![]() |
Diễn viên Tú Trinh. |
Chị che giấu một trái tim nhân hậu phía sau dáng vẻ gai góc, bất cần. Tú Trinh không sống phô trương nhưng luôn biết quan tâm và chia sẻ. Ba chị, một cây đờn cò trứ danh của đất Sài Gòn, từng nói: "Nghề hát buộc con phải lựa chọn giữa sự nổi tiếng và giả dối, để sống thật với mình, khó lắm". Ban đầu chị không hiểu hết điều cha dạy, chỉ biết mỗi khi cầm những tờ báo có đăng bài viết ca ngợi Tú Trinh thì ba chị lập tức tỏ thái độ khó chịu. Ông cho rằng, nghề hát mà được khen nhiều thì không bước được xa hơn. Vì vậy, ông cụ rất nghiêm khắc với con gái. Năm 13 tuổi, Tú Trinh thi đỗ vào lớp dự thính khoa Cải lương Trường quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn. Ba Tú Trinh lúc nào cũng sát bên để hễ con gái ca trật nhịp là ông cụ đánh đòn.
Hồi đó, Tú Trinh vừa đi học vừa đi làm. Có khi chị qua Thủ Thiêm mua hàng tạp hoá về bán, lúc lại về chợ Bến Thành mua hàng bán sỉ cho các đầu mối ở chợ. Nhưng công việc thường xuyên mà cũng là cách giúp chị bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp là lồng tiếng phim. Chị tâm sự: "Nhờ bước chân vào nghề lồng tiếng sớm nên tôi học được cách thâm nhập mọi tính cách nhân vật. Bởi điều kiện cần và đủ để làm được nghề lồng tiếng là sự nhạy bén, nắm bắt tâm lý vai diễn".
Không có được chất giọng ngọt ngào, Tú Trinh đành bỏ sân khấu cải lương qua kịch. Song hễ nhắc đến cải lương, khán giả vẫn nhớ đến chị qua nhân vật Thúy Liễu (Lan và Điệp), bà Dung (Tô Ánh Nguyệt), vợ Hoát (Trái tim trong trắng). Sân khấu đã dạy cho chị nhiều bài học giá trị. Chị nói: "Đời nghệ sĩ nếu sống bạc với bạn diễn sẽ không bao giờ khá". Chị thường thở dài khi nghe ai đó nói đến những chuyện đố kỵ, ganh ghét trong nghề. Có lần chị diễn vai bà mẹ trong Cái bình cổ (đạo diễn Thế Ngữ), có một câu thoại rất hài dành cho chị, thế nhưng lại bị hai diễn viên trẻ giành lấy để chọc cười khán giả, mặc cho đạo diễn góp ý.
Trong mắt bạn bè, Tú Trinh luôn là tấm gương lao động nghệ thuật nghiêm túc. Đạo diễn Đoàn Khoa nhận xét: "Chị là người dễ thành công trong sự nghiệp nhưng đằng sau đó luôn là nỗi buồn". Còn NSND Bảy Nam thì nói: "Tôi thương Tú Trinh vì lúc nào cũng có tinh thần cầu tiến, nhất là cách giữ cho ngọn lửa đam mê luôn cháy. Hồi đó, mỗi khi diễn Lá sầu riêng, cứ đến lớp tôi diễn cảnh bà Hội đồng bước vào nhà trong tiếng đàn nỉ non của bài Lòng mẹ thì Tú Trinh đứng bên cánh gà khóc ròng vì cảm động". Nghệ sĩ Minh Nhí tâm sự: "Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Tú Trinh, mà mỗi kỷ niệm đều chứa đựng bao niềm vui của nghề. Khi diễn chung với chị trên sân khấu kịch Sài Gòn trong vở Cưới chồng, tôi nhớ mãi một câu thoại của chị khi dạy đứa con: "Tiếng dạ nó dễ thương quá mà tại sao cứ mở miệng ra là con OK... OK?". Thế là tôi liên tưởng ngay đến cách nghe điện thoại thay chữ "Alô" bằng tiếng "dạ" rất dễ thương của chị".
Tú Trinh từng lập gia đình với nghệ sĩ kèn Cao Phi Long và có một cô con gái xinh xắn là Khánh Hà. Giờ đây, chị chỉ biết sống hết mình vì con. Tú Trinh thường đội mưa chạy từ hãng phim về trường để đón con đúng giờ học. Cô bé cũng hay mon men theo mẹ, rồi cũng tập tọng học lồng tiếng, học nhạc, ra sân khấu diễn Yêu trò. Chị nói: "Tôi muốn tập cho con cách sống bao dung, quan tâm đến mọi người. Có sống nhân hậu mới tích luỹ cho tâm hồn mình những hoài bão đẹp. Khi có hoài bão đẹp sẽ có ý thức xây dựng mái ấm gia đình. Đam mê, sống vội rồi sẽ qua đi, chỉ có gia đình là chốn ẩn náu cuối cùng cho một kiếp nguời".
(Theo Đất Mũi)