Chừng năm, sáu tuổi tôi không còn thấy Rạp hát Ái Liên hay Hãng Việtfilm nữa, cả Đoàn văn công Liên khu 4 cũng đi đâu mất. Lúc này nhà 38 được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Tôi vẫn được xem múa rối hằng đêm. Thế giới những con rối là thế giới kỳ lạ đầu tiên tôi được biết. Gầm sân khấu múa rối cũng là nơi chúng tôi chơi trốn tìm. Những đêm đoàn múa rối nghỉ diễn, anh em chúng tôi cùng đám bạn ngoài phố về đây chơi trốn tìm, cãi nhau chí chóe, rất vui.
Khu nhà 38 rộng, có đến 600 mét vuông, xung quanh sân khấu múa rối vẫn thừa nhiều đất. Để cải thiện bữa ăn, ba má tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín khắp cả miếng sân trước nhà. Chiều chiều, mấy anh em tôi mang thùng sang Đoàn Cải lương Nam bộ số 23 Ngô Thì Nhiệm xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn. Nhớ mãi khi còi Nhà hát lớn rúc lên cũng là lúc đàn gia súc nhà tôi lên tiếng. Lợn kêu đòi bữa. Ngỗng nghe lợn kêu cũng quang quác kêu theo. Và con gà mái nhảy ổ cục tác váng nhà. Vui quá là vui!
Bỗng đâu nhà 38 bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Mảnh sân nhà, nơi chất đầy kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ của chúng tôi, giờ chật ních mấy chục chiếc xe đạp của nhân viên Bộ Văn hóa tới ăn bếp ăn tập thể. Vậy là bao nhiêu lợn, gà, ngỗng, thỏ và cả giàn nho xanh um mướt mát đều bị phá bỏ và lên mâm.
Tôi yêu quý những chú thỏ vô cùng, con vật xinh đẹp đáng yêu là thế cũng bị cho vào nồi, nên tôi nhất quyết không ăn. Anh Thành cũng vậy. Khi con lợn mà anh Thành hàng ngày chăm sóc bị giết mổ, anh đã khóc hu hu, rồi trốn khỏi nhà một mạch từ sáng tới đêm mới quay trở về.
Ngày ngôi nhà 38 bị trưng dụng thành nhà ăn tập thể là ngày tang tóc của bọn trẻ chúng tôi. Chị Mai, anh Thành khóc thương con lợn bị giết. Tôi khóc thương đàn thỏ bị làm thịt. Ái Xuân khóc thương đàn ngỗng “xinh ơi là xinh” của nó.
Anh em chúng tôi khóc lóc kiên quyết không ăn thịt các con vật mà chúng tôi đã nuôi và chăm sóc, nhưng rồi cuối cùng đói quá cũng phải ăn. Cái thời đến mỡ cũng không có mà ăn nói gì đến thịt. Khi anh Thành chị Mai đành phải quyết định ăn thịt lợn thì vừa thút thít khóc vừa ăn. Tôi vẫn kiên quyết không ăn thịt thỏ dù bà ngoại dỗ dành thế nào. Nhưng khi cả nhà ngủ hết, đói quá, tôi đành lò dò xuống bếp mò ăn thịt thỏ quay, ăn xong lại ngồi khóc tu tu.
Riêng hai chú ngỗng sau khi “bị” hóa kiếp thì được bà ngoại tôi lấy mỡ ngỗng rán lên, bỏ vào cặp lồng. Bếp ăn tập thể bữa nào nấu cơm có cháy, bà xin về, lấy mỡ ngỗng rưới lên trên cơm cháy rồi cho lũ cháu chúng tôi ăn. Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Lúc này chẳng những nhà 38 bị chiếm dụng mà một phần gác trên của nhà 36 cũng bị Bộ văn hóa “bố trí” cho ba gia đình của Bộ tới ở. Cuối năm 1967 Bộ Văn hóa rút luôn nhà ăn tập thể, dần dà cấp đất cấp nhà cho các gia đình của Bộ về đây ở mà không thèm hỏi ba má tôi một câu nào. Lúc này chẳng những nhà 38 bị chiếm dụng mà phần lớn gác trên của nhà 36-38 cũng bị “bố trí” cho các gia đình của Bộ. Ba má tôi phản đối, đơn từ khiếu kiện rất nhiều nhưng chẳng ăn thua, đành thủ phận sống chung với lũ. Gia đình chung sống rất hòa thuận với khu tập thể của Bộ Văn hóa, bản thân các gia đình này không có lỗi, họ cũng làm theo sự cấp phát nhà đất của Bộ Văn hóa mà thôi.
Kể từ khi biến thành khu tập thể, nhà 36-38 phát sinh nhiều khó khăn mới trước đây chưa từng có, đặc biệt là nước và vệ sinh.
Cái vòi nước ngày xưa chỉ là chỗ rửa chân cho chúng tôi mỗi khi đi chơi về, nay là vòi nước chung của cả xóm. Suốt ngày đêm luôn luôn có một dãy xô chậu xếp hàng lấy nước. Rồi nước thành phố cấp cũng yếu dần, lắm lúc chỉ nhỏ giọt hứng cả giờ không đầy xô. Bí thế phải đào giếng. Thế rồi cái giếng nước trở thành nơi sinh hoạt của xóm. Lâu ngày nó giống như một hãng thông tấn. Ai muốn biết thông tin thời sự cứ ra đấy ngồi hóng chuyện, biết hết. Cái nhà vệ sinh cũng trở thành hãng thông tấn. Sáng nào cũng vậy, cả mấy chục người sắp hàng dài trước nhà vệ sinh, mỗi người một tờ báo đọc và chuyện trò đợi đến lượt mình. Đàn bà con gái ớn nhất mấy vụ này nhưng chẳng biết sao, đành “ngồi trên hố xí đợi ngày mai”. Lâu ngày cũng chai mặt, cũng sắp hàng chuyện trò ỏm tỏi, hứng lên còn hát nữa.
Rồi chiến tranh, hết sơ tán tới đào hầm. Xóm nhà 36-38 chúng tôi đào hầm ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên cố. Hầm rộng, có thể chứa được khoảng 20 người. Những lần có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã quen, việc chạy xuống hầm đã thành bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả. Cái hầm lại trở thành một hãng thông tấn. Muốn biết thông tin từ thượng vàng đến hạ cám cứ chui xuống hầm. Người lớn đàn ông cũng già chuyện như ai. Lúc đầu thấy kỳ kỳ, dần dần cũng thấy chuyện đó là bình thường. Buồn cười nhất là thằng Quân con anh Hồng điếc và chị Sơn, mỗi lần báo động chạy xuống hầm đều cầm theo lọ đường, hỏi tại sao thì nó bảo: mẹ cháu bảo ngộ nhỡ bị bom vùi thì có đường ăn là không lo chết đói.
Có những thứ cực khổ vô cùng khi qua rồi lại nhớ, đôi khi ước được sống lại với kỷ niệm ngày ấy dù chỉ một lần...
Ở nhà 36 ba tôi cũng đào một chiếc hầm ngay dưới gầm giường để phòng khi báo động vào ban đêm. Hầm đào trúng phải mạch nước ngầm nhỏ, lúc nào nước cũng lấp xấp nền hầm. Lũ nhỏ chúng tôi phải thay nhau múc nước đổ đi. Bà ngoại đã để sẵn vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho các cháu khỏi ướt chân. Khi có báo động, trẻ con được xuống hầm, người lớn thì chui xuống nằm dưới gầm giường, còn ba tôi ở bên trên phủ vội chiếc chăn bông và những chiếc gối, đề phòng có bom bi.
Ngồi ở dưới hầm là cả một cực hình. Căn hầm ẩm ướt, muỗi bay vù vù cắn sưng người. Chúng tôi phải ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu, chân mỏi nhừ. Một lần đang ngủ trưa trên võng, chợt loa truyền thanh vang vang: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km! Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu! Mọi người cần nhanh chóng vào hầm trú ẩn và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Ủy ban Phòng không nhân dân Thành phố…”. Bình thường khi nào máy bay cách Hà Nội 30 km thì mới phải xuống hầm, nhưng chắc hôm ấy máy bay bay… quá nhanh hay sao đó mà mới cách 50 km thì còi báo động của Nhà hát Lớn đã vang lên.
Cả nhà thi nhau nhảy đại xuống hầm. Tôi đang nằm ngủ trên võng, nhào vội xuống. Vừa cuống vừa ngái ngủ tôi ríu hết cả chân không chạy được, khóc toáng lên: “Má ơi cứu con!” Má tôi vội chạy tới, nửa cõng, nửa kéo lê tôi cố chạy về phía căn hầm tập thể. Má cũng cuống lên chẳng nhích được là bao. Từ trong nhà ba thấy cảnh dở khóc dở cười bèn la lên: “Má con làm gì thế? Buông nhau ra chạy đi!” Má nhìn con, con nhìn má, tự nhiên hai má con bỗng bật cười rũ rượi. Vậy là hết quýnh quáng. Lại chạy được thoăn thoắt xuống hầm. Ba chạy xuống theo. Ông cười nói: “Bây giờ mới hiểu thần hồn nát thần tính là thế nào”.
Tìm được người đàn ông yêu và say vợ như ba yêu má thật hiếm. Chuyện gì ba cũng bắt đầu từ hai tiếng Ái Liên. Ái Liên nói thế này, Ái Liên nói thế kia, hôm qua Ái Liên thế này, bữa trước Ái Liên thế kia. Thời chiến di tản liên tục, để tránh đồ đạc thất lạc, mất mát thứ gì ba đánh dấu tên má bằng hai chữ viết tắt: A.L. Xoong nồi A.L, công tắc điện A.L, xô chậu A.L, thìa muỗng A.L, chén bát A.L… Thậm chí đến cả bức tường của nhà vệ sinh công cộng, ông cũng khắc lên đó hai chữ A.L.
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam, tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công tắc có chữ A.L được khắc trên đó mà không khỏi phì cười. Cười xong rồi lại nhớ ra khu nhà này không còn nữa, nó đã mất từ lâu rồi. Lại khóc.
Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6. Hết trích đăng.
(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)