Tự truyện Phút 89 ghi lại kỷ niệm của Công Vinh từ khi là cậu bé gầy gò, đen nhẻm ở miền quê tỉnh Nghệ An tới lúc thành cầu thủ, lập gia đình... Ngoài những câu chuyện thuở thơ ấu, anh đề cập đến nhiều vấn đề của nền bóng đá như đường dây bán độ, bạo lực trong làng bóng, những vấn nạn của V-League...
Nhân dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng tự truyện. Tên các phần trích đăng do tòa soạn đặt. Sách gồm 26 phần (xem mục lục).
Tôi chào đời ngày 10/12/1985. Trước tôi, bố mẹ đã có hai chị gái. Sau tôi, gia đình còn đón thêm một em gái út. Đã có lúc, mẹ tôi nghĩ là ông trời không muốn cho mình có con trai. Bởi hai người con trai đầu của mẹ đều bị sẩy ở những tháng cuối cùng. Thành ra từ khi biết tôi là con trai, mẹ rất sợ tôi cũng sẽ đi theo hai người anh trước của mình.
Mẹ chỉ thở phào khi nghe tiếng khóc chào đời của tôi. Bố bảo đấy là sự đền bù của số phận. Đặt tên cho tôi là Công Vinh. Vinh trong chữ vinh quang, vinh hiển, vinh dự. Vinh nghĩa là thành phố Vinh ở Nghệ An, một thế giới lung linh rất khác với chốn làng quê ở Quỳnh Lưu mà cả nhà đang sống. Vinh là ước mơ thay đổi số phận. Đặt tên Vinh cho tôi, bố mẹ tin tôi sẽ là điềm lành của cả gia đình.
Vậy mà cái “điềm lành” ấy suýt nữa đã trở thành “điềm dữ” chỉ sau ba ngày. Tôi bị “đẻn”, một chứng bệnh khiến những đứa trẻ sơ sinh cứng đờ người và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hôm ấy dì vừa tắm cho tôi xong thì tôi bị cứng và tím tái, mẹ lay cỡ nào tôi cũng đơ ra như khúc gỗ, không còn nhúc nhích gì. Thật may có một người hàng xóm đã chỉ cho mẹ cách chữa mẹo, làm tôi khóc trở lại. Chưa đầy một tuần tuổi, tôi đã có ân nhân đầu tiên trong đời.
Tôi chào đời đã bị hen phế quản bẩm sinh. Đấy là lý do đến tận bây giờ, khi nói chuyện thỉnh thoảng tôi vẫn luôn ho rất nhiều dù đã tốn không biết bao nhiêu công sức để chữa trị. Vừa được hai tuần tuổi, mẹ phải hớt hải ôm tôi vào trạm xá bởi một cơn tắc phế quản cấp tính khiến tôi ngưng thở. Khi mẹ đưa tôi đến gặp bác sĩ, người tôi đã lạnh toát và mặt mày chuyển sang tím tái. Trong lúc nguy kịch, người bác sĩ ấy đã lấy ống tiêm cỡ đại mà người ta vẫn dùng để... tiêm heo, nhồi kháng sinh vào và chích thẳng trực tiếp vào phế quản của tôi. Hành động mạo hiểm ấy đã giúp tôi sống lại. Lần thứ hai trong vòng hai tuần, Thần Chết quyết định trở gót quay đi vào phút 89.
Là đứa con trai duy nhất trong gia đình, tôi cảm thấy mình thật đặc biệt. Chính cái cảm giác đặc biệt ấy giúp tôi xông xáo làm tất cả mọi việc được giao. Tôi chăm nom Chi, đứa em gái út, khi bố mẹ đi làm. Tôi nấu rượu, nuôi heo, phụ mẹ bán tạp hóa và làm tất cả những việc được giao.
Đứa bạn đầu tiên thời thơ ấu của tôi là Hùng. Hai đứa đã cùng nhau tát cá, đào chuột – hai món ăn làng quê phổ biến nhất vào thời điểm ấy. Cá dùng để kho hoặc nấu canh khế, chuột thì nướng hoặc khìa với nước dừa để ăn cơm. Chúng tôi không xem đấy là việc nặng nhọc, mà vừa làm vừa chơi rất vui vẻ. Mùa khoai thì ra đồng bắt chuột, mùa mưa lại đi bắt cá, thành quả đều chia đôi. Cứ tao một con thì mày một con, chia cho đến khi nào hết thì thôi. Đến cả cá cũng chia đôi. Nào cá quả, cá rô, cá diếc, cá lia thia, tép và tôm. Sản vật thiên nhiên ở miền quê đã góp phần cho tôi một cơ thể khỏe mạnh.
Cũng như mọi đứa trẻ khác, chúng tôi được nghe truyện cổ tích Tấm Cám từ nhỏ. Truyện kể hai chị em Tấm và Cám đi ra suối bắt tép, ai bắt nhiều hơn sẽ được mẹ cho cái yếm đào. Nhưng Cám chơi ăn gian, lấy hết tép của Tấm bỏ vào giỏ của mình rồi chạy về. Khi được nghe truyện Tấm Cám lần đầu, tôi kể lại cho bạn mình nghe, rồi nói với nó:
– Nếu như tụi nó mỗi đứa chia một con như tụi mình thì đâu có chuyện gì xảy ra hầy (nhỉ)?
– Vậy cái yếm đào xé làm đôi hử?
– Thì mỗi đứa mặc một ngày có sao đâu?
Rồi chúng tôi cùng cười. Trong trí óc non nớt của một đứa bé miền quê, tôi luôn nghĩ cuộc đời này sòng phẳng, và tin vào sự công bằng. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra cuộc sống chả giống với những gì mình nghĩ khi còn nhỏ cả. Thành ra khi nhìn những đứa trẻ, tôi luôn muốn... chúng lớn thật chậm. Như trong bộ phim hoạt hình Despicable me, gã ác nhân hoàn lương Gru đã hôn đứa con gái nhỏ của mình và thì thầm vào tai nó: “Đừng lớn nhe con”.
Nhưng bài học trưởng thành là câu chuyện của... người lớn. Còn tuổi thơ của tôi lúc ấy vẫn rất vui. Có rất nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới xuất phát từ khu ổ chuột. Để rồi khi thành công, họ luôn nhìn lại “tuổi thơ dữ dội” của bản thân để thấy mình đã đi xa đến đâu. Alexis Sanchez của Chile thậm chí còn phải làm trò nhào lộn cho hàng xóm xem, để có được bữa ăn bố thí qua ngày. Nhưng tôi tin Alexis, cũng như nhiều cầu thủ có quá khứ khiêm tốn khác đều rất yêu tuổi thơ của mình. Vì một đứa trẻ dù cực nhọc cách mấy vẫn tìm thấy niềm vui của nó. Người lớn có nhiều thứ để phải suy nghĩ, chứ trẻ con thì không. Đơn cử như tiền đạo Gabriel Jesus của Man City có một hình xăm khu ổ chuột, nơi anh lớn lên. Hay trong cuốn tự truyện của mình, Zlatan Ibrahimovic vẫn lặp đi lặp lại câu trích dẫn: “Người ta có thể kéo một cậu bé ra khỏi khu ổ chuột, nhưng không thể kéo khu ổ chuột ra khỏi một cậu bé”.
Tôi tin điều đó vô cùng. Vì không có quá khứ, ta không có hiện tại, càng chẳng có tương lai. Và tôi đã vô tư trưởng thành giữa làng quê nghèo khó trong cái quá khứ cơ hàn của mình. Tôi yêu mỗi ngày thức dậy, tôi thích những việc mình làm. Một đứa trẻ chưa biết giàu có là gì thì đâu đã biết buồn vì cảnh nghèo.
Tôi nấu rượu rất ngon, có tiếng ở trong xóm. Có vẻ như vì đã ngấy mùi rượu từ ngày còn nhỏ nên lớn lên tôi không còn thấy rượu hấp dẫn nữa. Nếu cần uống để tiếp khách và giao hảo, tôi vẫn là một người có tửu lượng rất cừ. Nhưng để thích nó, tận hưởng nó thì không.
Tôi có thể hồn nhiên, vô lo, nhưng bố mẹ tôi thì không. Phải nuôi bốn cái tàu há mồm đang ngày một lớn lên trong nhà là một áp lực khủng khiếp. Vì thế bố phải thường xuyên vắng nhà để đi làm. Bố là dân “nhảy tàu”, bán hàng trên tàu rồi buôn hàng từ Hà Nội về. Đã có một quãng thời gian ngắn ngủi, công việc này của bố giúp gia đình dễ thở hơn rất nhiều. Năm 1996, khi tôi 11 tuổi, gia đình tôi đã có thể mua được một chiếc Cub.
Ngày ấy chiếc xe có giá bảy, tám triệu, là cả một gia tài với nhiều người ở Nghệ An vào lúc đó. Trong những chiếc xe máy đã nhập khẩu vào Việt Nam, không một thương hiệu nào nổi tiếng hơn Honda. Và trong những chiếc xe mà Honda từng sản xuất, không có dòng xe nào mang tính biểu tượng như Cub. Chiếc đèn tròn, yên sau cắt rời để có thể chở người lẫn chở hàng, nhưng đám con nít chúng tôi thích nhất là chiếc còi. Cứ bấm vào cái nút tròn nho nhỏ màu vàng là nó lại phát ra còi to, khiến ai cũng phải ngoái lại nhìn. Tôi thích được bố chở trên chiếc xe Cub ấy đi vòng vòng chơi, thích tự mình bấm vào cái còi nho nhỏ để nó phát ra cái tiếng to to. Đấy là phần thưởng cho việc tôi đã chăm em giỏi và làm đủ thứ việc trong nhà.
Có chút đỉnh tiền, mẹ bắt đầu cho những người xung quanh vay để kiếm thêm chút tiền lời. Nhưng rồi bà bị lừa hết sạch tiền, những người vay nợ bỏ trốn không cách gì đòi được. Từ chủ nợ, mẹ trở thành con nợ. Bố hay tin lập tức từ Hà Nội chạy về, bán chiếc xe máy quý giá để trả nợ cho mẹ. Tôi đã khóc như mưa khi thấy người ta dẫn chiếc xe máy đi ra khỏi nhà mình.
Mặc cảm mình là người gây ra tai họa cho cả nhà, mẹ nhờ bố ở nhà chăm nom chúng tôi, một thân một mình đi vào Quỳ Châu để buôn đá đỏ (một loại đá quý được ưa chuộng thời gian ấy, được bán cho những nơi làm đồ trang sức). Nhưng vận rủi đâu đã chịu buông tha gia đình. Một lần lên phố, bố bị xe chở xăng dầu Nghệ An tông. Vỡ xương bánh chè, bố phải bó bột và ngồi nhà suốt một năm. Bao nhiêu tiền dành dụm ít ỏi đều tiêu sạch cho viện phí, thuốc men, chưa kể còn phải đi vay thêm nhiều nơi. Gia đình của chúng tôi chính thức khánh kiệt.
Từ người đàn ông trụ cột của gia đình, vậy mà giờ trở thành gánh nặng, đến chân cũng không gập được, có lẽ bố tôi đã tự trách mình rất khủng khiếp trong những tháng ngày ấy. Sau này khi gặp chấn thương dây chằng, tôi mới biết cảm giác phải ngồi yên một chỗ kinh khủng như thế nào. Nhưng lúc ấy tôi chỉ có một mình, còn bố thì có cả một gia đình phải gồng gánh. Nhìn bốn đứa con nheo nhóc lúc nào cũng đói, bố không chịu nổi.
Năm 1998, khi vòng vây của các chủ nợ xiết ngày càng chặt, bố vừa đi được là bảo chị em tôi phải ở nhà chăm em Chi, để bố đi Hà Tây một chuyến. Nhà dượng tôi ở đó, bố muốn ra mượn ít tiền để mua một cái máy xay lúa. Có cái máy xay ở nhà, chị em tôi sẽ thay phiên nhau xay lúa thuê cho hàng xóm để nhà có đồng ra đồng vào. “Xong việc bố sẽ về liền”, bố nói trước khi lê cái chân hãy còn đau rời khỏi nhà. Nhưng bố không trở về nữa.
Sau đó cả nhà mới biết bố âm thầm nghe lời người ta đi buôn ma túy một chuyến, hy vọng vào một cuộc đổi đời. Bố bị bắt khi đang giữ 1,8 kg ma túy trong người và bị tuyên án 12 năm tù. Năm ấy tôi 13 tuổi.
Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trong cái ngày mà bố tôi rời gia đình để “đi Hà Tây mua máy xay lúa”, mẹ tôi bị một toán cướp chặn lại trên đường đi buôn đá đỏ. Chúng gí dao vào cổ mẹ, buộc mẹ phải nộp hết toàn bộ đá đỏ trong người cho chúng. Bao nhiêu vốn liếng và công sức suốt mấy tháng trời vậy là mất sạch. Mẹ chỉ kịp quỳ lạy bọn cướp: "Xin các anh tha mạng cho tôi, tôi còn bốn đứa con nhỏ ở nhà". Cũng may là bọn cướp đã không xuống tay với mẹ. Thời ấy, tội ác diễn ra rất tự nhiên ở các làng quê hẻo lánh của Nghệ An. Thỉnh thoảng người ta lại thấy một xác chết ở đâu đó, không rõ lai lịch, bị giết bởi những kẻ cùng quẫn.
Mẹ trở về với hai bàn tay trắng, sau khi hay tin bố đã bị giam. Tuổi thơ của chị em chúng tôi luôn là như thế, có bố thì không có mẹ, có mẹ lại không có bố. Bốn đứa trẻ cứ phải dựa vào nhau mà sống. Nhưng tôi vẫn còn quá nhỏ để hiểu rõ nỗi đau của những người lớn. Tôi vẫn cứ làm mọi việc được giao: nuôi heo, nấu rượu, chăm em... Còn thời gian rảnh thì tôi lại ra ngoài chơi với đám bạn. Bóng đá có sức mạnh diệu kỳ. Với những đứa trẻ thích đá bóng, khi quả bóng đá lăn đi và những guồng chân đã chạy, chúng sẽ quên hết mọi đau khổ, đói khát của cuộc sống thường nhật.
Một lần đi đá bóng về, tôi thấy mẹ đang ở trong bếp và bỏ một thứ gì đó vào thức ăn. Mẹ bảo đấy là thuốc chuột, cả nhà sẽ cùng ăn một bữa no rồi cùng chết, vì không thể sống trong cảnh bần hàn và ngày nào cũng bị chủ nợ nhục mạ như vậy. Tôi không biết các chị em của mình đã biết việc này chưa, tôi chỉ biết quỳ xuống mà khóc. "Con xin mẹ đừng làm vậy. Hãy để cho chị em con được sống. Khổ ra sao con cũng chịu được, con sẽ sớm đi làm để phụ giúp gia đình. Con hứa sẽ không để cả nhà mình phải khổ mãi đâu".
* Công Vinh ghi bàn giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008
Rồi mẹ cũng quỳ xuống. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Nghe tiếng khóc, ba chị em đang ở trên nhà chờ cơm cũng chạy xuống bếp. Để rồi tất cả chúng tôi cùng òa khóc. Năm ấy tôi 13 tuổi. Thần Chết một lần nữa quyết định trở gót quay đi ở phút thứ 89. Và tôi không bao giờ quên lời hứa với mẹ ở cái tuổi 13 ấy. Đấy không chỉ là lời hứa với mẹ mà còn là lời hứa với bố. Ngày bố rời nhà để rồi phạm lầm lỗi duy nhất trong đời, tôi đã hứa sẽ không để cho mẹ và các em phải khổ.
Đấy không chỉ là lời hứa suông của một đứa trẻ. Đấy là lời thề danh dự của một thằng đàn ông buộc phải trưởng thành trước tuổi, khi nó bắt đầu nhận ra cuộc đời sẽ chẳng cho không ai thứ gì!
Còn tiếp...
Trích tự truyện "Phút 89"
(Trần Minh chấp bút, NXB Thế giới - Phương Nam Book)
Công Vinh sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh từng là cầu thủ của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, sau đó khoác áo các CLB trong nước là Hà Nội T&T, Hà Nội và Bình Dương. Xen kẽ hoạt động trong nước, Công Vinh có các chuyến thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài.
Công Vinh vào đội tuyển bóng đá quốc gia từ năm 2004 và trở thành chân sút trụ cột sau đó một năm. Năm 2008, sự nghiệp của anh đạt đỉnh cao khi cùng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup. Anh khoác áo tuyển quốc gia 85 trận, ghi được 51 bàn.
Tiền đạo người Nghệ An ba lần đoạt Quả Bóng Vàng Việt Nam (2004, 2006 và 2007) và một lần vô địch quốc gia, cùng CLB Bình Dương năm 2015. Anh giải nghệ cuối năm 2016. Năm 2017, anh giữ chức quyền Chủ tịch CLB TP HCM. Hồi đầu tháng 5, Công Vinh bất ngờ thông báo thôi đảm nhiệm chức vụ này và mở học viện bóng đá mang tên CV9.
Công Vinh từng không ít lần lấn sân lĩnh vực văn hóa, giải trí. Ngoài viết sách, anh từng biên tập album cho bà xã Thủy Tiên, quay MV cùng cô, đóng phim đầu tay...