Tháng 8 năm ngoái, anh Lê Văn Hội, trú tại Quảng Nam, bắt đầu đi tiểu buốt. Là người kinh doanh, ít hiểu biết về bệnh tật, người đàn ông ngần ngại không đi khám, cũng không nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh nan y hiểm nghèo. Mỗi lần đau tức, anh để mặc cơ thể mệt mỏi, cố gắng giải quyết công việc.
Hai tháng sau, cơn đau ngày càng nghiêm trọng, anh được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phát hiện ung thư hạch thể hiếm, nhưng gia đình giấu không cho anh biết về căn bệnh. Ung thư hạch bạch huyết có thể gặp ở bất kỳ cơ quan nào và là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc theo tuổi là 5,2/100.000 dân, gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Khi chuyển sang Bệnh viện Vinmec, do bác sĩ Phan Trúc, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUniversity điều trị, anh Hội mới được vợ thông báo tình trạng bệnh. "Ung thư giống như một cơn ác mộng mà khi vượt qua mới hiểu sự khắc nghiệt", người đàn ông kể lại, hôm 20/2.
Từ 70 kg cân nặng, anh giảm xuống còn 40 kg, cả tinh thần lẫn thể chất suy sụp nặng nề. "Ngày nào bác sĩ, người nhà cũng hỏi tôi những câu y hệt nhau, như: 'Trong người cảm thấy thế nào?", rồi động viên, khiến tôi mệt mỏi không muốn trả lời".
Cảm giác không thể chịu đựng thêm việc điều trị một giây phút nào, anh Hội bảo vợ: "Hay thôi, cho anh về nhà, chi phí điều trị có thể lên tới hàng tỷ đồng lại không thể chắc chắn 100%, còn làm khổ thêm mọi người". Tuy nhiên, mọi yêu cầu của anh không được đáp ứng, khiến người đàn ông càng thu mình và rơi vào trầm cảm. Anh Hội thường xuyên mệt mỏi, cáu giận, không muốn gặp gỡ ai cũng như không còn động lực sống.
Trầm cảm là vấn đề tâm lý nhiều bệnh nhân ung thư gặp phải trong quá trình điều trị. Năm 2012, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) tiến hành một cuộc nghiên cứu trong 9 tháng, tại Khoa Ung bướu, trên 264 bệnh nhân. Kết quả cho thấy gần 58% người bệnh bị trầm cảm. Trong đó, bác sĩ nói rằng đáng chú ý là bệnh nhân vốn nghề nghiệp lao động trí óc có mức độ trầm cảm nặng hơn người bệnh nghề lao động chân tay, tỷ lệ trầm cảm tăng dần theo giai đoạn bệnh. Các triệu chứng trầm cảm thường gặp là cảm giác buồn chán (tỷ lệ gần 71%), rối loạn giấc ngủ (hơn 70%), hồi hộp lo lắng (hơn 66%)...
Hai nghiên cứu khác của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc bệnh ung thư cao hơn 85% so với dân số chung, trong đó những bệnh tiên lượng xấu nhất như ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất.
Các chuyên gia nhận định trầm cảm ở bệnh nhân ung thư do nhiều nguyên nhân gây ra, như chấn thương tâm lý, khối u, các biện pháp hóa trị, tia xạ, phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc. "Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc tất cả điều chưa biết phía trước", nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103 kết luận.
Bản thân anh Hội cũng trải qua những giai đoạn tâm lý như trên, khi ban đầu, người đàn ông không tin mình có thể mắc ung thư, suy sụp khi nghĩ đến một ngày sẽ phải rời xa vợ con. Tuy nhiên, khi đối mặt với thực tế, anh Hội nhận ra bản thân không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chiến đấu.
Từ đó, anh tìm đến chánh niệm và thiền định. Mỗi khi mệt mỏi, bất an, anh nằm im và để tâm trí thả lỏng. Anh cố gắng tập thở bụng, mỉm cười, nghĩ đến những điều tích cực, lành mạnh.
"Một ngày, hai ngày, rồi dần dần, tâm trí của tôi không còn hoảng loạn, mà chỉ là những giây phút hạnh phúc bên vợ và các con, nghĩ về dự định mà hai vợ chồng từng vạch ra", anh nói và cho biết thêm nhờ vậy, anh cảm thấy nhẹ nhõm và bình an hơn.
Từ ngày chồng nằm viện, vợ anh bỏ công việc, ở bên cạnh chăm sóc. Hai bé 3 tuổi và một tuổi phải chia nhau ở với ông bà nội ngoại. Nhớ con, anh thi thoảng gọi điện nhờ ông bà cho ngắm cháu. Các con hay hỏi "Bố đâu?", mọi người trả lời "Bố đi bệnh viện, khi nào xong việc bố về với con". Khát khao được sống để nuôi dạy và chứng kiến những bước trưởng thành của con cái cũng là động lực thúc đẩy người đàn ông cố gắng chiến thắng bệnh tật.
Bác sĩ Phan Trúc, người trực tiếp điều trị bệnh nhân, cho biết trường hợp anh Hội là ca bệnh khó. Khi nhập viện, thể trạng bệnh nhân rất yếu, phải phụ thuộc hoàn toàn vào hồi sức tích cực. Bác sĩ sử dụng Pet CT - một kỹ thuật rất cao trong chẩn đoán hình ảnh ung thư, sử dụng một loại đường glucose đã biến đổi cấu trúc, có gắn chất phóng xạ phát sáng, để biết được tình trạng khối u đang tiến triển ở đâu. Nguyên tắc là các tế bào nào trong cơ thể cũng sử dụng đường, tế bào nào hoạt động càng nhiều thì sử dụng đường càng nhiều, phát màu càng sáng.
Sau khi chụp, hình ảnh phát sáng rất nhiều trong cơ thể anh Hội, là những tế bào ung thư phát triển. Bệnh nhân còn bị biến chứng nhiễm trùng, sụt cân nghiêm trọng kèm viêm phổi. Khối u chèn ép thận hai bên, khiến anh không thể đi tiểu, làm nước tiểu ứ lại, gây nhiễm trùng máu, sốc, bác sĩ phải dùng vận mạch, lọc máu, thở máy.
Điều trị bằng thuốc đích được một thời gian, anh Hội bị xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch, phải chuyển hướng. Kết quả chụp phát hiện ruột tắc hoàn toàn - góp phần giải thích tại sao bệnh của người đàn ông xấu dần ngay khi đang uống thuốc đặc trị.
Bác sĩ Trúc mất nhiều thời gian để nghiên cứu, cuối cùng phát hiện chỗ phình đó phù hợp hơn là khối máu tụ, chứ không phải khối u, phải có thời gian chờ hấp thụ. Bệnh nhân được chuyển sang đi hóa chất và dùng thuốc miễn dịch đường truyền tĩnh mạch trở lại với rủi ro lúc này rất lớn. Tất cả chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Kỳ diệu, khoảng 5 ngày, tình trạng cải thiện rõ rệt, cơ quan chức năng hồi phục. Hai tuần sau, bệnh nhân không cần lọc máu.
Sau ba tháng, kết quả điều trị khả quan, anh được xuất viện.
Ba tháng nằm viện, gần như không ăn gì, chỉ truyền dinh dưỡng, trong đầu anh luôn nghĩ sau khi ra viện sẽ ăn thỏa thích những món yêu thích như cá chép om dưa, cơm rang dưa bò... Tuy nhiên, anh ăn không nổi vì mất hết vị giác, "nhai thực phẩm như nhai rơm", phải tập ăn trở lại.
Hiện, anh có thể đi lại nhẹ nhàng và tự vệ sinh cá nhân. Chưa thể bắt đầu lại công việc, thời gian rảnh, anh lại hành thiền để tâm trí trở nên nhẹ nhõm, chuẩn bị cho những lần tái khám sắp tới.
Thúy Quỳnh