Nghiện rượu. Mất ngủ. Căng thẳng quá độ. Trầm cảm giai đoạn đầu. Là những từ khóa miêu tả cuộc sống của tôi trong khoảng thời gian 38, 39 tuổi. Không biết mọi thứ đã đến chính xác như thế nào, chỉ biết bỗng một ngày tôi thấy mình bắt đầu bị hút vào một cái hố sâu tuyệt vọng. Sự kiệt quệ về trí lực sau quãng thời gian dài chèo chống công ty đi qua những khủng hoảng liên quan đến thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt, sự kiện paraben, khủng hoảng truyền thông và giọt nước tràn ly cuối cùng là căn bệnh ung thư của mẹ tôi cuối cùng đánh gục tôi. Với bản tính ương ngạnh, không thích phiền lụy hay cậy nhờ ai khi chưa thật sự cần (mà giới hạn để cần của tôi thì cũng không bình thường cho lắm), tôi nghĩ có thể loay hoay tự giải quyết khỏi những cơn trầm buồn kéo dài. Nhưng tôi đã nhầm. Tôi không phải là một cái máy cứ hỏng hóc rồi tự chữa lành.

Bìa sách "Bao giờ là đúng lúc" - Cựu người mẫu Vũ Cẩm Nhung. Chị sinh năm 1976, từng là người mẫu thế hệ đầu trong nước. Chị đoạt danh hiệu siêu mẫu châu Á tại cuộc thi ở đảo Guam - Mỹ tháng 11/1994. Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, người đẹp bỏ nghề người mẫu, khởi nghiệp kinh doanh.
Tôi mất ngủ triền miên. Chứng sợ bay máy bay tăng dần. Những cơn sợ hãi tìm đến ngày một thường xuyên. Dù vậy, tôi vẫn duy trì nhịp sống rất nhanh: tập fitness hàng ngày vào 7h sáng, cardio hai lần một tuần, xen kẽ các buổi yoga stretch, tự lái xe ô tô đến công ty, và làm việc liên tục tới 7h tối mỗi ngày. Bên cạnh đó, tôi còn bay đi bay lại giữa Hà Nội - Sài Gòn, bay một mình trong các chuyến công tác tại châu Âu. Với khối lượng công việc khổng lồ, tôi đã đẩy cả một đoàn tàu chạy theo hết công suất.
Việc mất ngủ cũng khiến tôi trở thành người làm việc vào ban đêm trong thời gian này. Giữa tất cả những bộn bề ấy, tôi nhận tin dữ: Mẹ bị ung thư. Tôi im lặng trong ba giây trấn an bản thân, bởi tôi chưa tìm được "kế hoạch" cho thử thách này. Mẹ và anh trai tôi ngồi trong phòng bên sau một ngày dài PET Scan của mẹ tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi bước vào phòng tỏ vẻ nhăn nhó: "Họ chưa tìm ra nguyên nhân, họ đoán là u thôi". Tôi nói dối ngon lành, và may là với rất ít hiểu biết PET Scan, mẹ tôi khi đó cũng im lặng tin. Đưa mẹ lên ghế dưới của xe và đóng cánh cửa cuối cùng lại, tôi nói với anh tôi đứng bên ngoài thật nhanh: "Bà C bị ung thư rồi". Tôi bước lên ghế trước, điều mà không bao giờ xảy ra, vì tôi luôn ghét ghế trước. Tôi chọn nó vì tôi muốn được có sự riêng tư và tránh ánh mắt của mẹ. Lên xe chúng tôi tám liên hồi và sôi nổi về Obama, hôm nay ông ra sân bay, rời Việt Nam cùng vị đầu bếp Andrew Bourdain... người chúng tôi ngưỡng mộ và yêu thích các chương trình có ông dẫn dắt, sau này ông đã tự sát làm cho chúng tôi sốc và không khỏi phân vân.
Tôi nhắn tin ngay cho chồng tôi về bệnh tình của mẹ và nhờ anh tìm gấp bác sĩ đầu ngành. Đêm đó tôi tỉnh dậy lúc 2h sáng và dành cả đêm để tìm hiểu về ung thư phổi. Trong đúng một tuần, tôi đã cùng anh tôi và chồng đi gặp giáo sư N và bác sĩ V, những chuyên gia đầu ngành về ung thư phổi để tiến hành đầy đủ xét nghiệm cũng như những thủ tục để quyết định phương án giải phẫu. Tuy nhiên, chúng tôi phải chờ thêm một tuần nữa mới có thể mổ bởi lịch nghỉ dưỡng biển đã đặt trước rồi. Về cơ bản một tuần đó rất tốt cho việc chuẩn bị tinh thần trước ca đại phẫu của mẹ nhưng lại quá dài với kẻ tiềm ẩn trầm cảm là tôi.
Tôi chỉ còn có một chọn lựa đó là vùi đầu vào cuốn tự truyện đã mua từ rất lâu mà chưa đọc vì nó quá dày: Đời tôi - Bill Clinton. Tôi nghiến ngấu nó cho qua ngày, tới trang cuối thì cũng là lúc kỳ nghỉ kết thúc. Ngày mẹ mổ tôi còn bắt bà cười tươi để chụp ảnh làm kỷ niệm khi xe đẩy đẩy bà vào phòng. Đúng 4h chiều, bác sĩ phụ trách gọi tôi và anh tôi vào gặp. Ca mổ thành công và được mang đi xét nghiệm. Thật may, nhờ có nhiều anh em bên ngành hàng dược phẩm trợ giúp tận tâm, chúng tôi có kết quả xét nghiệm của mẹ sau bốn ngày.
Ngay khi nhận sáu, bảy trang giấy đầy thông số loằng ngoằng, một mặt tôi gửi ngay cho giáo sư N, hẹn gặp 6h chiều, khi giáo sư có thời gian, một mặt tôi lại tiếp tục cuộc "tìm kiếm thông tin qua anh Gúc". Năm tiếng là quá lâu với tôi nên tôi còn nhờ thêm sự trợ giúp của hai bác sĩ khác không cùng chuyên ngành. Cuối cùng, ơn trời nút thắt cũng được gỡ dần khi tôi nhận kết quả: Ung thư của mẹ giai đoạn đầu nên mẹ tôi không phải hóa xạ trị hay uống thuốc, khối u ác tính đã được lấy hết rất xuất sắc.
Về phần mẹ, tới đúng chiều tối hôm đó mới chính thức nhận được các thông tin về bệnh của mình từ tôi. Tôi đã chứng kiến mẹ, một phụ nữ hơn 70 tuổi, từ một người chạy trên máy chạy, tập tạ tay mỗi ngày mới một tháng trước, tập yoga 80% bài nặng cùng với tôi, hôm nay tiếp tục bắt đầu lại việc: tập đi bộ, tập thở, tập thiền. Nghị lực và sự lạc quan của mẹ luôn luôn khiến tôi nể phục hết lần này tới lần khác.
Sau khi bệnh của mẹ đã được đẩy lùi, đúng một tháng sau tôi rơi vào hố trầm cảm. Tôi buộc phải cầu cứu mẹ giúp tôi tập thiền và chỉ tôi cách đọc kinh Phật. Mẹ massage đầu cho tôi, nắm tay tôi cùng đi bộ ra công viên xinh xinh gần nhà các buổi chiều. Có lúc nói vài câu chuyện gì đó. Có lúc tôi chỉ im lặng nắm chặt tay mẹ mà thôi... nỗi buồn ở đâu cứ ào ào bám riết lấy tôi... chẳng có lý do gì mà buồn kinh khủng như thế hết ngày này qua ngày khác. Đôi khi tôi hối hận vì đã kéo bà vào mớ bòng bòng không có câu trả lời của mình. Tại sao lại khiến bà phải thêm lo lắng về đứa con gái này như thế. Tại sao tôi không thể tự giải quyết nó như giải quyết mọi sự việc khác mà tôi đã từng làm trong ngần ấy năm?
Có nhiều đêm thức trắng, buổi sáng tỉnh dậy, tôi khóc và nghẹn ngào nói với Nhật: "Em không đủ sức để sống nữa rồi, anh ở lại nuôi con, dạy con giúp em". "Em sẽ vượt qua được Nhung ơi, anh và gia đình sẽ bên em, em đã qua được nhiều điều, nhiều chuyện, lần này em cũng sẽ qua được". Câu nói của anh lại một lần nữa khiến tôi mạnh mẽ. Bằng tất cả năng lượng cuối cùng, lý trí tỉnh táo cuối cùng, tôi bắt đầu tự lần mò tìm hiểu thông tin về bệnh tình của mình.
Thông qua một chị bạn thân, tôi có những khái niệm mù mờ đầu tiên về trầm cảm. Nó hoàn toàn không chỉ đơn giản là những cơn mệt mỏi quá độ hay căng thẳng vượt ngưỡng kiểm soát như tôi lầm tưởng. Nhưng có lẽ may mắn nhất, dù ông trời mang đến thử thách vẫn để cho tôi cơ hội tự tìm cách cứu mình. Hoặc có thể ý chí là thứ mà tôi đã rèn luyện không ngừng từ lúc còn bé, nên dù hoàn cảnh thế nào nó vẫn không thể chết hẳn bên trong mình được. Vậy nên, khi trải qua rồi, tôi càng khẳng định nghị lực cùng sức bền là hai thứ mà ai cũng phải rèn luyện, tích lũy liên tục.

Cựu người mẫu Vũ Cẩm Nhung (phải) và mẹ. Ảnh: VCM.
Bệnh trầm cảm tìm đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Ngoài những triệu chứng thường thấy như buồn bã, tuyệt vọng, chán ăn, mất ngủ thì còn có cả mệt mỏi về thể chất (cơn đau đầu, nhức mỏi toàn thân) hoặc là hay cáu bẳn, dễ khóc, có xu hướng thờ ơ với sức khoẻ bản thân hoặc nghĩ nhiều đến cái chết... Theo nhiều nghiên cứu khoa học, phụ nữ có tỷ lệ mắc phải trầm cảm cao hơn nam giới và thường thì hay giấu giếm hoặc từ chối khám chữa vì e ngại nhiều cái nhìn không thiện cảm.
Trầm cảm thường đánh gục được chúng ta bởi vì nồng độ cảm xúc tiêu cực bị đẩy lên vượt ngưỡng chịu đựng. Dần dần thành cảm thấy kiệt sức, vô vọng. Tuy nhiên, tôi nhận ra việc phải để cho tinh thần mình thỉnh thoảng được nghỉ ngơi là việc nhất định phải làm. Suốt nhiều năm, tôi luôn đặt bản thân ở vị trí của một người phải dẫn đầu mọi thứ, lo toan mọi thứ, đòi hỏi mọi thứ chuẩn mực đến từng ly từng tí. Tôi hầu như không để ai giúp, cũng không có thói quen phàn nàn hay chia sẻ khúc mắc của mình cùng ai. Thậm chí kể cả có chia sẻ cũng vẫn cố làm chủ tình huống. Trong đầu luôn tâm niệm, mình làm được, mình sẽ làm được mà. Lâu dần, người xung quanh cũng nhìn tôi bằng niềm tin rằng việc gì tôi cũng có thể đi qua.
Cho đến khi khuỵu xuống, tôi mới thấm thía con người ai cũng có những giới hạn của mình. Đừng dồn ép sự chịu đựng của bản thân đến cùng cực, đừng ép mọi thứ phải hoàn hảo tuyệt đối và quan trọng là đừng bao giờ tự cô lập cảm xúc tiêu cực của chính mình. Chúng ta vốn dĩ chưa bao giờ đơn độc như chúng ta nghĩ. Chỉ là vẫn đang phải học cách mở lòng, học cách trút bỏ, học cách tiến gần lại hơn nữa những người xung quanh. Đôi khi không phải để cầu cứu bất kỳ ai giải pháp, mà đơn giản để đối phương biết chúng ta cần họ.
Hai năm chữa trị cứu mình, tôi học được bài học lớn về bản thân. Rằng tôi có thể là một chiến binh nhưng tôi không phải là siêu anh hùng. Phải học cả cách đặt những gánh nặng trên vai xuống nữa. Đôi khi lùi tức là tiến. Không nhất định cứ phải lao mãi về phía trước làm gì.
Kỳ một, còn tiếp..
(Trích sách Bao giờ là đúng lúc?, Phan Ý Yên chấp bút)