúp thai nhi phát triển tốt đặc biệt là phát triển trí não, giúp con sau này sinh ra được thông minh, lanh lợi? Quan niệm này đúng sai như thế nào xin bác sĩ giải thích giúp em. Em cảm ơn (Trần Thị Yến Hà, 28 tuổi, Đà Nẵng)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Quan niệm này thật ra không đúng. Các thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng tương đương trứng gà, thịt, cá... nên bạn không nhất thiết phải dùng trứng ngỗng để cung cấp đủ axit amin.
Để hỗ trợ con phát triển trí não và sau này con có chỉ số thông minh tốt, bạn nên chú ý một chế độ ăn uống tốt, có đủ các dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ phát triển hệ thần kinh, trí não thai như trên đã trả lời.
- Tôi thường xuyên bị stress, điều này có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển não bộ của thai nhi? (Trần Thị Mỹ, 27 tuổi, Hà Nội)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Sự phát triển não bộ của thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng thần kinh, tâm lý và dinh dưỡng của người mẹ. Nếu bạn thường xuyên bị stress, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ. Để có não bộ của thai nhi phát triển tốt, bạn cần cung cấp một lượng dinh dưỡng với đầy đủ các chất thiết yếu như omega 3, DHA, choline... Đồng thời, bạn cần tạo một môi trường làm việc thoải mái, tránh căng thẳng bằng việc tham gia các hoạt động như bơi, đi bộ...
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Nếu bạn bị stress sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi cũng như não bộ của thai nhi. Trẻ có thể chậm nói, tự kỷ, nên bạn cần ngủ đủ 8 tiếng một ngày, tránh căng thẳng trong cuộc sống và chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các vi chất dinh dưỡng thiết yếu để đảm bảo sức khỏe của mẹ, thai nhi.
- Thưa bác sĩ, phụ nữ mang thai nên kiêng cử những chất gì để không ảnh hưởng đến tế bào thần kinh não bộ của thai nhi? (Đỗ Ngọc Ánh, 27 tuổi, TPHCM)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Khi mang thai, bạn nên tránh những chất có tính nóng như: ớt, tiêu, các chất kích thích (rượu, bia, cà phê...).
- Trong 6 tháng cuối thai kỳ, thai phụ không nên ăn gì để tránh tăng cân nhanh và phòng ngừa nguy cơ rối loạn đường huyết và chú ý gì để tránh phù nề và cao huyết áp gây sản giật? (Trần Thị Phương Dung, 24 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Dung thân mến!
Để phòng ngừa bệnh rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ (tiểu đường), bạn nên hạn chế những loại thức ăn giàu tinh bột như cơm, bún, phở, bánh mình... và các loại trái cây quá ngọt như mít, xoài, sầu riêng, nước mía...
Tiền sản giật (cao huyết áp trong thai kỳ) có thể xảy ra ở những phụ nữ có tiền căn bệnh lý về thận hoặc những người có thói quen ăn mặn... Tuy nhiên, bệnh lý này xảy ra còn phụ thuộc vào các yếu tố di truyền và thường xảy ra ở người sanh lần đầu.
- Cơ thể của phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt ảnh hưởng đến cơ thể thai nhi như thế nào? (mai thuong, 32 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Iốt rất cần cho tổng hợp hócmôn tuyến giáp của mẹ cũng như thai nhi. Nếu thiếu iốt có thể ảnh hưởng đến phát triển hệ thần kinh của thai nhi, có thể sinh ra những em bé chậm phát triển trí tuệ. Điều này còn có thể gây sảy thai, thai chết lưu, dị tật thai nhi, sức khỏe của mẹ cũng sẽ kém. Bạn có thể bổ sung iốt bằng muối có iốt, các thức ăn biển giàu iốt (rong, tảo biển, những thực phẩm có bổ sung iốt khác hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng có iốt).
- Xin bác sĩ tư vấn. Em mới siêu âm 32 tuần thì em bé được 2kg1 nhưng bác sĩ cho biết lượng nước ối ở mức trung bình thấp, vậy tình trạng em có nguy hiểm? Có cách gì làm tăng lượng nước ối? (Trần Thành Tâm, 28 tuổi, TPHCM)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Với tuổi thai 32 tuần, trọng lượng thai nhi khoảng 2,1 kg là trong giới hạn bình thường. Điều chú ý là lượng nước ối ở mức trung bình thấp, nghĩa là thể tích nước ối ít hơn bình thường (khoảng 1-1,2 lít). Khi ối ít, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể trở thành thai chết lưu trong tử cung nếu lượng nước ối quá ít (nhỏ hơn 400ml).
Vậy để tăng lượng nước ối, bạn có thể tăng lượng chất lỏng đưa vào cơ thể lớn hơn hoặc bằng 3,5 lít trong ngày. Các chất lỏng này có thể là nước uống, nước trái cây, nước canh, sữa. Trong sữa dành cho bà bầu có các thành phần cần thiết giúp cho trẻ phát triển tốt hơn, đặc biệt là về phát triển trí não của trẻ.
Vì những nguy cơ có thể xảy ra như trên, bạn nên được bác sĩ theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn.
- Tôi tăng cân nhanh, đây có phải là dấu hiệu tốt, con khỏe mạnh? (mai thanh, 32 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Tăng cân nhiều quá trong thời kỳ mang thai cũng không tốt. Yêu cầu trung bình 9 tháng mang thai cần tăng khoảng 10-12 kg. Trong đó, 3 tháng đầu cần tăng 1 kg, 3 tháng kế tiếp nên tăng 4-5 kg, 3 tháng cuối cần tăng 5-6 kg. Mẹ tăng nhiều quá thì sau khi sinh sẽ rất khó xuống cân, chưa kể có thể bị tiểu đường, tim mạch.
- Trước khi mang thai tôi nên tiêm phòng những bệnh gì để không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của con tôi sau này? (Phan Thúy Ngần, 31 tuổi, Cần Thơ)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Ngân mến!
Khi một phụ nữ mang thai đều mong muốn sanh ra một em bé khỏe mạnh. Chínhh vì vậy, trong thai kỳ không được mắc một số bệnh nguy hiểm như cúm, rubella... Do vậy, bạn nên chủ động chích ngừa những bệnh trên trước khi mang thai.
Chú ý, sau khi chích ngừa những bệnh trên, sau 3 tháng bạn mới được mang thai.
- Trong suốt thai kỳ cứ ăn nhiều cá thì con sẽ thông minh phải không bác sĩ? (hang thu, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Ăn cá nhiều sẽ tốt hơn ăn thịt vì cung cấp nhiều DHA cần cho sự phát triển của trí não. Để đảm bảo con thông minh, mẹ cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác trong suốt quá trình thai kỳ và sẽ tốt hơn nếu mẹ có sự chuẩn bị trước khi mang thai 3 tháng.
- Tôi được biết DHA rất cần thiết cho trí thông mình của trẻ. Vì thế nên bổ sung DHA trong thời gian mang thai hay để khi ra đời sẽ khuyến khích bé ăn nhiều cá... (Đỗ Thanh Thúy, 27 tuổi, TPHCM)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Thúy!
Sự phát triển trí thông minh của trẻ được phát triển ngay từ giai đoạn bào thai. Để hỗ trợ cho sự trưởng thành của não bộ, các chất sau đây sẽ cần thiết như DHA, đồng, choline, iod, sắt, kẽm, acid folic, mangan, vitamin D... Trong đó DHA rất cần thiết cho sự phát triển trí thông minh của trẻ, đồng thời phát triển tế bão võng mạc (thị giác). Nhu cầu DHA của thai nhi ở 3 tháng cuối thai kỳ là 65mg một ngày.
Nguồn DHA gồm có gan, dầu cá, mỡ cá (cá trích, cá hồi, cá ngừ...) hoặc DHA có ít hơn ở lòng đỏ trứng, thịt gia cầm.
- Mỗi lần đến kỳ khám bác sĩ đều nói em bé tôi tăng cân nhanh, yêu cầu tôi phải điều tiết ăn uống? Xin cho tôi hỏi điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển trí não? (hoang hac, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Có thể bạn nạp quá nhiều năng lượng nên con tăng cân nhanh. Tới khi sinh, con có thể bị đường huyết cao. Sau này khi về già, chính đứa con này cũng có thể bị các bệnh như: béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp. Do đó, bạn không nên tăng cân quá mức sẽ có hại cho bé.
Nếu bạn tăng cân nhiều nhưng thiếu dưỡng chất hỗ trợ phát triển trí não thai nhi thì vẫn ảnh hưởng đến phát triển trí não của con. Bạn cần chế độ ăn hợp lý, đủ dưỡng chất thiết yếu cho cả mẹ và bé, mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
- Phụ nữ mang thai nên uống mỗi ngày một liều bao nhiêu mg sắt nguyên tố và mcg acid folic để phòng tránh thiếu máu? (Nguyễn Thị Thu Hà, 29 tuổi, Hà Nội)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Hà!
Thiếu máu trong thai kỳ là một bệnh nguy hiểm cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị băng huyết sau sanh và con có thể chậm phát triển về trí não. Đặc biệt ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt khá cao (khoảng 50%). Chính vì vậy việc cung cấp sắt là nhu cầu thiết yếu cho thai phụ.
Do vậy, mỗi ngày bạn nên dùng sắt nguyên tố 30-50mg, acid folic 400-800mcg và B12 là 3mcg.
- Trí não của thai nhi bắt đầu phát triển từ thời điểm nào? Nên bổ sung các dưỡng chất nào giúp bé phát triển trí não tốt và thời gian nào là tốt nhất? (thanh ngoc, 33 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Từ ngày thứ 18, thai nhi đã có mầm của não bộ. Khi được 2 tháng, cứ mỗi phút có 250.000 tế bào thần kinh phát triển. Ở cuối thai kỳ, não bộ thai nhi đã phát triển bằng 25% não bộ người trưởng thành nên bạn cần cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu trong suốt thai kỳ để đảm bảo sự phát triển của não bộ thai nhi.
- Ốm nghén khiến cơ thể mệt mỏi, dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể cũng không hấp thu nổi, tôi biết điều này sẽ ảnh hưởng đến não bộ của bé? Vậy có cách nào giúp tôi cải thiện tình hình này? (Lê Thị Thanh Vân, 26 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Vân thân mến!
Ốm nghén là một tình trạng thai đổi của cơ thể do nội tiết tăng cao. Nó có thể ảnh hưởng đến các hệ của cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu và sợ một số mùi... là triệu chứng của ốm nghén. Tình trạng này chỉ kéo dài đến 12-14 tuần sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, để có một số các chất dinh dưỡng thiết yếu cơ bản cho sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn đầu, bạn có thể cung cấp dinh dưỡng bằng nhiều cách khác nhau tùy theo sở thích của bạn (ăn những món bạn thích, không nhất thiết là thịt, cá, tôm cua... hoặc uống những loại sữa mà bạn cảm thấy thích).
- Khi mang thai tôi thực hiện quan niệm "ăn cho hai người" vì thế tôi ăn uống vô tư, điều này đúng hay sai, xin ý kiến của bác sĩ (thu phuong, 34 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Quan niệm này không đúng. Bạn không nên ăn gấp đôi so với bình thường. 6 tháng đầu, bạn cần ăn trung bình tăng thêm 370 kcal và 12-15 gram đạm. 3 tháng cuối cần tăng thêm 470 kcal và 15-18 gram đạm. Các vitamin và khoáng chất cần tăng thêm 150-200% so với thời kỳ bình thường.
Trong thời kỳ mang thai, bạn có thể ăn thêm lưng bát cơm, 30-50 gram thịt, cá hoặc một quả trứng gà và 1-2 ly sữa bà bầu là đã cung cấp đủ năng lượng và chất đạm trên trong một ngày. Ngoài ra, bạn vẫn nên uống viên sắt axit folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng bà bầu để cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho thai nhi phát triển cả về cân nặng, chiều cao, trí não.
- Bác sĩ cho tôi hỏi, hiện nay tôi đang bước sang tuổi 44, vậy tôi có khả năng sinh con? Nếu sinh con thì con có kém phát triển trí não hay không? (Nguyễn Thị Mỹ Anh, 44 tuổi, Quảng Ngải)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Mỹ Anh thân mến!
Ở tuổi 44, bạn vẫn còn khả năng sinh con nếu còn kinh nguyệt. Tuy nhiên, khả năng có thai rất khó do chất lượng của trứng giảm, nội mạc tử cung mỏng và cơ tử cung cứng.
Sự phát triển trí não của trẻ ở những người mẹ lớn tuổi không thay đổi so với các lứa tuổi khác, nó tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp và cân đối mà bạn cung cấp.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề tôi muốn nhắc là khả năng di tật bẩm sinh của những phụ nữ lớn tuổi (lớn hơn hoặc bằng 35 tuổi) có con lần đầu tăng gấp nhiều lần so với phụ nữ trẻ.
- Tôi đang mang thai tháng thứ tư, vừa qua tôi bị ngộ độc thức ăn, điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn trí não của con tôi? (khanh hanh, 34 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Nếu bị ngộ độc thông thường (đau bụng, đi ngoài...) thì không ảnh hưởng nhiều tới con nhưng nếu ngộ độ do hóa chất thì sự ảnh hưởng đến thai nhi còn phụ thuộc vào mức độ ngộ độc.
Hóa chất lẫn trong thực phẩm như: thuốc trừ sâu, diệt cỏ hoặc những chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm thì có thể ảnh hưởng tới thể chất, trí não của thai nhi.
- Vì nghén nặng nên tôi rất sợ việc bị nôn, ói. Để khắc phục vấn đề này, tôi nhịn ăn và chỉ uống chút sữa, vậy cách này có ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi? (khanh ha, 34 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Nếu chỉ uống chút sữa thì không đủ dinh dưỡng cho con. Trong thời gian nghén, bạn cần cung cấp đủ chất đạm, vitamin, khoáng chất, năng lượng, chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa một ngày.
Ngoài sữa, bạn có thể uống thêm nước hoa quả, cố gắng ăn mỗi thứ một chút, tránh những món ăn có mùi vị mạnh (tanh, nồng...) hay những thức ăn quá nóng, quá lạnh. Hy vọng những giải pháp này giúp bạn thu nạp năng lượng tốt hơn. Bạn cũng nên ngủ đủ giấc, giữ cho tinh thần thoải mái để cảm giác nghén giảm bớt.
- Có những chất nào được xem là nguy hiểm nhất đối với quá trình phát triển của bào thai, mà bà mẹ mang thai cần tránh và chất này thường gặp trong những thực phẩm nào? (my thanh, 32 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Các chất kích thích cần phải loại bỏ khi mang thai như: rượu, bia, cà phê... Bà bầu cũng nên tránh tiếp xúc với môi trường có hóa chất.
Những thực phẩm thông thường thường không có gì nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi nên mẹ không cần kiêng cữ gì.
- Cháu xin được hỏi các bác sĩ. hiện cháu đang mang thai được 32 tuần, kết quả siêu âm, em bé có một vòng dây rốn quấn cổ, điều này liệu có ảnh huởng đến sự phát triển trí óc của bé không? Ngoài ra, do nhiều lý do, từ đầu thai kỳ cháu đã thực hiện siêu âm thai nhiều lần, liệu việc đó có ảnh hưởng đến thai nhi không? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Bùi Thị Mai Hương, 29 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Hương!
Dây rốn quấn cổ là một tình trạng có thể gặp trong thai kỳ (dưới 20%). Theo tổng kết, 80% các trường hợp dây rốn quấn cổ có thể sanh thường ngả âm đạo. 20% còn lại do tình trạng dây rốn quấn chặt, làm giảm lượng máu từ mẹ sang con. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài sẽ làm cho thai chậm tăng trưởng trong tử cung, dẫn đến thai suy dinh dưỡng, có thể chết lưu nếu dây rốn quấn quá chặt.
Để phát hiện các nguy hiểm cho thai có thể xảy ra do tình trạng dây rốn quấn cổ chặt bằng cách người mẹ sẽ theo dõi cử động thai 3 lần mỗi ngày, mỗi lần một giờ (sau mỗi bữa ăn). Trong một giờ có lớn hơn hoặc bằng 4 cử động thai là tốt. Nếu ít hơn 4 hoặc nhiều hơn 20 cử động thai trong một giờ, hoặc thai máy yếu hoặc thai quẫy đạp liên tục thì phải đi khám ngay tại bệnh viện phụ sản.
Với tình trạng dây rốn quấn cổ chặt, gây thiếu máu toàn bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ và tim của thai nhi. Bạn cần được tư vấn thêm bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Bạn thực hiện siêu âm thai nhiều lần không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (trừ trường hợp siêu âm màu với thời gian lớn hơn hoặc bằng 30 phút). Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng siêu âm trong thai kỳ quá nhiều.
- Tôi mang thai tuần 23, dạo gần đây tôi thèm nước kinh khủng, dấu hiệu này có phải báo cho biết thai nhi thiếu nước, xin một lời giải thích từ bác sĩ ạ? (hoaiphuong, 32 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn nên xem lại khẩu phần ăn có mặn quá không và đã cung cấp đủ nước cho cơ thể chưa vì khi có thai cơ thể tăng cường chuyển hóa. Thường khi có thai, bạn nên ăn nhạt hơn so với bình thường. Tổng lượng nước trong ngày đối với phụ nữ mang thai cần 2-2,5 lít.
- Khi mang thai mỗi ngày em đều uống 1 ly cà-phê sữa, điều này có gây hại gì đến sự phát triển thể chất và trí não của thai nhi? (thuy phuong, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn không nên cho nhiều cà phê mà nên cho nhiều sữa hơn, giống như pha bạc xỉu (theo cách gọi miền Nam) thì không ảnh hưởng tới thai nhi. Mỗi ngày có thể uống bạc xỉu 1-2 lần cũng không sao.
- Sự thiếu kẽm lâu dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển tầm vóc, trí tuệ, giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, vậy tôi nên bổ sung kẽm như thế nào để cơ thể hấp thu kẽm một cách tốt nhất? (luong nga, 33 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Kẽm rất cần cho sự phát triển chiều cao, tầm vóc, khả năng miễn dịch của thai nhi. Những thực phẩm giàu kẽm như hải sản, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, giá đỗ... cần có trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng (trong đó có kẽm) hoặc viên kẽm, cốm kẽm. Tổng mức bổ sung kẽm trong một ngày vào khoảng 15 mg là hợp lý.
- Vợ e năm nay 28 tuổi (73kg), mang thai đuợc 2 tháng và bệnh tiểu đường. Nên mong các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc cũng như thực đơn dành cho những thai phụ đái tháo đường như vợ em.
(Duong Quốc Dung, 33 tuổi, 863/2 Nguyen trai F14,Q5)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào em!
Tiểu đường trong thai kỳ là một bệnh nguy hiểm cho cả mẹ và con. Thai nhi của những người mẹ tiểu đường thường to (có thể lớn hơn 4kg). Tuy nhiên, sức đề kháng của những thai này thường yếu, dễ bị chết lưu trong tử cung. Nếu sanh, thường bị mổ lấy thai do trọng lượng thai lớn. Bé sanh ra dễ bị các cơn hạ đường huyết, gây suy hô hấp và tử vong nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Bản thân trẻ sanh ra trong tình trạng mẹ bị tiểu đường thường kém đề kháng, dễ bị bội nhiễm, đặc biệt là hô hấp và tiêu hóa, dễ dẫn tới tử vong.
Đối với thai phụ bị tiểu đường, cần hạn chế các thức ăn tinh bột, các loại trái cây quá ngọt và nước ngọt có ga... Điều quan trọng nhất là phải được thăm khám bởi bác sĩ nội tiết để có hướng điều trị phù hợp cho từng đối tượng.
- Cho em hỏi cả em và chồng đều bị cận, như vậy thì trong quá trình mang thai, em có cần theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào để tốt cho mắt thai nhi không? Có hạn chế loại thực phẩm nào không?
Cám ơn bác sĩ (Lien Phan, 27 tuổi, Gò Vấp)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Khi mang thai, để phát triển thần kinh thị giác của thai nhi cần bổ sung DHA, vitamin A, axit folic, choline. Đây là những chất rất cần cho sự phát triển của tế bào thần kinh và thần kinh thị giác của thai nhi. Những chất này có trong cá biển, hải sản, tảo biển, thịt, trứng, sữa, rau có màu xanh thẫm, củ quả có màu vàng... Hàng ngày bạn nên ăn đa dạng thực phẩm, ví dụ: 15-20 loại thực phẩm trong ngày.
- Từ khi mang thai tôi lại thích ăn mì gói. Vì thế tôi thường xuyên ăn mì và sau mỗi lần ăn xong tôi đếu uống một ly sữa, cách này liệu có ổn cho sức khỏe và trí não của thai nhi? (lamthuhang, 29 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn có thể cải tiến cách ăn này một chút, ví dụ như: khi nấu mì nên có thêm rau xanh, giá đỗ, thịt, cá, trứng... và uống thêm sữa nữa thì cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.
- Tôi có thai 4 tuần, tôi nghe nói những loại dầu thực vật như hướng dương, vừng… rất tốt cho não bộ, vậy tôi nên bổ sung như thế nào hợp lý và không ảnh hưởng đến chất lượng của dầu? (mai thi, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Những hạt có dầu và các loại dầu mà bạn liệt kê giàu các tiền tố DHA nên tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý cách sử dụng, ví dụ: nên sử dụng vừng, dầu khi trộn với rau, dưa chuột hoặc cho ít dầu vào các món sau khi đã hấp chín, xào chín..., như vậy sẽ giữ các axit béo không no cần thiết.
- Em đang mang thai tháng thứ 7 và hay bị chuột rút vào ban đêm, thường gặp ở bụng chân và các cơ thịt ở chân do co duỗi. Vậy có cách nào hạn chế hiện tượng này? (thu thien)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Hiền!
2 chất thiết yếu thường bị thiếu trong thai kỳ là canxi và sắt. Khi thiếu canxi sẽ có những biểu hiện: đau lưng, chuột rút, chảy máu răng... Để giải quyết được tình trạng này, bạn phải được bù đủ chất canxi cho cơ thể và cho thai nhi. Lượng trung bình khoảng 1.000-1.200 mg mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cần ăn những thức ăn giàu canxi như cua đồng, tép, hột vịt lộn, trứng ngỗng...
Hậu quả của tình trạng thiếu canxi: đối với người mẹ sẽ dễ bị băng huyết khi sanh, dễ bị loãng xương khi tuổi già. Con thì chậm phát triển về chiều cao, các mầm răng không tốt.
- Rượu vang tốt cho sức khỏe vậy khi mang thai uống rượu vang có vấn đề gì không? Có ảnh hưởng như thế nào đến IQ của trẻ? (tramanh)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Bạn không nên uống nhiều, mỗi ngày uống 1 cốc nhỏ cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi.
Nếu uống số lượng ít, tổng lượng cồn không nhiều thì sẽ không ảnh hưởng tới IQ của trẻ. IQ của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong chế độ ăn của mẹ đã liệt kê ở những câu trả lời trên.
- Bước sang tuần thai thứ 34, em có nên uống dầu cá? (Minh quy, 33 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào em!
Theo nghiên cứu cho biết, người mẹ mang thai sử dụng dầu cá ở giai đoạn sớm của thai kỳ giảm nguy cơ hiếu động bệnh lý ở trẻ so với người mẹ không sử dụng.
Mẹ sử dụng dầu cá ở giai đoạn muộn của thai kỳ, trẻ sinh ra có chỉ số IQ về ngôn ngữ tăng 7,55 lần so với nhóm không dùng.
- Bổ sung quá nhiều vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển thai nhi? Vì sao? (ngoc hoa, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Vitamin A có trong chế độ ăn hoặc trong viên đa vi chất dinh dưỡng của mẹ thì không có nguy cơ thừa hay ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi. Trong 3 tháng đầu tiên, đặc biệt là tháng thứ nhất, nếu mẹ dùng liều cao (một viên 200.000 đơn vị quốc tế) thì có nguy cơ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển thai nhi. Vì giai đoạn đầu, thai nhi hình thành và phân chia các tế bào tổ chức, mà vitamin A thì cần cho sự phân chia các tế bào tổ chức này nên nếu thừa sẽ không tốt cho thai nhi.
- Các bé sinh trước vào tuần thứ mấy được coi là sinh non và những bé sinh ra sau bao nhiêu được coi là sinh muộn? (khanh phuong, 29 tuổi)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Phương thân mến!
Ngày sanh dự kiến là ngày tuổi thai tròn 40 tuần. Tuy nhiên, thai đủ tháng được tính 38-42 tuần. Nếu tuổi thai nhỏ hơn 38 tuần được gọi là thai non tháng, trên 42 tuần được gọi là thai già tháng.
Trẻ non tháng có rất nhiều nguy cơ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là suy hô hấp và nhiễm trùng. Nếu tuổi thai càng nhỏ, khả năng suy hô hấp càng cao do phổi chưa trưởng thành.
Đối với thai già tháng chia thành 2 nhóm: nhóm 1 thai già tháng sinh lý (80%) nhau và thai tiếp tục phát triển nên thai to và thường sanh khó, tỷ lệ mổ lấy thai tăng. Ở nhóm 2 thai già tháng bệnh lý (20%), bánh nhau bị suy thoái, máu nuôi em bé giảm, thai thường suy dinh dưỡng từ nhẹ đến nặng, nặng nhất là thai chết lưu trong tử cung. Do vậy không nên để thai quá ngày dự sanh mà không can thiệp.
- Tôi ăn chay trường, vậy khi mang thai mà không biết nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào cho cả mẹ và con? (tu anh, 33 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Nếu mẹ ăn chay trường sẽ thiếu các vitamin, khoáng chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của mẹ và thai nhi. Do đó, bạn chỉ nên ăn chay bán phần (vẫn uống sữa, ăn trứng), uống viên đa vi chất dinh dưỡng hay viên sắt, axit folic để đủ chất dinh dưỡng cho hai mẹ con. Trong giai đoạn mang thai, tốt nhất bạn không nên ăn chay vì các chất có trong động vật, hải sản cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Nạp bao nhiêu lượng axít folic mỗi ngày để hỗ trợ sự phát triển trí não của thai nhi? Nguồn axit folic này có trong những thực phẩm nào? Nên bổ sung vào thời điểm nào của thai kỳ? (bichnga, 32 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
Lượng axit folic cần bổ sung trước khi mang thai 3 tháng và trong suốt quá trình mang thai khoảng 600-800 mcg mỗi ngày. Những thực phẩm giàu axit folic như: gan động vật, rau có màu xanh thẫm. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, axit folic sẽ bị hao hụt nhiều nên bạn phải bổ sung từ nguồn khác như: sữa bà bầu, viên đa vi chất, viên sắt... Nhìn chung, sự phát triển trí não của thai nhi cần hệ dưỡng chất thiết yếu như đã nêu ở các câu trả lời trên.
- Giai đoạn nào cần bổ sung dưỡng chất để giúp thai nhi phát triển trí não tốt nhất? (tuyetngoc)
- TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Chào Ngọc!
Quá trình phát triển não bộ ở thai nhi ở giai đoạn cuối 3 tháng đầu não bộ bắt đầu phát triển, vùng hồi hải mã (chức năng trí nhớ) phát triển từ tuần thứ 10 đến 21. 3 tháng giữa và cuối não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhanh nhất. Kích thước và trọng lượng tăng gấp 6 lần. Do vậy bạn cần cung cấp nhiều năng lượng và dưỡng chất như DHA, đồng, cholin, kẽm, acid folic... Ở trẻ sơ sinh 70% năng lượng cung cấp cho sự phát triển của não bộ.
- Xin hỏi 2 chuyên gia tư vấn, trong quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, mẹ cần đặc biệt chú ý những mốc quan trọng nào để con phát triển não bộ tốt nhất. Ngoài thức ăn quen thuộc hàng ngày, mẹ bầu cần chú ý bổ sung thêm loại thực phẩm nào để tốt cho não bộ của trẻ. Chân thành cảm ơn bác sĩ (Hải My, 28 tuổi)
- PGS.BS Nguyễn Thị Lâm:
DHA, axit folic, choline, sắt, kẽm... rất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi và cần duy trì trong suốt quá trình thai kỳ. Ngoài chế độ ăn khoa học, các mẹ bầu cần chọn thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng trên, nên uống sữa bà bầu 1-2 ly một ngày có giàu dưỡng chất như trên. Các mẹ cũng đừng quên uống viên đa vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt/axit folic để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ của thai nhi.
Do thời gian có hạn nên tôi chưa giải đáp hết các thắc mắc của độc giả VnExpress. Mong sẽ có dịp gặp lại các bạn trong những lần sau và thân chào độc giả VnExpress. Chúc các mẹ bầu có thời kỳ mang thai mạnh khỏe và sinh được những đứa con khỏe mạnh, thông minh.