Hà Chương sinh năm 1982 tại Quảng Ngãi. Năm hai tuổi, anh mất hoàn toàn thị lực. Từ bé, anh nỗ lực tập chơi guitar, đàn bầu... Năm 2004, anh đỗ thủ khoa hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Hà Nội), chuyên ngành đàn bầu. Năm 2006, anh thi vượt rào lên hệ đại học và tốt nghiệp năm 2010. Về sau, anh lập nghiệp ở TP HCM. Nhạc sĩ có thể chơi hơn 10 loại nhạc cụ, đoạt giải thưởng, huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu. Anh cũng sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó, bài Nắng hát từng vào chung kết Bài hát Việt 2010.
Nhân dịp tự truyện Nhắm mắt nhìn sao của Hà Chương ra mắt, VnExpress trích đăng hai kỳ của sách.
Sống như người bình thường
Ngày còn ở quê, đi khám chữa mắt cùng ba mẹ ở khắp nơi, tôi luôn nghe người ta kháo nhau đầy thương hại về mình: "Đôi mắt nó mù lòa như vậy, sau này chắc chỉ đi hát rong xin ăn mà thôi. Mai mốt ba mẹ chết, nó khó sống với anh rể, chị dâu. Tội nghiệp". Trong bóng tối đặc quánh của số phận, tôi giận lắm. Mấy lần tôi đánh lộn toạc đầu, chảy máu chỉ vì bọn nhóc trong xóm gọi tôi là thằng "đui mù". Mỗi lần ẩu đả, tôi luôn là người thua cuộc trong máu và nước mắt. Trẻ con dẫu nói gì cũng còn chút vô tư. Còn người lớn ác tâm, buông lời cay nghiệt, tôi đành chịu.
Tôi nhớ một lần vào năm lên mười, tôi vô tư chạy chơi ngoài đường, nào ngờ đụng trúng một bà bán bánh tráng, làm mấy bịch bánh tráng bể tan tành. Sau cú đụng, tôi choáng váng, còn đang loay hoay, chưa biết ất giáp gì, thì đã hứng ngay một tràng mắng xối xả của bà bán bánh tráng: "Ra đường gặp thằng đui mù như mày, đúng là xui xẻo. Đã mù còn bày đặt ra ngoài, cản đường cản lối người ta. Mày sau này chỉ có nước đi ăn xin mới sống nổi thôi con ạ. Thằng vô dụng!". Với một người khiếm thị đã trưởng thành, những lời này chẳng khác nào lưỡi dao sắc cứa vào tim vậy. Nhưng tôi lúc ấy chỉ là một đứa trẻ, dẫu đã mơ hồ nhận biết được thói đời bạc bẽo, cay nghiệt, vẫn chưa thể hiểu được thế nào là "lời nói, đọi máu", thế nào là lời nói có thể sát thương một con người. Tôi chỉ nhớ lúc ấy mình tức lắm, uất lắm, muốn nói nhưng chẳng nói nổi nên lời. Tôi chỉ muốn thét lên tôi không phải là một đứa vô dụng, bây giờ không phải, sau này cũng không phải. Tôi lúc đó, một đứa trẻ mười tuổi, đã có lòng tự trọng, dù chỉ là lòng tự trọng trẻ con.
Tôi có thể chơi được tất cả các trò như kéo co, năm mười, rồng rắn lên mây, thậm chí cả giật cờ, đánh lộn hay đi xe đạp. Các trò chơi đều phải theo quy định của tôi. Ví dụ như trò năm mười, mấy đứa bạn đồng trang lứa không được trốn xa và phải mang dép, để khi nghe tiếng bước chân, tôi biết chính xác đứa nào đang chạy trốn. Với những trò đòi hỏi phải sáng mắt như ô ăn quan, lò cò không chơi được, tôi chỉ biết cúi mặt khóc rồi nhanh chóng bày trò khác. Trẻ con, đôi khi vì ném vào nhau những lời khó nghe mà đánh lộn. Gặp đứa chơi xấu, lén đánh một cái rồi bỏ chạy, tôi chịu, không có cách nào đánh trả được. Còn đứa quân tử xông vào đánh tay đôi, thể nào cũng bị tôi chụp lại vật xuống đất giằng co tơi tả.
Sau khi tơi tả vì những trận đòn của bạn hay toác đầu vì té xe đạp, thế giới của tôi là những con dao. Ở đó, tôi gọt đẽo đồ chơi cho mình, khi thì ngôi nhà, lúc thì bó đũa, lúc khác là con diều tự vót lại từ chiếc nón cũ của mẹ, dán chồng lên bằng tập vở cũ của hai người anh. Không thấy diều bay, nhưng qua lực căng của dây cước, tôi biết nó chót vót trên bầu trời. Những cánh diều chở bao mơ ước và sau này đi vào nhạc của tôi, ruổi rong cùng trời cuối đất.
Những vết sẹo vì té ngã, bị dao cắt vào tay và cả những va vấp là hành trang quan trọng cho tôi bước vào những trường học lớn hơn. Vì tin mình có thể làm được mọi thứ nên tôi dạn dĩ hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Đó là lý do tôi không hề mặc cảm về việc mình không thấy đường và cũng không ngại ngần trước người lạ. Để rồi nhờ tính cách đó, tôi gặp được người cha nuôi đã giúp đỡ, đem tôi đến với cuộc đời thênh thang...
Trái với các bạn khiếm thị thường chọn bàn phía sau, tôi luôn xin cô ngồi bàn đầu. Đó là vị trí tốt, dễ nghe giảng và được thầy cô quan sát, hướng dẫn. Muốn nhận được sự tôn trọng, tôi phải học sòng phẳng với các bạn sáng mắt. Tôi chịu khó săn giải thưởng như một cách kiếm tiền đi học, thay thế các bữa sáng bánh mì nước lã. Giải thưởng đối với tôi không chỉ là chuyện kiếm tiền. Nó chính là động lực để tôi thấy mình có thể hòa nhập với các bạn không khuyết tật. Giải thưởng còn giúp tôi thêm tin rằng bản thân có khả năng làm được mọi thứ, kể cả chạm đến vinh quang. Tôi nghiện nghe tên mình được xướng lên trên sân khấu. Tôi thích truyền cảm hứng cho các bạn khiếm thị khác trên khắp cả nước để các bạn cũng nỗ lực giống mình.
Tôi đã trả lời báo chí rằng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật, và rằng có hai thứ quen thuộc với người khiếm thị nhưng rất xa lạ với tôi, đó là cây gậy dò đường và cặp kính đen. Từ bé, tôi đã không thể ưa nổi chúng. Cây gậy làm tôi lọm khọm như cụ già, còn cặp kính đen thì che mất cửa sổ tâm hồn trên gương mặt điển trai của tôi. Tôi luôn có mục tiêu cho từng giai đoạn của đời mình. Ngoài tài năng, người nghệ sĩ còn phải nỗ lực như thể một đấu sĩ bước vào cuộc chiến cam go.
Một năm sau khi vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi bước vào lớp tám bằng giải ba môn Văn, giải khuyến khích cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU, các năm sau nữa là một loạt giải thưởng như: giải nhất thuyết trình văn học của Thành phố Đà Nẵng, giải nhì hùng biện tiếng Anh... Nhận giải xong, ba mẹ gom lại, đem hết về Quảng Ngãi. Ba đóng đinh treo chúng trang trọng ở phòng khách. Chẳng còn ai nói tôi là đứa trẻ đui mù sau này phải đi hát rong xin cái ăn nữa.
Tôi đang thực hiện đam mê cháy bỏng của mình, đó là ra Hà Nội học Nhạc viện và trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thông qua các cuộc thi, tôi muốn mình là hình ảnh đại diện cho những bạn khuyết tật, nói lên tiếng nói của những người khuyết tật. Đó là tuy khiếm khuyết trên cơ thể nhưng ai cũng có giá trị của mình. Ai cũng có thể thành công nếu biết mài giũa mình mỗi ngày.
Đời sống như một chiếc tủ mà hạnh phúc và nỗi buồn luôn lẫn lộn trong các ngăn kéo. Hôm nay vui, mai này bật khóc là lẽ thường. Chỉ có điều, tôi biết nâng niu cả những nỗi buồn và sắp xếp chúng một cách ngăn nắp. Nhiều lần tôi nghĩ, nếu sáng mắt, có lẽ giờ này tôi vẫn còn ở nhà trong vòng tay ba mẹ, chắc gì dám một thân một mình đến nơi đất khách quê người lạ lẫm thế này. Không thấy gì hóa ra lại dám can đảm đương đầu với cuộc sống nhiều hơn là sáng mắt.
Khiếm thị xem ra là một lợi thế, vì bạn không phải nhìn thấy ai. Khi đó, bạn trở nên gan dạ, lì lợm nhất. Nghề diễn sau này cũng vậy, tất cả các nghệ sĩ đàn em đều được các tiền bối dạy cho kinh nghiệm là không bao giờ được run sợ trước khán giả. Sự chuyên nghiệp chính là trên sân khấu, chỉ biết bản thân mình và hoàn thành tốt nhất tác phẩm để tỏa sáng.
Còn tiếp...
Trích sách Nhắm mắt nhìn sao